Thứ 6, 29/03/2024 12:27:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:07, 23/03/2018 GMT+7

KỶ NIỆM 43 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH PHƯỚC (23-3-1975 - 23-3-2018)

Bình Phước trong trái tim những người lính

Thứ 6, 23/03/2018 | 08:07:00 2,140 lượt xem
BP - Là địa bàn chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Phước trở thành chiến trường khốc liệt, là nơi giằng co từng tấc đất, ngọn đồi giữa ta với địch. Những năm chiến tranh, quân và dân Bình Phước đã chiến đấu anh dũng, biến nơi đây thành “tử huyệt” của kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội, góp phần to lớn vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

3 mặt trận một chiến công

Là người trực tiếp cầm quân chiến đấu trên mặt trận Bình Long, ông Lê Minh Xước (Năm Xước) ở xã Thanh Bình, thị xã Bình Long hồi tưởng lại các trận đánh tưởng như đã chết giữa mưa bom, bão đạn do Mỹ điên cuồng dội xuống nhằm hủy diệt mảnh đất Bình Long. Ông nói: “Trong kháng chiến chống Mỹ, trận đấu giải phóng Bình Long là trận chiến ác liệt không kém gì mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị. Ta tổng lực 3 sư đoàn, gồm Sư đoàn 9, Sư đoàn 7, Sư đoàn 5 và lực lượng đặc công của Trung đoàn đặc công 429, hai trung đoàn độc lập 205, 201 cùng với nhân dân Bình Long đã anh dũng chiến đấu trong suốt 150 ngày đêm để giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Long cách đây 43 năm”.

Cựu chiến binh Lê Minh Xước

Cựu chiến binh Năm Xước sinh ra và lớn lên ở Tây Ninh. Năm 1957, khi tròn 18 tuổi, ông đã vận động 6 người cùng chí hướng tổ chức đốt đồn giặc, sau đó thoát ly vào rừng theo cách mạng. Năm 1961, ông được điều động về Bình Long làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 rồi Trung đội trưởng Trung đội 75.

Trước mặt chúng tôi, người lính năm nào tóc đã bạc, màu da loang lổ vết đồi mồi nhưng những ký ức về chiến tranh trong ông vẫn còn nguyên vẹn: “Mở đầu cuộc đời binh nghiệp của tôi là trận đánh đại đội của Mỹ tại ấp Sóc Lớn. Lúc đó, địch có 3 đại úy, lực lượng của tôi kết hợp một đội du kích tại chỗ hỗ trợ diệt 2 đại úy Mỹ và 1 đại úy ngụy. Tôi là người đầu tiên giết Mỹ ở Lộc Ninh”.

Ngày 19-3-1965, tại cầu Nha Bích, Đại đội 75 được thành lập, ông Năm Xước làm Đại đội trưởng. Đại đội tham gia đánh trận đầu tiên ở Đồi Long (Bình Long), đối đầu với quân Sư đoàn 5 của ngụy. Để chuẩn bị cho Chiến dịch Nguyễn Huệ, năm 1968, ông tham gia thành lập Tiểu đoàn 368. Ông cùng Đại đội 75 và Tiểu đoàn 368 tổ chức nhiều trận đánh ác liệt. Những chiến công của Tiểu đoàn 368 hay Đại đội 75 cách đây 43 năm qua lời kể của ông như câu chuyện mới hôm qua.

Đất nước hoàn toàn giải phóng năm 1975, ông tiếp tục phục vụ trong quân ngũ và đến năm 1978 làm Huyện đội trưởng Lộc Ninh. Khi đó, ông tập trung xây dựng lực lượng để chống Pôn Pốt ở biên giới Lộc Ninh. Sau khi chiến thắng thế lực Pôn Pốt ở biên giới Campuchia, ông được rút về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 763 ở Phú Giáo năm 1979. Năm 1982, ông chuyển ngành sang làm tại Công ty cao su Bình Long, đến năm 2001 nghỉ hưu.

Phía sau những chiến thắng vang dội

Phía sau chiến thắng, có những người lính trên mặt trận thầm lặng. Họ là người lính cơ yếu thực hiện nhiệm vụ dịch mật mã liên lạc và chỉ đạo từ cấp trên. Để đánh trúng, đánh đúng, đánh thắng thì thông tin họ dịch phải tuyệt đối chính xác. Cựu chiến binh Vũ Minh Đức ở khu phố 6, thị trấn Chơn Thành, là người làm nhiệm vụ đó trong chiến tranh ở mặt trận Bình Long.

Cựu chiến binh Vũ Minh Đức

Gia đình cựu chiến binh Vũ Minh Đức vốn là cơ sở nuôi quân bí mật của xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1951, khi mới 11 tuổi ông đã được giao nhiệm vụ chuyển thư. Năm 1954, miền Bắc giải phóng, ông trải qua công việc ở nhiều lĩnh vực và trở thành hiệu trưởng một trường tiểu học tại huyện Hải Hậu. Đến năm 1968, ông đi bộ đội, học Trường kỹ thuật cơ yếu của quân đội ở tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1969, ông được điều động vào miền Nam chiến đấu.

Ông Đức kể: Ngày 6-11-1969, đoàn chúng tôi trên 300 người, chia làm 9 đoàn nhỏ bắt đầu hành quân vào chiến trường. Trong đó, 1 đoàn ở lại chiến trường Quảng Trị, gọi là đoàn Bác Ân; 1 đoàn ở lại làm nhiệm vụ ở Tây Nguyên, gọi là đoàn Bác Ái, 7 đoàn còn lại đi vào miền Nam, được gọi là vào “ông Cụ”. Sau 4 tháng hành quân trên đường Trường Sơn, chúng tôi vào tập kết tại Trung ương cục miền Nam, lúc đó đóng tại Campuchia. Chiến trường miền Nam và Bình Phước thời điểm đó đang vào giai đoạn ác liệt nhất. Đến tháng 3-1970, tôi được phân công về Ban cơ yếu của Khu ủy Khu 10 công tác, đóng tại vùng đầu nguồn sông Đắk Quýt. Năm 1970, địch tấn công ác liệt, Khu ủy Khu 10 phải dời về Cát Tiên, Lâm Đồng. Lúc bấy giờ thiếu lương thực và muối, nên mỗi người một tháng chỉ được cấp 1 lon bắp, sau đó giảm xuống còn nửa lon, rồi ngừng cấp. Tình trạng này kéo dài trong 6 tháng, cuộc sống của các chiến sĩ phụ thuộc hoàn toàn vào rừng. Thức ăn chủ yếu là măng rừng. Hầu như tất cả chiến sĩ ai cũng phải trải qua những trận say măng rừng. 

Đến đầu năm 1971, Khu 10 giải thể và thành lập Phân khu Bình Phước, đóng ở Minh Thạnh, sau đó dời về Tân Hiệp. Năm 1973, đổi phân khu Bình Phước thành tỉnh Bình Phước, ông được điều động về huyện Chơn Thành. Ông Đức nhớ lại: “Lực lượng cơ yếu lúc bấy giờ phải rất linh động. Căn cứ phải dời liên tục vì địch thường xuyên cho biệt kích đi lùng. Lãnh đạo chủ chốt phải nhạy bén, kịp thời. Những lúc không làm nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi phải chia nhau vận động, giác ngộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi mua lúa, sau đó đào hố ngay trên rẫy của đồng bào, lấy rơm khô lót ở dưới rồi đổ lúa xuống, tiếp theo phủ một lớp rơm ở trên san bằng lại...”.

>> Phước Long: Anh dũng trong đấu tranh, anh hùng trong lao động

Cựu chiến binh Đỗ Thám ở tổ 1, ấp Quản Lợi A, xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản kể về những năm tháng phục vụ trong chiến trường ở lĩnh vực quân y. Tham gia quân đội năm 21 tuổi (1963), ông được bổ sung vào đơn vị C75, sau đó được đi học y tá phục vụ đại đội, rồi chuyển về đơn vị C70. Các chiến sĩ C70 tham gia nhiều trận đánh ác liệt... Để phục vụ chiến đấu, ông luôn mang theo bộ trung phẫu thuật được tiệt trùng, sẵn sàng chữa trị cho các chiến sĩ. Thời chiến, các loại thuốc cũng khan hiếm, chiến sĩ bị thương nhiều, ông thường tận dụng mật ong rừng để sát trùng. Trong chiến tranh, cựu chiến binh Đỗ Thám đã chữa lành và cứu sống biết bao chiến sĩ, nhưng ông vẫn day dứt và áy náy khi kể tên những đồng đội đã mất mà ông chứng kiến do vết thương quá nặng.

Xây dựng quê hương

Ông Năm Xước từng làm Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc, rồi Giám đốc Công ty cao su Bình Long. “Tuy là tỉnh mới tái lập nhưng Bình Phước đã có sự phát triển kinh tế mạnh mẽ. Trước kia cơ sở vật chất gần như không có gì, ngày nay các khu công nghiệp mọc lên. Công nghiệp cao su có nhiều tiến bộ đóng góp vào sự phát triển của tỉnh. Bình Phước sẽ đổi thay và lớn mạnh” - ông Lê Minh Xước khẳng định.

>> Tự hào truyền thống quê hương anh hùng

Là thương binh hạng 4/4, ở tuổi 77, nhưng cựu chiến binh Đỗ Thám vẫn mê say lao động, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho khoảng 10 lao động có thu nhập ổn định trên 5 triệu đồng/tháng/người. Hiện nay, ông có 50 ha cao su tại tổ 1, ấp Sóc Quả, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản. Ông luôn đi đầu trong làm từ thiện. Ông còn tích cực ủng hộ các chương trình thiện nguyện trên địa bàn. “Nhân dân mình còn nhiều khó khăn, đồng đội vẫn còn nhiều người cực khổ. Tôi làm thiện nguyện là như góp chút sức mình với Đảng, Nhà nước để lo cho dân, cho đồng đội” - ông Thám nói.

Đồng quan điểm với cựu chiến binh Đỗ Thám, cựu chiến binh Vũ Minh Đức là một trong những người thành lập Câu lạc bộ giảm nghèo bền vững ở khu phố 6, thị trấn Chơn Thành để giúp đỡ hộ nghèo. Từ khi thành lập năm 2011 đến nay, câu lạc bộ đã xây dựng 17 nhà tình thương, tình nghĩa với tổng trị giá 499 triệu đồng; hỗ trợ vay vốn tín chấp cho 49 hộ nghèo, cận nghèo để đầu tư sản xuất - kinh doanh với tổng vốn 690 triệu đồng. Câu lạc bộ tổ chức tốt hoạt động chăm lo, tặng quà hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ, tết, tang gia và trao học bổng con em “vượt khó học giỏi” với tổng trị giá hơn 151 triệu đồng...

Ngọc Bích - Đông Kiểm

  • Từ khóa
20234

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu