Thứ 6, 19/04/2024 04:10:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 08:45, 28/08/2015 GMT+7

Sức mạnh của vua bom

Thứ 6, 28/08/2015 | 08:45:00 273 lượt xem
BPO - Một quả bom vua “Tsar Bomba” có thể phá hủy hoàn toàn một thành phố lớn như Los Angeles, Hoa Kỳ.

Vụ nổ tạo ra một quả cầu lửa rộng khoảng 8km

Hãng tin Nga Sputnik cho biết mô hình quả bom mạnh nhất trong lịch sử nhân loại "Tsar-bomba" đã được đưa tới tổ hợp triển lãm Manezh ở trung tâm thủ đô Nga để giới thiệu với công chúng vào ngày 1-9 trong khuôn khổ triển lãm kỷ niệm 70 năm ngành công nghiệp hạt nhân Nga.

"Tsar-bomba" là quả bom khinh khí mạnh nhất từng được kích nổ, với công suất hơn 58 megaton (tương đương 58 triệu tấn thuốc nổ TNT). Đám mây hình nấm sau vụ nổ thử nghiệm năm 1961 có đường kính tới 97 km, sóng địa chấn được gây nên đã ba lần đi vòng quanh Trái đất. Sức nóng có thể gây bỏng độ ba ở khoảng cách 100 km cách hiện trường nổ.

Quả bom này được phát triển ở Liên Xô trong giai đoạn 1954-1961. Về kích thước, nó dài 8m, có đường kính khoảng 2m và nặng hơn 60.000kg.

Thông tin về quả bom siêu mạnh này, trong bài báo “Vua của các loại bom” thời Liên Xô, Báo Tin tức cho biết, sức công phá của "Tsar-bomba" gấp 3.000 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Bom vua dài 8m, có đường kính khoảng 2m và nặng hơn 60.000kg

Về tên gọi, Andrei Sakharov - một trong những nhà vật lý góp phần thiết kế quả bom trên, đã gọi nó là "Big Bomb" (Bom khổng lồ), còn Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev gọi nó là "mẹ của Kuzka" - một câu nói cổ của Nga có nghĩa là bạn muốn dạy ai đó một bài học nghiêm khắc, khó quên. Nhưng có một cái tên được sử dụng rộng rãi và là niềm tự hào của Nga, đó là “Tsar Bomba” hay "Vua của các loại bom”.

Trở lại với vụ thử nghiệm bom vua cách đây nửa thế kỷ, ngày 30/10/1961, chiếc máy bay ném bom Tu-95 Bear chở quả bom vua đã cất cánh từ sân bay trên bán đảo Kola và bay đến khu vực thử nghiệm hạt nhân của Liên Xô trên Vòng Bắc cực tại Vịnh Mityushikha, thuộc quần đảo Novaya Zemlya.

Các nhà khoa học thuộc chương trình thử nghiệm này đã sơn chiếc máy bay ném bom Tu-95 Bear màu trắng để hạn chế thiệt hại do nhiệt từ xung nhiệt của quả bom. Quả bom cũng được gắn một chiếc dù để làm giảm tốc độ rơi, giúp cho máy bay có thời gian thoát ra khỏi vị trí thả bom khoảng 50km trước khi vụ nổ hạt nhân xảy ra. Điều này giúp cho phi hành đoàn an toàn trong vụ thử nghiệm.

Ngày 1-9 tới người dân Nga sẽ được chiêm ngưỡng quả bom siêu mạnh này

Khi máy bay tới vị trí được xác định trước, ở độ cao khoảng 10km quả bom được thả xuống. Vụ nổ đã tạo ra một quả cầu lửa rộng khoảng 8km. Xung lực của nó khiến cho chiếc Tu-95 Bear hạ thấp độ cao gần 1km trước khi phi công kiểm soát lại được chiếc máy bay của mình.

Vụ nổ đã phá vỡ các cửa sổ cách xa hơn 800km. Các nhân chứng nhìn thấy một tia sáng xuyên qua đám mây đen bao phủ khoảng 1km từ vị trí vụ nổ. Xung nhiệt của vụ nổ đốt cháy lớp sơn của chiếc máy bay ném bom.

Bài báo đặt giả tưởng nếu thả một quả “Tsar Bomba” có sức công phá 100 megaton gây ra vụ nổ ở độ cao hơn 4 km so với mặt đất sẽ tạo ra một quả cầu lửa hạt nhân rộng hơn 3 km2. Với sức nóng lớn hơn nhiệt độ bề mặt của mặt trời, vụ nổ sẽ biến bê tông và thép thành tro bụi. Trong phạm vi 8 km2 dưới mặt đất, tất cả những người không bị chết bởi vụ nổ và nhiệt cũng có thể bị giết vì bức xạ năng lượng cao. Ở phạm vi hơn 32km, xung lực sẽ phá hủy tất cả các tòa nhà. Tóm lại, một đầu đạn “Tsar Bomba” có thể phá hủy hoàn toàn một thành phố lớn như Los Angeles, Hoa Kỳ.

Nguồn Chinhphu.vn

  • Từ khóa
97957

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu