Thứ 6, 19/04/2024 17:57:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:27, 20/05/2013 GMT+7

Hưởng ứng giải báo chí tỉnh năm 2013 về chủ đề: “Chung tay xây dựng nông thôn mới”

Thứ 2, 20/05/2013 | 15:27:00 434 lượt xem

>> Bài 1: Người dân được thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi ngay từ lúc khởi đầu đề án
>> Bài 2: Các mô hình tổ chức sản xuất đang trong quá trình thực nghiệm
>> Bài 3: Thay đổi cơ cấu lao động ngành nghề, tăng thu nhập dân cư

CHUNG TAY XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI:
Từ mô hình thí điểm xây dựng nông thôn mới Tân Lập

Từ cuối năm 2008, Tân Lập (Đồng Phú) được chọn là một trong 11 xã toàn quốc tiến hành thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM) thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Sau hơn 4 năm thực hiện đề án, nông nghiệp, nông thôn Tân Lập đã có nhiều thay đổi; đóng góp nhiều bài học bổ ích cho chương trình xây dựng NTM quốc gia nói chung và của Bình Phước nói riêng. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu tác động không nhỏ vào nền kinh tế nước ta, nguồn lực của Nhà nước, của các doanh nghiệp dành cho nông nghiệp - nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, hạn hẹp thì bài học của Tân Lập về phát huy mọi nguồn lực trong dân để đạt các tiêu chí xây dựng NTM càng có ý nghĩa quan trọng. Từ thực tế Tân Lập, có thể gợi mở một số vấn đề về cách thức huy động nguồn lực cho 20 xã thuộc 10 huyện, thị trong tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện công cuộc xây dựng NTM.


Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Phước ngày 14-4-2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm xã nông thôn mới Tân Lập và tặng quà cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân ở đây
- Ảnh: T. Phương

Bài cuối Trường học thực tế của đội ngũ cán bộ, đảng viên

Trong báo cáo tổng kết đề án xây dựng NTM, Đảng ủy xã Tân Lập nhìn nhận: Được Trung ương chọn là 1 trong 11 xã trong toàn quốc làm thí điểm, với bộ tiêu chí đổi mới toàn diện nông nghiệp - nông thôn, đảng bộ và nhân dân Tân Lập rất mừng. Ban chỉ đạo và các bộ, ngành trung ương, Ban chỉ đạo của tỉnh, tổ công tác của huyện liên tục có văn bản hướng dẫn, cử cán bộ bám địa bàn cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xã (trực tiếp là ban quản lý) tổ chức thực hiện đề án. Những tháng giữa năm 2008 khảo sát thực địa, trình độ sản xuất và mức sống dân cư, xây dựng và lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, xác định và lập các kế hoạch huy động nguồn lực đầu tư cho mỗi tiêu chí... đều là những việc rất mới. Do chưa được đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn phù hợp với những yêu cầu mới, không ít cán bộ, nhất là cán bộ chuyên môn tỏ ra lúng túng, việc triển khai đề án bước đầu gặp không ít khó khăn. Nhưng, như đúc kết của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Bùi Đức Long thì chính việc tổ chức thực hiện nội dung các tiêu chí của đề án xây dựng NTM là một trường học thực tế, thường nhật, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ thật sự nhiệt tình, trách nhiệm, đoàn kết; mỗi bộ phận, mỗi người đều được phân công công việc cụ thể và đều phải thực hiện nhiệm vụ trong mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, với quyết tâm cao nhất. Khi được hỏi: Nếu so với thời gian trước, thì khối lượng công việc phải giải quyết của bộ máy chính quyền khi bắt tay vào thực hiện đề án tăng khoảng bao nhiêu lần? Chủ tịch xã Bùi Minh Hùng khẳng định: Ít nhất gấp 3 lần. Đó là chỉ kể “đầu việc”, còn so về yêu cầu nội dung, chiều sâu chuyên môn, tinh thần và thái độ phục vụ... thì khó mà đo đếm được. Văn bản cấp trên gửi về tăng gấp bội (nhiều văn bản mang tính chất nghiệp vụ, chuyên môn tài chính - kế toán) và đều yêu cầu triển khai thực hiện đúng thời hạn. Các cuộc họp đảng ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, họp chi bộ, họp ấp, họp dân; các lớp tập huấn, đào tạo nghề, xây dựng phương án và chuyển giao kỹ thuật cho bà con thực hiện các mô hình sản xuất; các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật rải đều trên tất cả các địa bàn dân cư phải được giám sát chặt chẽ... đều diễn ra khá tập trung, đúng bài bản. Công việc khẩn trương, phải tiến hành nhịp nhàng, đồng bộ đã buộc thói quen hành chính hóa trong vận động nhân dân và lối làm việc lề mề, tắc trách dần bị loại bỏ.

Anh Hoàng Văn Thảnh, Chủ tịch Hội nông dân xã; chị Nguyễn Thị Thêu, Phó chủ tịch Hội phụ nữ và Bí thư đoàn xã Nguyễn Văn Nam đều dẫn chứng rất cụ thể những đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ đoàn thể cho việc thực hiện đề án. Trong tất cả các hội, đoàn thể, đội ngũ đảng viên luôn gương mẫu thực hiện từ đóng góp tiền của, công sức, sáng kiến cho các chương trình xây dựng NTM. Riêng việc tổ chức sản xuất, các đồng chí đều có chung nhận thức: Muốn hội viên, đoàn viên thực hiện các mô hình mới thì bản thân mỗi cán bộ đoàn thể phải tích cực tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, nắm chắc quy trình và trở thành đội ngũ trực tiếp chuyển giao kỹ thuật, theo dõi, hướng dẫn và động viên các hộ gia đình hội viên, đoàn viên thực hiện. Đây không phải là công việc mới, nhưng phải có cách làm hoàn toàn khác trước. Mỗi  mô hình chăn nuôi, trồng trọt của từng tổ, nhóm hộ đều có cán bộ đoàn thể, cán bộ chuyên môn hướng dẫn, theo dõi kết quả, tổng kết kinh nghiệm và tổ chức nhân rộng. Phong trào học hỏi lẫn nhau, giúp nhau kỹ thuật, tiền vốn, vật tư để cùng phát triển kinh tế gia đình đã có từ trước, nay càng có thêm điều kiện về mặt tổ chức để phát huy.

Nhà văn hóa ấp 3 tân lập
Nhà văn hóa ấp 3 - một trong những công trình hạ tầng xây dựng NTM, thể hiện tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm, đoàn kết của đội ngũ cán bộ xã
-Ảnh: S.H

Trao đổi với chúng tôi, Phó bí thư Đảng ủy Nguyễn Bá Cường cho biết: Đảng bộ Tân Lập hiện có 164 đảng viên sinh hoạt tại 16 chi bộ (9 chi bộ ấp, 5 chi bộ trường học, 1 chi bộ cơ quan xã và 1 chi bộ quân sự, công an). Dù là đảng bộ nông thôn, nhưng Tân Lập có tới 35 đảng viên còn trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn, đóng vai trò lãnh đạo hơn 200 đoàn viên xung kích trong các phong trào. Hội cựu chiến binh có 232 hội viên, 38 đồng chí là đảng viên, trong đó có 22 đồng chí từ 30 đến 50 tuổi đảng. Nhiều hội viên cựu chiến binh đang là cán bộ chủ chốt của xã. Những “bộ đội Cụ Hồ”, với phẩm chất cách mạng và nếp sống giản dị, gương mẫu đi đầu trong tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống văn hóa ở khu dân cư. Hội viên cựu chiến binh luôn gần gũi và rất được dân tin tưởng, nghe theo, làm theo. Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, qua trường học thực tế xây dựng NTM đều có bước kiện toàn, phát triển. Ba năm qua, tất cả các hội, đoàn thể của xã đều được xếp loại từ tiên tiến trở lên; Đảng bộ Tân Lập luôn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Trong các cuộc họp định kỳ của ban chấp hành và trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và lớp đảng viên trẻ nói riêng được đảng ủy nhận xét là đã tỏ rõ sức phấn đấu vươn lên, đảm trách tốt công việc được giao. Đội ngũ cán bộ, công chức của xã có 25 người, trong đó 11 người là cán bộ chuyên trách, 14 người là công chức (đúng theo quy định của Nghị định số 114/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10-10-2003  về bộ máy cấp xã, phường). Hiện mức đạt chuẩn của đội ngũ cán bộ xã Tân Lập (theo quy định của Bộ Nội vụ) có: 19/25 đạt chuẩn về trình độ học vấn, 15/25 đạt chuẩn về lý luận chính trị, 20/25 đạt chuẩn về trình độ chuyên môn; theo quy hoạch cán bộ của xã có 5 đồng chí đang học đại học tại chức dài hạn.

Để tiếp tục phấn đấu đạt hai tiêu chí còn lại (nâng cao mức bình quân thu nhập đầu người; xây dựng chợ nông thôn đạt chuẩn); đồng thời giữ vững và hoàn thiện hơn nữa 17 tiêu chí đã đạt, đảng bộ và nhân dân Tân Lập vẫn còn nhiều việc phải làm. Những đổi mới ở Tân Lập đã thấy rõ. Những bài học sâu sắc đã đúc kết được về công tác xây dựng Đảng, đổi mới công tác dân vận; phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân; nâng cao vị trí, vai trò của mỗi tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong cả hệ thống chính trị ở cơ sở; huy động và sử dụng đúng, công khai, minh bạch và thật sự hiệu quả các nguồn lực đầu tư... sẽ mãi là hành trang cho Tân Lập trên bước đường đi tới.

Hoàng Lâm

  • Từ khóa
45076

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu