Thứ 4, 24/04/2024 07:19:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:42, 30/07/2014 GMT+7

Bù Đăng sẵn sàng ứng phó với lũ quét

Thứ 4, 30/07/2014 | 07:42:00 92 lượt xem
BP - Bù Đăng là huyện vùng cao nhưng lại có hệ thống sông suối chảy ngang nên chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là người dân xã Đăng Hà hầu như năm nào cũng phải chống chọi với những đợt lũ quét hoặc ngập nước từ sông Đồng Nai. Mùa mưa lũ năm 2014 đã về, phóng viên Báo Bình Phước có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hồng, Phó trưởng ban Thường trực phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) huyện Bù Đăng về công tác PCLB&TKCN trên địa bàn.

Xin bà cho biết tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện trong năm 2013?

Năm 2013, mưa lớn kéo dài gây ra lũ lụt và lốc xoáy đã ảnh hưởng đến 7 xã: Bom Bo, Đắk Nhau, Đức Liễu, Bình Minh, Phước Sơn, Đoàn Kết và thị trấn Đức Phong. Toàn huyện bị thiệt hại trên 12 tỷ đồng, gồm: 29 căn nhà bị ảnh hưởng; 225 hộ bị thiệt hại về cây trồng với diện tích hơn 232 ha và một số thiệt hại khác...

Một “điểm đen” - xuất phát điểm xảy ra 2 trận lũ quét tại thôn 3, xã Đoàn Kết trong mùa mưa năm 2013

Để ứng phó với mùa mưa năm nay, huyện đã có kế hoạch và phương án cụ thể nào, thưa bà?

Chúng tôi đã đề ra 2 phương án: Cứu hộ và hậu cần. Huyện đội sẽ phụ trách phương án cứu hộ, hiện đã chuẩn bị các phương tiện gồm 1 xe U-oát, 1 xe tải, 1 ca-nô và 90 nhân viên sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Công tác hậu cần do UBND huyện phụ trách. Thời điểm này chúng tôi đã đảm bảo đầy đủ nhân lực và phương tiện cứu hộ.

Để kịp thời ứng phó các tình huống, xin bà cho biết UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo, rà soát, kiểm tra các vùng trọng điểm thường xuyên xảy ra thiên tai như thế nào?

Các xã, thị trấn thường chịu ảnh hưởng nặng nhất của thiên tai là Đoàn Kết, Đức Phong, Đăng Hà. Chúng tôi đã làm việc với UBND cả 3 xã, thị trấn để chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lực lượng. Huyện vừa hỗ trợ xã Đoàn Kết và thị trấn Đức Phong 1 thuyền lớn, 2 thuyền nhỏ, áo phao và các phương tiện cứu hộ khác. Đồng thời, Ban PCLB&TKCN đã mở 5 lớp (trong một năm) tập huấn tuyên truyền để nhân dân biết cách chủ động phòng chống, ứng phó với lũ quét.

Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của lũ quét, Ban PCLB&TKCN đã đưa ra biện pháp phòng chống cụ thể nào, thưa bà?

Chúng tôi đã cho mở đài phát thanh và hệ thống truyền thanh liên tục trên khắp địa bàn trọng điểm. Khi có lũ quét, chúng tôi sẽ sử dụng loa cầm tay để báo động trực tiếp cho người dân, đồng thời cử công an xuống bảo vệ hiện trường và lực lượng quân sự cứu hộ. Trực ban thường trực 24/24 giờ để cập nhật thông tin, thông báo kịp thời đến bộ phận ứng cứu. Lực lượng ứng cứu cũng thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập, ứng cứu và kịp thời nắm bắt tình hình trên sông Đồng Nai.

Hiện đang là thời điểm có nguy cơ cao với lũ quét, nước sông Đồng Nai dâng làm ngập nhà dân và đất sản xuất. Tuy nhiên, Ban PCLB&TKCN huyện luôn sẵn sàng với mọi tình huống xấu xảy ra.

Chúng tôi tuân thủ nghiêm, linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Về cơ bản, chúng tôi đã sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai.

Xin cảm ơn bà!

Mỹ Dung

  • Từ khóa
49560

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu