Thứ 3, 23/04/2024 15:26:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:50, 07/09/2018 GMT+7

Bù Đăng nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp

Thứ 6, 07/09/2018 | 06:50:00 456 lượt xem
BP - Năm học 2018-2019 đã bắt đầu. Bên cạnh những trường được đầu tư xây dựng tương đối đầy đủ, khang trang, đạt chuẩn, trên địa bàn huyện Bù Đăng vẫn còn không ít trường đang gặp khó khăn về phòng học, các công trình phụ trợ... đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành và sự chung tay của toàn xã hội.

Trường mầm non Họa Mi (thị trấn Đức Phong) vừa được đầu tư xây mới với tổng kinh phí 21 tỷ đồng, gồm 12 phòng học lầu, khu hiệu bộ, khu bếp ăn, một số hạng mục phụ trợ như phòng bảo vệ, tường rào, sân bê tông... và các trang thiết bị theo đúng tiêu chí cơ sở vật chất của trường chuẩn quốc gia. Công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và sinh hoạt cho 651 học sinh cùng toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Cô Nguyễn Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi cho biết: “Năm học 2018-2019, cô trò được dạy và học trong ngôi trường mới xây khang trang, hiện đại. Đây cũng là tiền đề để tiến lên xây dựng trường chuẩn quốc gia”.

Trường mầm non Họa Mi (thị trấn Đức Phong) vừa được đầu tư xây mới với tổng kinh phí 21 tỷ đồng hoạt động từ năm học 2018-2019

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Bù Đăng, năm học 2017-2018, toàn huyện đã đầu tư xây mới 45 phòng học, 26 phòng chức năng và nâng cấp, sửa chữa 63 phòng học với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, là huyện vùng sâu có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc đầu tư cũng như vận động xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất trường lớp gặp rất nhiều khó khăn. Hằng năm, ngành giáo dục huyện phối hợp với các trường rà soát phòng học tạm, mượn, xuống cấp để đưa ra phương án sửa chữa, khắc phục, bảo đảm an toàn cho hoạt động dạy và học. Đến nay, trên địa bàn huyện vẫn còn 20 phòng học tạm, mượn, nhiều nhất là ở xã Đắk Nhau với 7 phòng học cần được đầu tư xây mới.

Chúng tôi đến thăm Trường tiểu học Trần Phú, xã Thọ Sơn, là một trong những trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Năm học 2018-2019, trường có 220 học sinh học ở 2 điểm trường. Thành lập trên cơ sở điểm lẻ của Trường tiểu học Thọ Sơn, ngày mới hoạt động, việc dạy và học của trường gặp không ít khó khăn. Lúc đó chỉ có 1 phòng học với gần 150 học sinh, nhà trường phải mượn nhà văn hóa thôn làm phòng học tạm. Năm 2014, trường được đầu tư xây mới 6 phòng nhưng không có điện, nước, nhà vệ sinh, sân và hàng rào. Đặc biệt, với 80% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, cha mẹ các em làm nông nghiệp nên việc huy động xã hội hóa không dễ. Hiện nhà văn hóa thôn Sơn Lập vẫn trong khuôn viên trường, gây khó khăn trong xây dựng hàng rào, cổng trường...

Cô Trần Hồng Nhuệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Phú cho biết: Để từng bước khắc phục khó khăn, những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Trường tiểu học Trần Phú đã tích cực vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, đến nay đã đầu tư kéo điện, nước và xây nhà vệ sinh cho điểm chính. Tuy nhiên, 5 lớp ở điểm lẻ thôn Sơn Thọ vẫn đang phải sử dụng phòng học xuống cấp. Điểm trường không có sân bê tông, hàng rào nên thường bị trâu, bò vào phá. Không đủ phòng học, nhà trường phân các lớp ra 2 buổi để dạy. Vì vậy muốn nâng cao chất lượng học sinh cũng khó.

Cách trung tâm huyện Bù Đăng gần 20km, Trường mầm non Hoa Lan, thôn 5, xã Đồng Nai gồm 1 điểm chính và 3 điểm lẻ. Năm học 2018-2019, trường có 10 lớp với 340 học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số này khoảng 240 em có nhu cầu học bán trú. Hiện nhà trường gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Cô Đào Thị Thu, Phó hiệu trưởng trường cho biết: Cơ sở vật chất trường tận dụng từ trường tiểu học cũ, được đầu tư xây dựng cách đây 20 năm nên đã xuống cấp, trang thiết bị dạy học thiếu thốn, sân trường chật hẹp, thiếu cây xanh nên chưa đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi cho trẻ. Bếp ăn của trường được tận dụng từ trạm y tế xã cũ, hiện xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hằng năm, bằng các nguồn xã hội hóa, nhà trường đã đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, mua sắm thêm thiết bị dạy học. Tuy nhiên, Đồng Nai là xã vùng sâu, xa, đời sống của người dân còn khó khăn, các nguồn lực vận động không đáng kể. Năm học mới, nhà trường mong muốn được sơn sửa lại phòng học, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ dạy và học, xây mới bếp ăn bán trú để phụ huynh yên tâm cho con em đến lớp.

Huyện Bù Đăng hiện quản lý 67 trường học ở 3 cấp gồm mầm non, tiểu học và THCS, giảm 1 trường tiểu học so với năm học 2017-2018 do sáp nhập. Bù Đăng cũng là huyện có nhiều điểm trường ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ trương gom các điểm lẻ có ít học sinh về điểm chính nhằm nâng cao chất lượng dạy và học là phù hợp. Tuy nhiên, tùy từng điểm trường mà các ngành, các cấp có lộ trình cụ thể và trong lúc chờ xét duyệt, các điểm trường vẫn phải tiếp tục được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhằm đảm bảo việc dạy và học.

M.Luận - X.Túc

  • Từ khóa
88161

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu