Thứ 6, 29/03/2024 03:03:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:55, 09/07/2013 GMT+7

Về việc xác định diện tích đất ở

Thứ 3, 09/07/2013 | 15:55:00 1,876 lượt xem

* Nội dung của Điều 99 trong Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai là những quy định về việc xác định diện tích đất ở đối với trường hợp có vườn, ao. Cụ thể, ở Khoản 2, Điều 99 có quy định như sau: “Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 96 của luật này thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó...”.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa chặt chẽ, không phù hợp với tình hình thực tế ở các vùng nông thôn hiện nay. Vì, nếu diện tích đất ở được công nhận chưa đủ theo hạn mức đất ở của địa phương quy định mà diện tích đất người dân đang sử dụng còn lại nhiều thì sẽ thiệt thòi cho người sử dụng đất. Do đó, tôi đề nghị cần bổ sung nội dung để quy định này được rõ ràng hơn. Ví dụ, ông Nguyễn Văn A, có thửa đất ở, trong đó có vườn, ao, đồng thời ông A đã sử dụng ổn định từ trước ngày 18 tháng 12 năm 1980. Nếu theo quy định trên, dù thửa đất này có lớn hơn hạn mức theo quy định của địa phương thì ông A vẫn được xác định diện tích đất ở theo hiện tại và không phải nộp bất cứ khoản tiền nào cho diện tích vượt hạn mức đất ở.

Và ở Khoản 3 của Điều 99 cũng sẽ xảy ra trường hợp tương tự như trên. Nội dung của Khoản 3 như sau: 3. Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 1 tháng 7 năm 2004 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 96 của luật này mà trong giấy tờ đó ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó. Nếu quy định như trong dự thảo thì cũng lại sẽ phát sinh bất cập như đã phân tích ở trên.

* Tại Khoản 2, Điều 202 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định về trách nhiệm của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã như sau: 2. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa ổn, còn rườm rà nhưng lại thiếu ý, thiếu nghĩa. Cụ thể là ở đoạn đầu của Khoản 2 có quy định như sau: “Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép...”. Theo tôi, ở đây tuy điều luật đã liệt kê các trách nhiệm của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã nhưng chưa đầy đủ, vẫn còn bỏ sót các hành vi vi phạm khác đã và đang xảy ra trong thực tế mà chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã phải có trách nhiệm xử lý. Đó là các hành vi: Cố ý hủy hoại đất, gây cản trở việc sử dụng đất của người khác, lấn đất, chiếm đất... bỏ hoang đất, đổ chất thải nguy hại trên đất...

Ở đoạn cuối của Khoản 2 có quy định về trách nhiệm của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã như sau: ...“Phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”. Theo ý kiến của tôi thì quy định như trên cũng không ổn, vì chưa đầy đủ. Bởi ngoài các nội dung như điều luật quy định thì trong thực tế, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã còn phải áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm khác về đất đai. Cụ thể là áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với hành vi trồng cây trên đất lấn, chiếm; hành vi hủy hoại đất, sử dụng đất sai mục đích hay sử dụng đất làm ảnh hưởng và gây thiệt hại tới quá trình sử dụng đất của người có đất liền kề...

Cũng ở đoạn cuối của Khoản 2 này còn có một nội dung nữa cần được xem xét lại. đó là quy định:... “Buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”. Xét về ngữ nghĩa thì nội dung của quy định này chưa rõ ý, chưa rõ nghĩa và vừa khó hiểu lại vừa khó thực thi trong thực tế. Để cho điều luật được dễ hiểu hơn, theo tôi cần bổ sung từ “như” vào trước cụm từ “vi phạm”. Xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề nghị Khoản 2, Điều 202 được sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: 2. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai xảy ra trên địa bàn và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của thửa đất như trước khi có vi phạm.    

Nguyễn Thành (TX. Đồng Xoài)

  • Từ khóa
8553

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu