Thứ 6, 26/04/2024 07:10:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:25, 02/10/2018 GMT+7

Biển với văn hóa vùng Nam Trung bộ

Thứ 3, 02/10/2018 | 14:25:00 3,411 lượt xem
BP - Nam Trung bộ là vùng biển thiên nhiên ban tặng nhiều ưu ái, với những phong cảnh đẹp nổi tiếng và giàu tiềm năng để phát triển kinh tế. Biển vùng này chiếm gần 20% sản lượng đánh bắt của cả nước, với nhiều loài hải sản quý. Bờ biển có nhiều vụng, vịnh, đầm phá thuận lợi nuôi trồng thủy sản. Nghề nuôi tôm hùm, tôm sú hiện phát triển ở nhiều tỉnh, nhất là Phú Yên, Khánh Hòa. Hoạt động chế biến hải sản ngày càng đa dạng, phong phú, đặc biệt là sản xuất nước mắm.

NHỮNG VỊNH NỔI TIẾNG

Dọc bờ biển Nam Trung bộ thiên nhiên tạo nên nhiều vịnh tuyệt đẹp. Đó là vịnh Quy Nhơn (Bình Định) trải dài từ phía nam bán đảo Phương Mai đến khu vực Gềnh Ráng, chiếm vị trí quan trọng về kinh tế biển của tỉnh. Vịnh Quy Nhơn có rất nhiều bãi biển như bãi tắm Hoàng Hậu, Tiên Sa. Vịnh Xuân Đài (Phú Yên) có vị trí địa lý từ mũi Lưỡi Cày tới hải đăng Gành Đèn, có nhiều bãi tắm như bãi Ôm, bãi Sông Cầu, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Sông Cầu. Vịnh Vũng Rô là ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa với các bãi biển như bãi Chùa, bãi Lau. Nơi đây có di tích lịch sử cấp quốc gia đường Hồ Chí Minh trên biển, tiếp nhận những đoàn tàu không số lịch sử. Vịnh tuy nhỏ nhưng rất xinh đẹp. Vân Phong là vịnh biển lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa, đầy tiềm năng về khai thác du lịch sinh thái và kinh tế biển. Vân Phong được nhiều tổ chức quốc tế công nhận là vịnh biển có điều kiện trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á và thế giới. Vịnh Nha Phu nằm giữa 2 vịnh lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa là Vân Phong và Nha Trang. Vùng sinh thái Nha Phu đa dạng với sông suối, núi rừng và các rạn san hô ngầm. Vịnh Nha Trang ôm trọn thành phố Nha Trang, là vịnh biển quan trọng trong phát triển của ngành du lịch và kinh tế biển đảo Khánh Hòa. Vịnh Cam Ranh - có vị trí rất quan trọng về quốc phòng - an ninh, được công nhận là vịnh nước sâu có một không hai trên thế giới. Vĩnh Hy (Ninh Thuận) là vịnh nhỏ, kéo dài từ mũi Tây Sa tới mũi Thủ. Vĩnh Hy được giới du lịch đặt cho một cái tên đầy kiêu hãnh là “Nam Phương đệ nhất vịnh”. Vịnh Phan Rang (Ninh Thuận) kéo dài từ Mỹ Tân tới mũi Dinh, với nhiều bãi biển đẹp và nguồn hải sản trù phú... Vịnh Phan Thiết là một trong những vịnh có nhiều bãi biển và điểm du lịch nổi tiếng nhất của dải đất Nam Trung bộ, kéo dài từ mũi Né tới mũi Kê Gà, là nguồn kinh tế chủ đạo của tỉnh Bình Thuận về du lịch và đánh bắt hải sản.

Tàu thuyền trong vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) - Ảnh: S.H

 Từ ngàn xưa, con người đã gắn bó với biển và tạo nên không gian văn hóa biển đảo đậm bản sắc. Các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, bãi biển, vũng, vịnh, khu bảo tồn thiên nhiên... đã đóng góp một phần không nhỏ tạo nên bản sắc đó.

VĂN HÓA BIỂN

Biển và văn hóa biển có vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường của Việt Nam hiện nay. Từ bao đời, cư dân ven biển nói chung và vùng Nam Trung bộ nói riêng đã có đời sống sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Nam Trung bộ có bề dày lịch sử, văn hóa, trải dài từ thời kỳ sơ sử với văn hóa Sa Huỳnh, sau đó là văn hóa Chămpa và văn hóa Việt Nam sau này. Biển không những là không gian sinh tồn mà còn là nơi khởi nguồn cho mọi hoạt động văn hóa của cư dân. Những chủ nhân của văn minh Sa Huỳnh đã chinh phục và gắn bó với biển, dùng biển làm phương tiện sinh sống và sinh hoạt. Người Chămpa với những đội hải thuyền được coi là hùng mạnh thời bấy giờ và sau này là cư dân Việt với những đội hải thuyền, hùng binh đều đã gắn bó mật thiết với biển, đảo. Sự gắn bó đó thể hiện ngay trong các sinh hoạt dân gian như tín ngưỡng, lễ hội, sinh kế... của các thế hệ người dân trong vùng.

Văn hóa biển được thể hiện qua các phương tiện đánh bắt cá cổ truyền như ghe mành, thuyền chai, thuyền thúng, ghe nang, ghe bầu,... các nghề biển như nghề giã, nghề giã đôi, giã cào, nghề lưới chiếc, lưới cào, nghề lưới quét, lưới đôi, mành đèn,... nghề nuôi trồng, chế biến hải sản như làm mắm ruốc, mắm cá mòi, cá cơm, mắm dưa, mắm tôm. Đặc biệt là nghề làm nước mắm với những thương hiệu nổi tiếng như nước mắm Phan Thiết, Nha Trang,... Văn hóa biển thể hiện trong đời sống văn hóa tinh thần, tiêu biểu là tục thờ cá Ông và các vị thần biển. Cư dân ven biển Nam Trung bộ thờ cá voi trong lăng. Họ xem cá voi như một vị phúc thần, chuyên cứu giúp người hoạn nạn trên biển. Văn hóa của cư dân biển Nam Trung bộ còn thể hiện rõ nét qua các lễ hội dân gian như lễ mở biển, tiêu biểu và đặc sắc nhất là lễ hội cầu ngư. Lễ hội này thường được tổ chức vào khoảng tháng giêng đến tháng 6 âm lịch ở hầu hết các địa phương trong vùng.

Người Việt Nam đã gắn bó với biển từ lâu đời, qua cách ứng xử riêng với môi trường biển đảo, tạo thành lối sống, nếp sống và sáng tạo ra các giá trị văn hóa. Những giá trị văn hóa vùng biển đảo là bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa dân tộc. Những giá trị của nó cần được bảo vệ và tiếp tục phát huy trong cuộc sống hôm nay.(*)

Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo tài liệu “Văn hóa biển đảo Việt Nam”

  • Từ khóa
111351

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu