Thứ 6, 26/04/2024 20:49:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:34, 04/04/2019 GMT+7

Bộ Công thương sẽ phối hợp với tỉnh xây dựng chương trình hợp tác về thu hút đầu tư

Thứ 5, 04/04/2019 | 09:34:00 798 lượt xem
BP - Chiều 3-4, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu đến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Phước. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Trăm, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Thị Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Công, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng đã thông tin tóm tắt tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh năm 2018; tình hình phát triển ngành công thương năm 2018, quý 1/2019 và tiến độ triển khai các dự án năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong quý 1/2019, sản xuất công nghiệp của Bình Phước tăng 9,37% so cùng kỳ; tổng mức lưu chuyển và bán lẻ hàng hóa ước đạt 11.313 tỷ đồng, tăng 6,84% so cùng kỳ, đạt 21,7% kế hoạch năm... Đến nay, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt 39 dự án điện mặt trời với tổng công suất 3.506MWp. Tuy nhiên, hiện mới có 5 dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 1 dự án được bộ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 850MWp; 14 dự án đã được bộ hoàn thành công tác thẩm định, chưa phê duyệt và 20 dự án bộ chưa lấy ý kiến thẩm định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bình Phước

Về phát triển lưới điện quốc gia: Đường dây 220kV Bình Long - Tây Ninh dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bình Phước sử dụng vốn ngân sách Trung ương, giai đoạn 2013-2020, vốn trung hạn sử dụng vốn ngân sách và vốn đối ứng của tỉnh, giai đoạn 2018-2020 được UBND tỉnh phê duyệt tổng nhu cầu vốn 75,5 tỷ đồng. Vốn EU tài trợ và vốn đối ứng của tỉnh, giai đoạn 2018-2020 được UBND tỉnh phê duyệt tổng nhu cầu vốn 70,5 tỷ đồng...

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đề xuất Bộ Công Thương xem xét tập trung vào các nội dung: Tái cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh đạt thấp, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, tính liên kết trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm hỗ trợ trên địa bàn tỉnh phục vụ sản xuất chính không đáng kể, vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp và năng lực cạnh tranh sản phẩm công nghiệp chế biến của tỉnh còn thấp, sản phẩm sản xuất chủ yếu là sơ chế, sản phẩm chế biến sâu có hàm lượng công nghệ cao còn ít. Hoạt động thương mại phát triển nhưng còn gặp khó khăn về liên kết sản xuất và tiêu thụ, phát triển thương mại điện tử. Kết quả hoạt động xuất nhập khẩu mặc dù tăng trưởng khá nhưng chưa ổn định do các thị trường nhập khẩu lớn quy định nghiêm ngặt đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh như điều, cao su, tiêu...

Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cho biết, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng điện và hạ tầng thương mại. Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu, giảm xuất nguyên liệu thô; tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguyên liệu tại chỗ có đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu; tích cực triển khai các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nguyên vật liệu, máy móc thiết bị trong nước thay thế nhập khẩu...

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự chuẩn bị của tỉnh trong việc phân tích rõ nét chỉ số tăng trưởng của tỉnh. Các chỉ số tăng trưởng cho thấy tỉnh đang đi đúng hướng, trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý, kinh tế cửa khẩu để phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ nhưng phải tập trung vào những đối tác tiềm năng. Bộ sẽ phối hợp với tỉnh xây dựng biên bản chương trình hợp tác về tăng cường thúc đẩy thu hút đầu tư gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đổi mới công nghệ với nhóm sản phẩm điều, tiêu, cao su, năng lượng.

Bộ trưởng cũng yêu cầu tỉnh tăng cường kết nối giữa Bộ Công Thương với địa phương để nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Bộ sẽ giao các đầu mối làm việc với địa phương về chương trình phối hợp công tác hướng vào các đối tác có công nghệ tiềm năng. Đa dạng hóa hình thức thương mại đầu tư và thương mại quốc tế, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng các sản phẩm. Các cục, vụ làm đầu mối tập trung rà soát, hỗ trợ thúc đẩy đầu tư phát triển công nghệ và cùng tỉnh phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Hợp tác phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, tập trung xây dựng cặp cửa khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý. Xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp lớn của các nước đối tác trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Cục Năng lượng nghiên cứu tiếp thu về quy hoạch năng lượng tái tạo để đề xuất Chính phủ tháo gỡ Luật Quy hoạch và cơ chế đặc thù. Phát triển logistics để tỉnh không chỉ là thành tố mà còn là yếu tố tích cực trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm xúc tiến chương trình phối hợp giữa tỉnh với bộ, đồng thời yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan làm việc với các đơn vị thuộc bộ thống nhất những nội dung của chương trình phối hợp để thực hiện hiệu quả.

Ngân Hà

  • Từ khóa
26869

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu