Thứ 6, 29/03/2024 14:32:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 15:21, 06/12/2014 GMT+7

Bắt buộc phải bảo dưỡng ôtô định kỳ

Thứ 7, 06/12/2014 | 15:21:00 2,075 lượt xem
BP - Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) vừa ban hành Thông tư số 53/2014/TT-BGTVT quy định về bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, kể từ ngày 1-12-2014, các loại phương tiện giao thông cơ giới tham gia giao thông đường bộ bắt buộc phải tuân thủ các quy định về sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ.

Bảo dưỡng định kỳ theo quy định

Về hoạt động bảo dưỡng định kỳ, thông tư này quy định các phương tiện có quy định của nhà sản xuất phải thực hiện bảo dưỡng theo đúng quy định của nhà sản xuất; các phương tiện không có quy định của nhà sản xuất phải thực hiện bảo dưỡng phù hợp với từng loại xe theo nội dung được xây dựng bởi các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng. Đối với phương tiện có quy định của nhà sản xuất, chủ phương tiện chỉ cần thực hiện theo đúng lịch trình kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ mà nhà sản xuất áp dụng.

Xe được bảo dưỡng định kỳ tại Trung tâm đăng kiểm Bình Phước - Ảnh: N.T

Đối với phương tiện không có quy định của nhà sản xuất, Bộ GT-VT quy định rõ về chu kỳ bảo dưỡng định kỳ. Cụ thể, đối với các loại ôtô con (chở người dưới 10 chỗ ngồi) phải thực hiện bảo dưỡng định kỳ sau mỗi quãng đường vận hành 5.000-10.000km hoặc sau thời gian 6 tháng sử dụng tùy điều kiện nào đến trước. Tương ứng, các loại ôtô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe tải, xe chuyên dụng, xe sơ mi rơ-moóc phải thực hiện bảo dưỡng định kỳ sau 4.000-8.000km vận hành hoặc thời hạn 3-6 tháng.

Điều đáng lưu ý trong thông tư này là nhằm tránh trường hợp chủ phương tiện “trốn” bảo dưỡng, Bộ GT-VT đã quy định rõ các “xe cơ giới xuất xưởng sau khi bảo dưỡng định kỳ phải có biên bản bàn giao xe, trong đó ghi rõ thời hạn và các điều kiện bảo hành chất lượng sau dịch vụ. Thời hạn bảo hành không được nhỏ hơn 2 tháng hoặc 1.500km xe chạy tùy theo điều kiện nào đến trước, tính từ thời điểm giao xe xuất xưởng”. Đồng thời, Bộ GT-VT cũng quy định các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phải có đủ trình độ, năng lực và trang thiết bị cần thiết để đảm bảo công tác sửa chữa, bảo dưỡng; hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường.

Sau mỗi chuyến đi bắt buộc phải bảo dưỡng

Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới tham gia giao thông.

Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này không áp dụng đối với xe môtô, xe gắn máy, máy kéo; xe cơ giới sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Cũng theo thông tư này, ngoài quy định về bảo dưỡng định kỳ thì các chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng phải thực hiện các quy trình về sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên. Cụ thể, công tác bảo dưỡng thường xuyên phải được thực hiện hàng ngày hoặc trước, sau mỗi chuyến đi; phải được chủ xe hoặc lái xe thực hiện để đảm bảo tình trạng kỹ thuật của xe trước khi xuất phát.

Các nội dung bảo dưỡng thường xuyên được quy định rõ tại phụ lục kèm theo thông tư như kiểm tra tình trạng bên ngoài xe, áp suất lốp, nhiên liệu, dầu máy, nước làm mát, hệ thống điện, ly hợp, vô-lăng... trước khi khởi động động cơ; kiểm tra sự làm việc và giá trị chỉ báo đồng hồ, đèn báo bảng điều khiển, kiểm tra sự làm việc của hệ thống phanh, hệ thống đèn, kiểm tra tình trạng nhiên liệu, dầu máy, khí nén... sau khi khởi động động cơ; các hoạt động kiểm tra trước khi xe xuất phát và khi đang vận hành; kiểm tra và bảo dưỡng sau khi kết thúc hành trình.

Ngay sau khi thông tư được ban hành, dư luận cho rằng, đây là một biện pháp mạnh tay của ngành giao thông vận tải nhằm đảm bảo tình trạng chất lượng và khả năng vận hành của các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là trước thực trạng đáng lo ngại của tai nạn giao thông có nguyên nhân từ chất lượng và đặc tính kỹ thuật của phương tiện. 

Đ.T

  • Từ khóa
26055

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu