Thứ 6, 26/04/2024 15:55:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:48, 10/03/2018 GMT+7

Bù Đăng - một mùa điều nhiều hy vọng

Thứ 7, 10/03/2018 | 08:48:00 149 lượt xem
BP - Huyện Bù Đăng có diện tích điều lớn nhất tỉnh với 59 ngàn ha. Niên vụ 2016-2017, người trồng điều ở Bù Đăng rơi vào thảm cảnh sâu, bệnh phát triển thành dịch, lan rộng toàn huyện gây sụt giảm năng suất còn 0,58 tấn/ha, thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng với nông dân triển khai đồng bộ các giải pháp cứu và chăm sóc cây điều. Qua khảo sát niên vụ này cho thấy, điều phục hồi tốt, năng suất khả năng khá hơn vụ trước, nhưng tình hình còn nhiều khó khăn do sâu, bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

VỪA TRỊ SÂU, BỆNH VỪA THU HOẠCH

Đầu tháng 3, thời điểm hằng năm người trồng điều Bù Đăng bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Nhưng năm nay, hầu hết điều ra hoa, đậu trái muộn, vẫn còn nhiều sâu, bệnh. Tới các xã Bom Bo, Bình Minh, Đắk Nhau, Đường 10 - những nơi được coi là vựa điều của huyện, chúng tôi thấy không khí thu hoạch mới bắt đầu sôi động.

Suốt thời gian qua, ông Chu Văn Cửu, thôn 5, xã Bom Bo gần như ở hẳn trong rẫy để theo dõi và phòng trừ sâu, bệnh cho 2 ha điều 4 năm tuổi. Ông cho biết: “Năm nay gia đình mới thu hơn 1 tạ, số lượng bông ra chưa nhiều lắm, nhưng hơn năm trước. Mỗi chùm đậu khoảng 10-15 trái nhưng hiện bị sâu đục trái. Tôi vẫn vừa tranh thủ thu hoạch vừa xịt thuốc trị bệnh khô cổ bông và trị sâu”.

Bí thư Huyện ủy Huỳnh Hữu Thiết cùng đoàn công tác của huyện kiểm tra tình hình sâu, bệnh hại cây điều tại thôn 2, xã Đoàn Kết

1 ha điều 12 năm tuổi của anh Điểu Bi Ôi, thôn Đăng Lang, xã Đắk Nhau đã phục hồi tốt, lá xanh, thân khỏe nhưng trái còn nhỏ. Anh nói: “Sau khi được khuyến cáo áp dụng các biện pháp phục hồi cây điều, gia đình tôi thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn, cây đã khỏe lại, phát triển tốt nhưng hoa ra hơi muộn. Hiện nay, sâu cuốn lá đang xuất hiện rất nhiều”.

Anh Điểu Tân cùng địa chỉ, thấy chúng tôi hỏi thăm, cho biết: “Tình trạng những hộ xung quanh cũng tương tự, tuy hơi muộn so với những vụ trước nhưng tỷ lệ đậu trái khả quan. Nhà tôi có 5 ha, tới nay thu được gần 4 tạ”.

Anh Huỳnh Long Hảo, nhân viên Bảo vệ thực vật xã Đắk Nhau cho biết: “Toàn xã có trên 6.000 ha điều. Qua khảo sát sơ bộ, khoảng 600 ha bị nhiễm sâu bệnh. Chúng tôi liên tục thông báo trên loa truyền thanh xã và đề nghị nông dân tích cực thăm rẫy, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng trừ không để sâu, bệnh lan ra thành dịch như vụ trước”.

“SÁT CÁNH” CÙNG NÔNG DÂN

Nhận định tình hình vụ điều năm nay còn nhiều khó khăn, phức tạp do sâu bệnh phát triển lan rộng, ngay sau khi kết thúc vụ điều năm 2017, lãnh đạo huyện Bù Đăng đã chỉ đạo thành lập nhiều tổ công tác trực tiếp đến vườn, rẫy hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trị sâu, bệnh gây hại. Giai đoạn 1 trị sâu, bệnh; giai đoạn 2 chăm sóc phục hồi vườn điều và một số biện pháp xử lý ra hoa, đậu trái, dưỡng trái cho đến khi thu hoạch.Huyện đã tổ chức 133 lớp tập huấn tại các xã, thị trấn và các thôn. Trung tâm Khuyến nông quốc gia và tỉnh đã hỗ trợ thực hiện 40 lớp tập huấn, 70 mô hình với diện tích 70 ha, kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật 232,75 triệu đồng. Cuối năm 2017, UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ nghèo và cận nghèo 1 triệu đồng để mua vật tư phòng, trừ sâu bệnh. Ngày 9-2-2018, UBND huyện tiếp tục hỗ trợ 4 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số bị mất mùa điều niên vụ 2016-2017, tổng kinh phí 3,232 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn điều (nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện 2,524 tỷ và cấp xã 708,5 triệu đồng).

Bí thư Huyện ủy Huỳnh Hữu Thiết cùng đoàn công tác của huyện kiểm tra tình hình sâu, bệnh hại cây điều tại thôn 2, xã Đoàn Kết

Thạc sĩ Huỳnh Văn Linh, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Đầu tháng 3, các vườn điều trên địa bàn huyện bắt đầu cho thu hoạch đợt 2. Hoa và trái non của lứa cuối cùng phát triển tốt. Thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa làm cháy bông, cháy lá, khô cành, nhất là khi bông nở rộ ảnh hưởng đến năng suất, đồng thời tạo điều kiện cho sâu, bệnh phát triển. Vụ mùa năm nay, tình hình sâu bệnh tuy không phát triển  thành dịch nhưng gây hại đa dạng hơn, phổ biến nhất là bệnh thán thư, bọ trĩ và sâu đục trái. Tuy nhiên các cơ quan chuyên môn của huyện đã kịp thời tham mưu UBND huyện ra thông báo, khuyến cáo người dân chủ động phòng trừ. Cụ thể, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực huyện khuyến cáo nông dân tiếp tục xịt thuốc phòng trừ sớm bệnh thán thư và các loại sâu bệnh gây hại để bảo vệ năng suất, sản lượng. Trừ sâu sử dụng thuốc gốc Cypermethrin, Propinil, Delta, Imdacloprid. Trừ bệnh sử dụng các loại thuốc gốc Hexaconazole, Azoxytrobin, Difennoconazole, đồng thời tăng cường phun chế phẩm đậu trái, chống rụng trái non như: Botrac, Canxibo; HK7-5-44, hay 7-5-47 hoặc NPK7-5-49, phun từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày. Liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn trên vỏ chai, bao bì của nhà sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Các đoàn công tác của huyện liên tục đi cơ sở trực tiếp tới các vườn, rẫy có mức độ sâu, bệnh gây hại nặng, khảo sát tất cả khu vực ở 16 xã, thị trấn. Sau mỗi lần đi thực tế, đoàn đều có những đánh giá, nhận định cụ thể, qua đó ban hành các văn bản chỉ đạo, thông báo qua hệ thống loa truyền thanh, gửi thông báo bằng tin nhắn hoặc sử dụng mạng Zalo, Facebook để tuyên truyền, khuyến cáo trực tiếp tới nông dân. Vụ điều năm nay tuy sâu, bệnh gây hại vẫn còn nhiều và phức tạp nhưng khả năng năng suất bình quân sẽ cao hơn vụ trước. Từ nay đến cuối vụ, cấp ủy, chính quyền huyện và các xã, thị trấn sẽ tiếp tục “sát cánh” cùng nông dân kịp thời xử lý những tình huống phát sinh, động viên nhà nông tích cực chăm sóc, sản xuất và thu hoạch.

Quang Minh

  • Từ khóa
42554

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu