Thứ 4, 24/04/2024 12:41:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:33, 22/12/2014 GMT+7

Bộ đội Cụ Hồ - Giá trị độc đáo của văn hóa quân sự Việt Nam

Thứ 2, 22/12/2014 | 08:33:00 7,435 lượt xem

BPO - Hình ảnh và tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa quân sự Việt Nam nói riêng. Ít thấy có dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình đặt cho quân đội. Đây vừa là tình cảm, vừa là niềm tin của quần chúng dành cho lực lượng vũ trang.


Ảnh minh họa

1. “Bộ đội Cụ Hồ” có nguồn gốc sâu xa của kiểu mẫu nhân cách từ các nhân tố mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Trước hết, mang ý nghĩa nhân dân, được nhân dân truyền tụng. Nếu trước đây, trong lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc, những người có công trong chiến đấu bảo vệ thôn xóm, làng xã, quê hương, trong tạo dựng đời sống bền vững được nhân dân tôn vinh là các thành hoàng để ghi công và tưởng nhớ, thì danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” cũng chính do nhân dân trao tặng cho bộ đội. 

Nếu xét ở góc độ truyền thống văn hóa quân sự dân tộc, “Bộ đội Cụ Hồ” còn có nguồn gốc sâu xa hơn, bởi nó không chỉ là sản phẩm của 70 năm, mà còn bắt nguồn, nối tiếp và phát triển của kiểu mẫu những nghĩa sĩ, nghĩa binh, nghĩa quân trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

2. “Bộ đội Cụ Hồ” là đỉnh cao về hình tượng của người chiến sĩ QĐND Việt Nam. Đó là những người lính từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Ngay từ khi mới thành lập, họ đã được nhân dân coi như con em. Những chiến sĩ cách mạng luôn luôn gắn bó máu thịt với dân, được dân tin, dân phục, dân yêu vì dám xả thân “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”.

Nói quân đội ta “hiếu với dân” cũng do là như vậy. Vì chung một lý tưởng, đều là con em nhân dân nên “Bộ đội Cụ Hồ” có tinh thần đồng đội rất cao. Đồng đội đồng thời cũng là đồng chí. Đây là nét rất đặc thù của quân đội cách mạng. Những đặc trưng nổi bật của “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành những hành trang quý báu trên hành trình lớn lên, trưởng thành và chiến thắng của các lực lượng vũ trang ta. Đó cũng là nét văn hóa quân sự đặc trưng trong nền văn hóa Việt Nam mới, văn hóa vì con người dựa trên truyền thống và cốt cách Việt Nam.

3. Nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”, tất nhiên, nó không phải là sản phẩm tự phát, mà là kết quả tất yếu của một quá trình nuôi dưỡng, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Vì vậy, việc tiếp tục nuôi dưỡng, xây dựng, phát triển kiểu mẫu nhân cách đó lúc này và trong tương lai là nhiệm vụ cực kỳ to lớn và nặng nề.

Nếu như đặc trưng lịch sử và văn hóa của “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành một sức mạnh to lớn, sức hấp dẫn mãnh liệt đối với nhân dân và các thế hệ thanh thiếu niên trong 30 năm kháng chiến vừa qua, thì hiện nay, nó đang bị thử thách một cách quyết liệt, từ cả hai góc độ: thực tế và tâm lý. Công việc ở đây sẽ là, xác định những giá trị văn hóa cốt lõi và cơ bản trong nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” đã được định hình trong lịch sử để củng cố, khẳng định, đồng thời bổ sung, phát triển những nhân tố mới, trước những đòi hỏi và đặc điểm rất mới của giai đoạn lịch sử hiện nay và sắp tới.

Giá trị cốt lõi và cao quý nhất trong nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” bao giờ cũng là lòng trung thành vô hạn với mục tiêu và lý tưởng chiến đấu của Đảng và Nhân dân, là ở sự sẵn sàng cống hiến cuộc đời mình cho lý tưởng đó. Giá trị đó nhất thiết phải được bảo vệ và phát triển. Nhưng con đường để tạo nên nó trong phẩm chất, nhân cách người chiến sĩ hôm nay lại hoàn toàn khác trước. Phải đặt họ trong một tình thế lựa chọn mang tính hiện thực và rất gay gắt giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa sống và chết, giữa được và mất, giữa giá trị tinh thần và nhu cầu vật chất, giữa các xu hướng vận động đang diễn ra phức tạp hiện nay để giúp họ lựa chọn đúng nhất, tự tin nhất với sự mách bảo của tình cảm, của danh dự người chiến sĩ và cả sự sáng suốt của lý trí. Nối tiếp truyền thống quý báu, luôn luôn lấy tình cảm cách mạng làm cội nguồn sức mạnh của người lính, đồng thời cần nâng cao không ngừng tri thức, trí tuệ cách mạng.

Nguồn SGGP

  • Từ khóa
2994

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu