Thứ 7, 20/04/2024 03:48:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:05, 26/07/2018 GMT+7

Bù Đăng chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ 5, 26/07/2018 | 06:05:00 1,784 lượt xem
BP - Những năm gần đây, dù bị tác động do biến đổi khí hậu nhưng sản xuất nông nghiệp ở Bù Đăng vẫn ổn định. Kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

đầu tư hạ tầng nông thôn

Hồ chứa nước Phú Sơn thuộc xã Phú Sơn (Bù Đăng) được Nông trường Thọ Sơn, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng xây dựng từ năm 1985 và hiện bàn giao Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý. Hồ có diện tích mặt nước 7 ha, chiều dài thân đập 130m, rộng 6m.

Hồ chứa nước Phú Sơn, xã Phú Sơn (Bù Đăng) được nâng cấp để phục vụ sản xuất sinh hoạt của người dân

Qua 30 năm sử dụng, đập của hồ đã xuống cấp nghiêm trọng. Để nâng cao hiệu quả công trình, đảm bảo sự an toàn hồ chứa, cải tạo hệ thống hạ tầng phục vụ nhu cầu dân sinh, năm 2016 UBND tỉnh giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cải tạo sửa chữa, nâng cấp các hạng mục chính như đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, cống lấy nước, nhà quản lý và hạng mục phụ trợ. Tổng kinh phí hơn 9,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ. Công trình sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo nguồn nước tưới cho người dân khu vực hạ lưu. Hiện trên địa bàn huyện Bù Đăng có 26 công trình thủy lợi, gồm 13 công trình thuộc huyện quản lý và 13 công trình do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý; hệ thống kênh mương 75km, trong đó đã kiên cố hóa 13km. Hằng năm, huyện chủ động cải tạo các hồ đập để phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân. Nhờ đó, diện tích cây trồng hằng năm được tưới tiêu 930 ha, tổng diện tích cây trồng được cung cấp nước tưới là 3.163 ha.

Hiện 100% xã, thị trấn của Bù Đăng đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM). Đường vào trung tâm các xã đã được trải nhựa, 100% thôn có đường cấp phối sỏi đỏ, đường thâm nhập nhựa; nâng cấp, sửa chữa 68,7km đường trục chính thôn, ấp. Toàn huyện đã có 270km đường điện chiếu sáng; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 97,35%... Đến nay, Bù Đăng có 2 xã Đức Liễu và Minh Hưng về đích NTM; dự kiến giai đoạn 2018-2020, các xã Phú Sơn, Bom Bo, Nghĩa Trung sẽ hoàn thành các tiêu chí NTM.

Hướng tới nền nông nghiệp bền vững

Ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn và nông dân được ban hành, Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện mở rộng để quán triệt các nội dung của nghị quyết đến cán bộ chủ chốt trong toàn huyện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các buổi thông tin thời sự đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nội dung được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm là triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ từng bước thay thế lao động thủ công, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Trên địa bàn huyện đã từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chủ động thâm canh, xen canh, chuyển đổi cây - con giống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nông sản của địa bàn. Hoạt động phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật và chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất - kinh doanh được đặc biệt quan tâm. Từ năm 2008 đến nay, ngành chức năng huyện đã tổ chức được 1.446 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi cho gần 70 ngàn lượt người. Cấp hơn 26,8 ngàn cây giống ca cao, 22 ngàn cây điều; hơn 57 ngàn tấn phân bón NPK cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện 10 mô hình trồng cao su, 40 mô hình cải tạo vườn điều, 25 mô hình trồng ca cao xen điều, 11 mô hình cải tạo vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi, 15 mô hình nuôi gà, heo, 80 mô hình sử dụng phân bón vi lượng trên các loại cây trồng. Đồng thời, huyện xây dựng 12 mô hình chống xói mòn trên đất dốc, 15 mô hình trồng rau an toàn cho nhân dân đến tham quan; tổ chức 7 lớp tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình làm kinh tế giỏi trong và ngoài tỉnh... Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp ở Bù Đăng đã đạt nhiều thành tựu. Hiện diện tích trồng trọt các loại cây của huyện hơn 103 ngàn ha, trong đó cây điều khoảng 59 ngàn ha; cây tiêu 1,3 ngàn ha; cao su hơn 31 ngàn ha; cà phê hơn 10 ngàn ha. Đàn gia súc trên địa bàn huyện hơn 32 ngàn con, gia cầm hơn 506 ngàn con (tăng 20 lần so với năm 2008). Toàn huyện hiện có 24 tổ hợp tác, với trung bình từ 7-9 thành viên; 21 hợp tác xã, trong đó 19 hợp tác xã nông nghiệp, 2 hợp tác xã phi nông nghiệp; 104 trang trại với tổng 1.413 ha, gồm 93 trang trại trồng trọt, 7 trang trại chăn nuôi, 4 trang trại tổng hợp. Qua đó, đã góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 1.727 hộ, chiếm 5,17%; cận nghèo 805 hộ.

Thời gian tới, Bù Đăng tiếp tục chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng tạo vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa nông nghiệp an toàn trên toàn bộ diện tích cây trồng. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên cơ sở các chuỗi liên kết khép kín, chuỗi sản phẩm chăn nuôi an toàn từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, các hoạt động kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó ưu tiên tạo thương hiệu gạo Đăng Hà và sản phẩm hạt điều rang muối.

X.Túc

  • Từ khóa
1435

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu