Thứ 3, 23/04/2024 21:34:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:20, 29/09/2017 GMT+7

Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn - mô hình hiệu quả - Bài 1

Thứ 6, 29/09/2017 | 06:20:00 6,763 lượt xem
BP - Đội ngũ trưởng thôn được ví là “những cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở. Trưởng thôn có vai trò rất quan trọng trong vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trong vận động xây dựng nông thôn mới (NTM). Đặc biệt, ở những thôn đang áp dụng mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn thì việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và vận động nhân dân đóng góp xây dựng NTM sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

THÔN ĐI ĐẦU Ở XÃ TIÊN PHONG

Bù Nho là xã đầu tiên của huyện Phú Riềng hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Đồng chí Kiều Quang Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Bù Nho cho rằng: Xã hoàn thành các tiêu chí NTM trong thời gian ngắn, không thể không kể đến vai trò vận động sức dân của các vị trưởng thôn, nhất là những bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.

Xã tiên phong

Xã Bù Nho ở vị trí trung tâm của huyện Phú Riềng. Toàn xã có 9 thôn, 3.068 hộ với 11.592 người (đầu năm 2017). Bù Nho có trung tâm thương mại nên hơn 55% số hộ kinh doanh, làm dịch vụ, số còn lại làm nông. Thời điểm triển khai xây dựng NTM (2016), thu nhập bình quân của xã bằng mức thu nhập bình quân chung của tỉnh. Tháng 6-2016, xã mới đạt 10/19 tiêu chí. Vậy mà ngày 18-1-2017, Bù Nho đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, là xã đầu tiên của huyện Phú Riềng về đích NTM. Trong tổng vốn đầu tư xây dựng NTM 43,3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 8,4 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của xã đạt 40 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh (38 triệu đồng). 100% đường trục liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông; các nhà văn hóa thôn, cổng chào... được đầu tư xây dựng từ nguồn đóng góp của người dân. Khi nhắc đến Bù Nho, đồng chí Trần Văn Lân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phú Riềng - người từng có nhiều năm giữ vị trí quan trọng trong công tác tổ chức - cán bộ cả khối đảng và khối chính quyền của tỉnh nhận xét: Cái hay của Bù Nho không chỉ là đi đầu trong xây dựng NTM mà còn là đơn vị tiên phong trong việc giảm biên chế, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Cổng chào và đường vào tổ 4, thôn Tân Phước, xã Bù Nho - một trong 14 tuyến đường được xây dựng rất nhanh từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân

Chúng tôi về Bù Nho vào thời điểm xã đang chỉ đạo các thôn rà soát nhân sự chuẩn bị cho việc bầu trưởng thôn vào đầu năm 2018. Đồng chí Kiều Quang Hồng chia sẻ: Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, dù huyện và tỉnh chưa có văn bản hướng dẫn hay chỉ đạo gì, nhưng Đảng ủy xã đã chủ động triển khai, vì biết đây là một chủ trương lớn của Đảng và rất phù hợp với tình hình thực tế của xã. Tháng 11-2015, thời điểm chuẩn bị bầu trưởng thôn nhiệm kỳ 2016-2018, Đảng ủy xã Bù Nho đã ban hành Văn bản số 09 gửi UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN xã và các chi bộ trực thuộc hướng dẫn công tác hiệp thương nhân sự bầu trưởng thôn. Văn bản này yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh của cán bộ, công chức cấp xã. Riêng công tác hiệp thương nhân sự bầu trưởng thôn nhiệm kỳ 2016-2018, nội dung văn bản yêu cầu các thôn tập trung thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn và cơ cấu đại biểu HĐND xã. Qua rà soát, Bù Nho có 5/9 thôn dự kiến thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Điều đáng phấn khởi là sau hiệp thương và tổ chức bầu thì cả 5 bí thư chi bộ được giới thiệu để bầu trưởng thôn đều trúng cử với số phiếu rất cao. Điều đó cho thấy vai trò, trách nhiệm của các bí thư chi bộ thôn đã được người dân đánh giá cao và lựa chọn họ làm đại diện cho mình.

Bí thư Đảng ủy xã Kiều Quang Hồng nói: Phấn khởi hơn là cả 5 thôn thực hiện mô hình bí thư kiêm trưởng thôn, mọi hoạt động của Đảng, chính quyền khi triển khai xuống địa bàn đều suôn sẻ và mức độ hoàn thành cao hơn, thời gian hoàn thành sớm hơn so với các thôn khác. Từ việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) đến việc vận động nhân dân đóng góp xây dựng NTM đều được thực hiện nhanh, bài bản, hiệu quả, góp phần tích cực để Đảng bộ xã hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra. Năm 2016 và 9 tháng năm 2017, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, dù thời gian rất gấp nhưng đầu năm 2017, Bù Nho đã được công nhận hoàn thành xây dựng NTM đúng hẹn, tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Các tiêu chí NTM tiếp tục được duy trì bền vững trong năm 2017.

thôn đi đầu

Dẫn chúng tôi đi xem nhà văn hóa mới xây cùng những tuyến đường đã được thảm nhựa và bê tông, ông Lê Minh Hùng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Phước nói một cách tự hào: Chỉ riêng đóng góp làm đường, người dân Tân Phước đã góp 1,4 tỷ đồng, cao nhất xã và cũng là thôn có mức đóng góp cao nhất huyện. Kết quả đó trước hết là tầm nhìn của chi bộ cộng với việc huy động được tối đa sức dân. Từ sự bức xúc về giao thông cũng như cần phải có nhà văn hóa (trước đây thôn cũng có nhà văn hóa nhưng ở sát bưng và rất xập xệ), tại hội nghị đảng viên cuối năm 2015, Chi bộ thôn Tân Phước đã xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 là nhựa hóa và bê tông hóa các tuyến đường; đồng thời xây dựng nhà văn hóa thôn tại khu vực trung tâm.

Trung tâm xã Bù Nho (Phú Riềng) ngày càng khang trang, hiện đại - Ảnh: S.H

Ông Hùng cho biết, Tân Phước là thôn khó khăn của xã Bù Nho. Thôn chỉ có 215 hộ với 894 người nhưng lại có diện tích rộng nhất xã với 163 ha. Đất rộng, người thưa nhưng dân bản địa Tân Phước thì vườn rẫy không nhiều mà phần lớn là các hộ ở thôn khác, xã khác mua đất ở Tân Phước để làm rẫy. Trước đây, người dân sống bám theo các triền bưng để có nước sản xuất và sinh hoạt. Vì thế, đường đi ở thôn Tân Phước vô cùng khó khăn. Nhiều trường hợp sinh đẻ, bệnh đau phải khổ sở, vất vả mới đưa được người bệnh tới bệnh viện; trẻ em đi học lấm lem; nông sản làm ra cũng đành bán rẻ vì vận chuyển rất khó khăn. Có lẽ vì khổ như thế nên khi Chi bộ và Ban điều hành thôn vận động làm đường thì hầu hết bà con đồng tình ủng hộ. Toàn thôn có 14 tuyến đường với tổng chiều dài gần 6km. Dù được người dân ủng hộ nhưng để nâng cấp từ đường đất lên bê tông, thảm nhựa tất cả những tuyến đường này với một thôn chỉ có 215 hộ là cả một thách thức, huống hồ dân Tân Phước chỉ làm nông.

Nhờ sự linh hoạt của Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, người dân Tân Phước đã có đất để đóng góp xây dựng nhà văn hóa

Nhưng rồi thời cơ đã đến khi Bù Nho cũng như nhiều xã khác được hưởng cơ chế làm đường đặc thù của chương trình NTM. Chi bộ và Ban điều hành thôn Tân Phước chỉ có 7 ngày để hoàn thành đồ án xây dựng các tuyến đường trong thôn. Vì thế, có ngày các đảng viên được phân công cùng Ban điều hành thôn phải 4 lần dự họp dân. Cứ cuốn chiếu tổ này xong đến tổ khác để bàn phương án đóng góp làm đường. Phương châm là đảng viên gương mẫu đóng trước và đóng một lần; người dân đóng sau và đóng làm nhiều lần. Ban vận động xây dựng NTM của thôn còn phân công nhau đến các gia đình có kinh tế khá vận động thêm ngoài mức đóng góp đã thống nhất để bù cho những hộ khó khăn. Thậm chí ban còn đi vận động cả những người ở ngoài thôn tham gia đóng góp. Kết quả, thôn đã huy động được 1,4 tỷ đồng làm đường (chưa tính nguồn vốn làm nhà văn hóa và cổng chào). Riêng gia đình ông Lê Minh Hùng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Phước đóng góp 70 triệu đồng; ông Ngô Văn Bê, 50 năm tuổi đảng đóng góp 65 triệu đồng; ông Trần Đình Chuân, 50 năm tuổi đảng đóng góp 40 triệu đồng; doanh nghiệp tư nhân Phạm Đức Tuyến, nhà ở thôn khác nhưng có cơ sở kinh doanh ở Tân Phước cũng đóng góp 70 triệu đồng...

Từ một thôn giao thông toàn đường đất, đời sống người dân chưa cao vì chủ yếu làm nông nghiệp, chỉ trong một thời gian ngắn vận động nhân dân xây dựng NTM, hiện 100% tuyến đường ở Tân Phước đã được bê tông và thảm nhựa. Theo công thức giao thông đến đâu, kinh tế phát triển đến đó, người dân Tân Phước đã dời từ bưng lên mặt đường và dịch vụ bắt đầu phát triển khiến diện mạo thôn khác hẳn so với 2 năm trước. Hiện giá đất ở thôn Tân Phước đã tăng rất cao khiến giá trị tài sản của người dân được nâng lên. Có đường bê tông, nông sản được vận chuyển dễ dàng nên không còn tình trạng bị ép giá... Đó là kết quả từ sự đồng thuận giữa ý Đảng với lòng dân, trong đó có công sức không nhỏ của các đồng chí trong ban chi ủy, vai trò của bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn cùng ban điều hành thôn đã năng nổ, nhiệt tình, sáng tạo trong vận động và minh bạch sử dụng nguồn đóng góp của dân để lo cho dân.

Linh Tâm

  • Từ khóa
1374

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu