Thứ 4, 24/04/2024 12:05:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 07:16, 05/10/2018 GMT+7

Bệnh tay chân miệng: Sai một ly đi một dặm

Thứ 6, 05/10/2018 | 07:16:00 128 lượt xem
BP - Việc trẻ em nóng sốt, nhiều bà mẹ vẫn nghĩ đơn giản chỉ là bị cảm, rồi tự mua thuốc điều trị mà không cần đến bác sĩ. Nhưng nếu trẻ sốt không hạ vì viêm nhiễm, tay chân miệng thì hậu quả thật tai hại.

Ngày 1-10 vừa qua, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi các sở y tế về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Bởi, theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm 9 tháng năm 2018, bệnh tay chân miệng đang có diễn biến phức tạp và đã lan ra cả 63 tỉnh, thành phố. Cả nước đã có hơn 53.500 ca mắc, trong đó 25.845 trường hợp nhập viện và có 6 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, cả nước đã giảm 25,3% số ca; trường hợp nhập viện giảm 20,1%. Nhưng số trẻ chết vì bệnh lại là dấu hiệu rất đáng lo ngại. Bộ Y tế cảnh báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng do tính chất lây truyền. Đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh đang tập trung học tập và hiện bệnh chưa có vaccine phòng. Sự dịch chuyển nhóm gen ở bệnh tay chân miệng khiến những người chưa miễn dịch dễ bị mắc. Ngành y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để truyền thông phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình dịch để phát hiện và xử lý sớm ổ dịch.

Trẻ trong độ tuổi dễ nhiễm bệnh tay chân miệng nhất (bậc học mầm non và tiểu học) thường học bán trú nên cha mẹ khó theo dõi. Vì thế, các cô giáo phải báo ngay cho phụ huynh biết khi trẻ sốt, có biểu hiện uể oải. Do bệnh tay chân miệng dễ biến chứng nguy hiểm, phát triển rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ nên không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí gây tử vong.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh này. Vì vậy, mỗi phụ huynh có con nhỏ phải chủ động tìm hiểu để phòng bệnh cho con vẫn hơn. Và theo khuyến cáo của Bộ Y tế, điều quan trọng là nếu mắc bệnh thì nên cho trẻ uống đủ nước để tránh cơ thể mất nước. Nếu tuân thủ các nguyên tắc mà ngành y đã khuyến cáo, tuyên truyền thời gian qua thì bệnh tay chân miệng cũng không quá lo ngại hoặc không phải là vô phương cứu chữa. Bệnh tay chân miệng là nhiễm trùng do virus xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh thường tự khỏi và không đe dọa nhiều đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được tác động kịp thời, đúng cách của ngành y tế.

Nhà trường cũng cần quan tâm nhiều hơn đến vệ sinh khu bán trú, nhà vệ sinh... để trẻ có môi trường học tập, vui chơi an toàn. Khi trẻ được vui chơi ở môi trường an toàn, không để trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ thì kiểm soát bệnh tay chân miệng sẽ dễ dàng hơn. Quan trọng hơn nữa là con trẻ được bình yên học tập, vui chơi, không còn trường hợp trẻ bị biến chứng do bệnh vì thiếu sự sâu sát của người lớn.

An Nhiên

  • Từ khóa
108969

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu