Thứ 6, 19/04/2024 19:48:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:48, 19/09/2017 GMT+7

Bình Phước có thể xuất khẩu thịt gà

Thứ 3, 19/09/2017 | 08:48:00 137 lượt xem

BP - Ngành nông nghiệp nước ta vừa tạo ra một dấu ấn mới trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến gia cầm. Đó là ngày 9-9, lô thịt gà đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản, thị trường khó tính nhất thế giới. Làm nên thành công này là do 4 doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng hợp tác cho ra đời chuỗi liên kết khép kín, được quản lý chất lượng nghiêm ngặt theo chuẩn Global GAP từ khâu chọn con giống, chăn nuôi, cung cấp thức ăn và giết mổ. Theo chuỗi giá trị này, Công ty cổ phần Bel Gà cung cấp giống và gà đẻ chất lượng; Tập đoàn De Heus cung cấp thức ăn chăn nuôi. Hai nguồn nguyên liệu đầu vào này được giao cho các trại chăn nuôi lớn, tập trung chủ yếu ở các trại gà của Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước). Sản phẩm gà thịt được bán cho Công ty TNHH Koyu & Unitek, doanh nghiệp được phía Nhật Bản cấp phép xuất khẩu thịt gà đã qua chế biến từ Việt Nam vào Nhật.

Tại lễ công bố, ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á, nói: “Hiện các trại gà của Việt Nam tham gia chuỗi giá thành sản xuất gần bằng Thái Lan. Nếu tiếp tục phát triển theo hướng này, sản phẩm gà Việt Nam không chỉ đi Nhật mà có thể xuất qua cả EU và các thị trường khác. Lợi thế ở Việt Nam cũng như Thái Lan, chính là chi phí nhân công thấp làm cho giá thành sản xuất rẻ hơn các nước khác”. Còn ông James Hiếu, Tổng giám đốc Koyu & Unitek cho hay: “So với tiêu thụ trong nước, khi xuất sang Nhật, thịt gà có giá cao hơn khoảng 30%, nhưng phải quản lý theo chuỗi chất lượng Global GAP và một số tiêu chuẩn riêng của thị trường Nhật Bản. Nếu thuận lợi, thời gian tới công ty sẽ mở thêm nhà máy để đáp ứng yêu cầu của khách hàng”.

Bình Phước là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hướng phát triển kinh tế chủ lực vẫn là sản xuất nông nghiệp, trong đó lĩnh vực chăn nuôi gia cầm có bước tiến vượt bậc. Hùng Nhơn là doanh nghiệp tiên phong về chăn nuôi gà sạch. Để gà thịt của Bình Phước xuất khẩu sang Nhật, doanh nghiệp này đã có sự chuẩn bị “dài hơi” trong việc kết nối các doanh nghiệp sản xuất theo chuẩn Global GAP của nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, Tập đoàn De Heus của Hà Lan đầu tư xây dựng nhiều nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ở Vĩnh Long, Vĩnh Phúc...; Bel Gà đến từ Bỉ đầu tư ở thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng), còn Koyu & Unitek là liên doanh của Nhật đóng ở Đồng Nai. Thực tế trên cho thấy, các doanh nghiệp này phải bỏ ra kinh phí rất lớn cho việc vận chuyển cùng nguồn nhân lực, vật lực phục vụ mới có được lô thịt gà xuất khẩu.

Hiện tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với gần 60% số dân ở tuổi lao động, lại giàu tiềm năng về đất đai, nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi cùng 76 trang trại chăn nuôi gà với số lượng lớn, hầu hết là chăn nuôi gia công và chưa xây dựng được các lò giết mổ công nghiệp. Đây là những lợi thế rất lớn để kêu gọi các nhà đầu tư chuyên về chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, để ước mơ trở thành hiện thực thì tỉnh cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, thu hút các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đến đầu tư, thậm chí mời gọi chính những doanh nghiệp đang liên kết với Tập đoàn Hùng Nhơn đến đầu tư tại Bình Phước. Từ đó làm giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, sớm đưa Bình Phước thành tỉnh đầu tiên có thịt gà xuất khẩu.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu