Thứ 5, 28/03/2024 16:26:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 15:13, 27/08/2019 GMT+7

Biển miền Trung - địa bàn chiến lược

Thứ 3, 27/08/2019 | 15:13:00 2,582 lượt xem
BP - Các tỉnh miền Trung trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, tỉnh nào cũng có biển, mọi hoạt động sản xuất của người dân đều gắn bó với biển. Biển miền Trung là tài nguyên quốc gia, là mặt tiền biển của Việt Nam, với chiều dài đường bờ biển 1.900km, là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Đây cũng là địa bàn chiến lược thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

KINH TẾ BIỂN KHỞI SẮC

Trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, khu vực miền Trung đã có sự phát triển khá toàn diện. Kinh tế 14 tỉnh, thành phố miền Trung đang có nhiều khởi sắc, tốc độ tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt khoảng 8,05%, cao hơn bình quân chung cả nước. Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết quả quan trọng. Các lĩnh vực, ngành kinh tế biển và ven biển của vùng miền Trung đang tập trung phát triển là: Du lịch và dịch vụ biển; phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp; khai thác, chế biến dầu khí; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo.

Các tổ chức nghề cá khu vực miền Trung ngày càng được củng cố nhằm gắn kết hỗ trợ nhau khai thác hải sản xa bờ. Trong ảnh: Tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Đến nay, miền Trung có 14 nhóm cảng biển, trong đó 8 nhóm cảng biển loại I, là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực. Chất lượng, hiệu quả nuôi trồng và khai thác hải sản các tỉnh miền Trung đã có nhiều chuyển biến, hình thành một số vùng nuôi tôm thâm canh theo mô hình VietGAP với quy mô diện tích lớn. Số lượng tàu cá khai thác hải sản xa bờ của nhiều tỉnh đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Số lượng tàu cá đóng mới có công suất lớn tăng nhanh, đặc biệt là loại tàu có công suất trên 400CV.

Trong thời gian qua, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội biển, đảo gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của các tỉnh miền Trung đã được duy trì. Lực lượng bảo vệ biển, đảo của các địa phương ngày càng vững mạnh, gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Các tổ chức nghề cá như nghiệp đoàn, tổ đoàn kết, hợp tác xã, tổ hợp tác ngày càng được củng cố, nhân rộng nhằm gắn kết hỗ trợ nhau trong khai thác hải sản xa bờ, cứu hộ, cứu nạn, đồng thời góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

và NHỮNG TỒN TẠI

Ngày 20-8-2019, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị phát triển kinh tế miền Trung. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư... Phát biểu tại đây, Thủ tướng đề nghị: “Ngư nghiệp phải tập trung nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản. Phát triển mạnh du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo. Phát triển hiệu quả cảng biển và dịch vụ logistics. Phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác”.

Ven biển các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung được ví như một tấm thảm được dệt bởi các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên đa dạng. Tuy vậy, nơi đây cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về xâm hại tài nguyên và môi trường biển. Chất lượng nước ven bờ, đặc biệt là tại các vùng nước cửa sông, bến cảng, các khu đô thị và dân cư ven biển đang ô nhiễm. Hiện tượng bồi lấp và xói lở tại nhiều vùng cửa sông, ven biển và các khu vực cảng khá nghiêm trọng, làm thay đổi các hệ sinh thái ven biển. Bên cạnh đó, việc sử dụng lưới kéo đáy, sử dụng mìn đánh bắt hải sản phá vỡ rạn san hô, khiến nhiều loài sinh vật không có nơi cư trú, từ đó làm giảm sút đa dạng sinh học hệ sinh thái rạn san hô. Sự suy giảm về các loài sinh vật biển đang ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nói chung và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân ven biển miền Trung, nhất là ngư dân sống nhờ nguồn lợi thủy, hải sản. Vì vậy, việc khai thác, bảo tồn đa dạng sinh học các vùng biển miền Trung đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý và cộng đồng người dân. Mặc dù có lợi thế về cảng nước sâu, lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực miền Trung đạt khối lượng lớn (hơn 18 triệu tấn trong năm 2018), nhưng hàng hóa ở đây chưa đa dạng, chủ yếu là xăng dầu, xi măng, thép và dăm gỗ. Dịch vụ vận tải biển khu vực miền Trung còn chậm phát triển; chưa tận dụng lợi thế cảng nước sâu để phát triển logistics, vận tải biển cho vùng và các địa phương thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan.

Miền Trung là địa bàn chiến lược trong phát triển kinh tế biển của nước ta, với mặt tiền là Thái Bình Dương, nối kết với lục địa phía Tây mà ít quốc gia nào trong khu vực có được. Miền Trung có nhiều bãi biển và các đảo lớn nhỏ với những kỳ quan, thắng cảnh hùng vĩ; những bãi tắm với biển xanh, cát trắng, nắng vàng thơ mộng, là điều kiện, tiềm năng để các tỉnh trong khu vực phát triển kinh tế du lịch biển, thu hút du khách trong và ngoài nước. Trong nhiều năm qua, cùng với sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ, các địa phương miền Trung đã và đang nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế biển, từng bước làm thay đổi diện mạo của khu vực. (*)

Đức Hồng
(*) Bài viết sử dụng nguồn chinhphu.vn

  • Từ khóa
111422

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu