Thứ 4, 24/04/2024 04:21:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 11:38, 02/06/2017 GMT+7

Bỏ học, tương lai sẽ ở đâu!?

Thứ 6, 02/06/2017 | 11:38:00 147 lượt xem
BP - Năm học 2016-2017 đã kết thúc với các bậc học từ mầm non đến THCS. Ngành giáo dục đã có con số tổng hợp của các bậc học này. Và một lần nữa, con số về học sinh bỏ học lại “nóng” trên các bản báo cáo của những địa bàn đông đồng bào dân tộc thiểu số như Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp..., vì có tỷ lệ học sinh bỏ học cao.

>> Học sinh ở huyện Bù Gia Mập bỏ học nhiều

Ở nhiều địa phương trong cả nước, học sinh tiểu học hay THCS bỏ học là những trường hợp cá biệt và thường khiến cho thầy cô giáo, phụ huynh, chính quyền, các tổ chức đoàn thể “ăn không ngon, ngủ không yên”, “đau đầu” tìm mọi cách để đưa con em tiếp tục cắp sách đến trường. Thế nhưng, ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số của Bình Phước, việc học sinh làm phép tính cộng - trừ - nhân - chia số tự nhiên còn chưa thành thạo đã bỏ học không còn là chuyện hiếm. Hết năm này qua năm khác, học sinh tiểu học và THCS bỏ học nhiều bị xem là vấn đề “nóng” ở xã này, huyện kia trên địa bàn tỉnh. Song, năm nào cũng “nóng”, riết rồi trở thành “nguội”. Và dường như nó cũng đã khiến cảm xúc của các thầy cô giáo, ngành giáo dục, tổ chức đoàn thể và chính quyền không chỉ ở địa bàn đó giảm đi.

Giáo dục và đào tạo luôn là lĩnh vực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mọi quốc gia, dân tộc và ở mọi thời đại. Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta cũng xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Ngày nay, trong thời đại bùng nổ khoa học, giáo dục và đào tạo càng ngày càng trở nên quan trọng bởi nền kinh tế thế giới hiện nay đã phát triển đến giai đoạn được gọi là “kinh tế tri thức” (tri thức là sản phẩm của giáo dục và đào tạo). Tri thức đã trở thành nguồn lực quan trọng nhất, quyết định nhất đối với lực lượng sản xuất hiện đại, đóng vai trò quyết định sự phát triển xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, bởi không có tri thức, hiểu biết về xã hội, tự nhiên và chính bản thân mình thì sẽ luôn lệ thuộc, bất lực trước những thế lực và sức mạnh cản trở sự phát triển của dân tộc, đất nước mình...

Từ thế kỷ thứ IV trước công nguyên, Mạnh Tử - nhà tư tưởng của Trung Hoa, đã khẳng định: “Nhân chi sơ tính bản thiện, tính tương cận tập tương viễn”, nghĩa là con người sinh ra vốn lương thiện, nhưng môi trường và sự học hỏi khác nhau nên tính tình khác nhau. Cũng trong thế kỷ đó, một nhà tư tưởng khác của Trung Hoa là Tuân Tử khẳng định: “Nhân chi sơ tính bản ác, lý tính hậu lai tập đắc”, nghĩa là con người sinh ra ban đầu vốn dĩ là ác, nhưng sau này do học tập mà có lý trí, biết đúng sai. Tuân Tử cho rằng con người là một loài động vật trong thế giới sinh học nên nguồn gốc ban đầu vốn dữ tính, muốn thành người có lý trí thì phải được giáo dục. Mạnh Tử cho rằng con người sinh ra có tình thương của cha mẹ, anh em nên bản tính lương thiện, nhưng lớn lên, học tập trong xã hội khác nhau thì tính tình sẽ khác nhau...

Có thể thấy, từ ngàn xưa, các nhà tư tưởng lớn đã có những quan điểm duy vật và dù có đánh giá khác nhau song đều chung quan điểm môi trường và giáo dục sẽ hình thành nên nhân cách của con người. Rời ghế nhà trường ngay từ bậc tiểu học, THCS, tương lai các em, đặc biệt là các em người dân tộc thiểu số sẽ như thế nào trong xã hội hiện nay?

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu