Thứ 6, 19/04/2024 01:24:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:04, 17/04/2019 GMT+7

Bình Phước - góc nhìn từ PCI và PAPI - Bài 1

Thứ 4, 17/04/2019 | 06:04:00 917 lượt xem
BP - Vừa qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được công bố đã tạo sự quan tâm trong xã hội. Kết quả 2 chỉ số PCI, PAPI cho thấy cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân cảm nhận như thế nào về môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế, xã hội và công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Bình Phước trong thời gian qua? Báo Bình Phước giới thiệu 2 bài viết liên quan đến các nội dung nêu trên để độc giả có cái nhìn cụ thể hơn.

PCI: NHIỀU CẢI THIỆN NHƯNG THIẾU ĐỘT PHÁ

PCI (Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng các tỉnh, thành phố về chất lượng điều hành kinh tế, môi trường kinh doanh và phát triển khu vực DN dân doanh. Báo cáo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện. Trong 14 năm qua, báo cáo PCI đã trở thành “nhiệt kế” đo lường sự hài lòng của DN đối với chính quyền các cấp, là động lực CCHC ngày càng mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.

Những điểm sáng của dịch vụ hỗ trợ DN và công tác CCHC

Điểm PCI cải thiện tốt nhất cả nước, cao nhất trong 7 năm qua: Tuy thứ hạng PCI của Bình Phước chỉ tăng 1 bậc (từ hạng 62 lên 61 trong tổng số 63 tỉnh, thành) nhưng điểm số tăng đến 3,32 điểm, mức tăng cao nhất cả nước và là mức điểm cao nhất tính từ năm 2012 đến nay. Điều này cho thấy, Bình Phước “đã vượt qua chính mình một cách mạnh mẽ trong năm vừa qua” và “rất hy vọng sẽ duy trì được nỗ lực cải cách bền vững trong những năm tiếp theo” (theo báo cáo PCI năm 2018).

So với mục tiêu tại Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 23-8-2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI năm 2018 thì kết quả vượt kế hoạch về điểm số (kế hoạch đạt từ 59 điểm trở lên) nhưng không đạt về thứ hạng (kế hoạch xếp từ hạng 53-55).

Người dân đến giao dịch hành chính tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thành phố Đồng Xoài - Ảnh: Kim Phụng

Các dịch vụ hỗ trợ DN cải thiện tốt, tăng hạng từ 61 lên 16: Có mức tăng điểm và thăng hạng ngoạn mục trong năm 2018 là chỉ tiêu liên quan đến các dịch vụ hỗ trợ DN khi tăng 1,36 điểm và 45 bậc, lên hạng 16. Các lĩnh vực hỗ trợ được DN đánh giá cao là tìm kiếm thông tin thị trường, đối tác kinh doanh, dịch vụ về công nghệ và đào tạo quản trị kinh doanh. Chính quyền tỉnh đã tích cực trong việc hỗ trợ DN xúc tiến đầu tư, thương mại, phổ biến kiến thức hội nhập... Vai trò của các hiệp hội DN cũng được chú trọng trong việc xây dựng cộng đồng DN trong tỉnh vững mạnh, tạo sức mạnh và đoàn kết để phát triển và hội nhập.

Tình trạng nhũng nhiễu giảm ở đa số các lĩnh vực: So với năm 2017, điểm số thành phần chi phí không chính thức tăng 1,29 điểm, xếp hạng 24 (tăng 19 bậc). Cảm nhận của DN về tình trạng chi trả chi phí không chính thức nhìn chung có cải thiện đều ở tất cả tiêu chí, ngoại trừ tỷ lệ DN có chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tăng nhẹ so với năm trước (27,8% so với 26,7%). Dẫu vậy, tình trạng 61,5% DN cho rằng “công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi trả chi phí không chính thức”, 58,3% DN đồng ý “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho DN là phổ biến” và 40,2% DN “có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh -  kiểm tra” cũng là điều hết sức đáng lo ngại.

Chi phí thời gian cải thiện đáng kể, tăng 19 bậc nhờ những chuyển động trong cải cách thủ tục hành chính: Một trong những chỉ số cải thiện về cả điểm số và thứ hạng là chi phí thời gian khi tăng 1,18 điểm và 19 bậc, xếp hạng 32/63 tỉnh, thành. Trong đó, một số tiêu chí được DN đánh giá cao là: Thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn so với quy định (74% DN đồng ý, xếp hạng 10); phí, lệ phí được niêm yết công khai (95% DN đồng ý); cán bộ, công chức giải quyết công việc hiệu quả (75%); cán bộ, công chức thân thiện (72%). Các chỉ số này đều cao hơn so với trung vị của cả nước. Tuy nhiên, DN cũng còn than phiền về công tác thanh - kiểm tra khi có 9% DN bị thanh - kiểm tra từ 5 cuộc trở lên trong năm (xếp hạng 51), 12% DN bị thanh - kiểm tra trùng lặp và 18% DN cho rằng “thanh - kiểm tra tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu” (xếp hạng 35).

Triển khai dịch vụ công trực tuyến, đấu thầu qua mạng, tăng minh bạch và giảm tiêu cực: Một trong những điểm cải thiện đáng kể trong kết quả khảo sát PCI năm 2018 của tỉnh là công tác đấu thầu khi có đến 76% DN cho rằng “thông tin mời thầu được công khai” (cao nhất cả nước). Điều này phản ánh những nỗ lực trong việc triển khai công tác đấu thầu trực tuyến qua mạng của tỉnh trong năm 2018 đã được cộng đồng DN công nhận. Tương ứng, tỷ lệ DN đồng ý với nhận định “chi trả chi phí không chính thức là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu” chỉ có 28,6% (xếp thứ 6, trung vị của cả nước là 55%).

Ngoài ra, tỷ lệ DN làm thủ tục đăng ký DN bằng các hình thức mới (trực tuyến, qua bưu điện...) tăng đáng kể (48,6%, xếp thứ 5, trung vị của cả nước chỉ là 17%). Việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến qua mạng và qua dịch vụ bưu chính công ích giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc nộp hồ sơ, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực.

Các điểm số thành phần còn ở mức thấp

Điểm số gia nhập thị trường giảm mạnh do DN mất quá nhiều thời gian hoàn thành tất cả thủ tục để bước vào hoạt động: Chỉ số gia nhập thị trường giảm mạnh từ 7,95 năm 2017 còn 7,05, xếp hạng 44/63 tỉnh, thành. Chỉ số này trong các năm trước đạt khá, cá biệt năm 2015 đạt đến 8,72 điểm và đứng thứ 12 toàn quốc. Đa số các điểm thành phần đều giảm, trong đó đáng chú ý là điểm số thành phần xếp hạng thấp thuộc về thời gian hoàn thành thủ tục bước đầu để DN bước vào hoạt động: có 25% DN cần đến 1 tháng (xếp hạng 54/63) và 10% DN cần đến 3 tháng (xếp hạng 59/63). Trong khi đó, số ngày trung vị đăng ký DN chỉ là 5 ngày và số ngày đăng ký thay đổi chỉ là 4 ngày (xếp ở nhóm khá). Có thể nói các thủ tục “hậu đăng ký DN” liên quan đến xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đang làm DN mới thành lập gặp khó khăn nhiều nhất.

(Nguồn: pcivietnam.org)

Tính minh bạch giảm điểm do khó khăn về việc tiếp cận thông tin và phải “thỏa thuận tiền thuế phải nộp”: Việc tiếp cận thông tin được đánh giá không thuận lợi khi chỉ có 70% DN cho rằng “các tài liệu về ngân sách đủ chi tiết để DN sử dụng cho hoạt động kinh doanh (xếp hạng 62/63, trung vị cả nước là 83%), 53% DN nhận được thông tin sau khi đề nghị cơ quan nhà nước của tỉnh cung cấp, điểm số dành cho chất lượng trang web của tỉnh tụt xuống hạng 59 (các năm trước xếp từ hạng 3 đến 5). Đáng chú ý có đến 60% DN cho rằng “thỏa thuận khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng” (xếp hạng 57).

Tính năng động của chính quyền tỉnh: còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”: Sau năm 2017 tăng điểm đáng kể, tính năng động của bộ máy chính quyền được đánh giá thấp trong năm 2018 khi chỉ đạt 4,23 điểm (xếp hạng 62). Trong đó đáng chú ý có 65,3% DN cho rằng UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh (xếp hạng  20) nhưng cũng có đến 80,8% DN cho rằng “Có sáng kiến hay ở cấp tỉnh, nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở/ngành” và 67,6% DN đồng ý với nhận định “Lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng, nhưng chưa được thực hiện tốt ở cấp huyện/thị”. Trong những năm vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành tích cực trong công tác gặp gỡ, giải quyết khó khăn cho DN nhưng hiệu quả theo đánh giá của DN là chưa cao khi chỉ 78,3% DN nhận được phản hồi (xếp hạng 63), trong đó chỉ 70,6% DN hài lòng với cách giải quyết của chính quyền (xếp hạng 53).

PCI gồm 10 chỉ số thành phần. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho DN; 8) Dịch vụ hỗ trợ DN phát triển, chất lượng cao; 9) Chính sách đào tạo lao động tốt; 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự.

(Nguồn: Báo cáo PCI 2018)

Lao động không có tay nghề, DN tốn kém trong việc tuyển dụng và đào tạo: Lực lượng lao động thiếu về số lượng và yếu về chất lượng tiếp tục là điểm hạn chế của tỉnh trong nhiều năm qua, chỉ số đào tạo lao động tiếp tục giảm điểm còn 5,16 và xếp hạng 59. Trong đó tỷ lệ lao động có tay nghề đang làm việc tại DN chỉ đạt 37,49% (xếp hạng 60) và tổng chi phí đào tạo, tuyển dụng lao động chiếm gần 15% tổng chi phí kinh doanh (lần lượt xếp thứ 57 và 60).

Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự: điểm số tăng mạnh, thoát khỏi vị trí cuối bảng nhưng vẫn ở mức thấp: Điểm số thành phần liên quan đến thiết chế pháp lý cải thiện mạnh mẽ khi tăng 1,4 điểm, lên mức 5,42 điểm nhưng chỉ tăng được 3 bậc (xếp hạng 60). Việc khó khăn trong khởi kiện, dây dưa trong giải quyết các vụ việc kinh tế, tình trạng chi phí lên cao khi giải quyết tranh chấp qua tòa án (cả chi phí chính thức và chi phí không chính thức), tình trạng DN bị mất trộm tài sản... là những điểm trừ đáng kể đối với sự yên tâm trong sản xuất, kinh doanh của DN.

Kết luận: Cho dù chỉ tăng được 1 bậc trong bảng xếp hạng và còn nhiều điểm số thành phần ở mức thấp, tuy nhiên, bức tranh về môi trường kinh doanh, hiệu quả điều hành kinh tế và công tác CCHC được phản ánh qua chỉ số PCI của Bình Phước năm 2018 cũng cho thấy những điểm tích cực đáng kể. Tuy nhiên, với xu hướng hội tụ về điểm số và sự nỗ lực mạnh mẽ của các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh ở cuối bảng xếp hạng, thách thức đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong toàn tỉnh là không hề nhỏ để có thể cải thiện điểm số và vị trí trên bảng xếp hạng PCI những năm tiếp theo. Việc nhìn nhận thẳng thắn những mặt còn hạn chế, chỉ rõ những bất cập, những khâu “nghẽn” trong bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính là điều hết sức cần thiết. Không chỉ để cải thiện chỉ số PCI mà quan trọng hơn là xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút nguồn lực phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, kể cả những nơi PCI chưa thể đo lường đến.

Bùi Gia Khánh

  • Từ khóa
27108

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu