Thứ 6, 19/04/2024 13:14:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:15, 31/03/2016 GMT+7

Bù Đăng sau 5 năm xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 31/03/2016 | 14:15:00 607 lượt xem

BP - Triển khai chương trình nông thôn mới, Bù Đăng thực hiện theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”; hoàn thành những tiêu chí ít sử dụng đến kinh phí. 5 năm qua, huyện đã phê duyệt 112 công trình đầu tư áp dụng cơ chế đặc thù, ký hợp đồng mua 3.683 tấn xi măng trả chậm với Công ty xi măng Hà Tiên 1 được tỉnh bảo lãnh để xây dựng đường giao thông nông thôn cho các xã… Sự nỗ lực từ các cấp ủy, chính quyền và đồng lòng của người dân đã đổi mới bộ mặt nông thôn ở Bù Đăng.

TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ

5 năm qua, kinh tế nông thôn ở Bù Đăng có bước chuyển biến tích cực và tương đối ổn định, hầu hết đạt và vượt kế hoạch đề ra. Việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ - khoa học vào sản xuất được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, kinh tế hợp tác, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả như nuôi gà thả vườn, ghép cải tạo vườn điều, mô hình trồng xen, thâm canh bền vững, nuôi cá, trồng lá nhíp, nuôi hươu...

Điển hình như dự án hỗ trợ sản xuất của 2 xã điểm Minh Hưng và Đức Liễu, vốn chương trình bố trí 2,146 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, xã Minh Hưng đã đầu tư xây dựng 20 mô hình cải tạo cây cà phê, 27 mô hình cải tạo vườn điều, 6 mô hình trồng cà phê ghép xen điều, 2 lớp học cạo mủ cao su với 75 học viên; tập huấn 16 lớp chăm sóc vườn cây và chuyển giao khoa học - kỹ thuật có 960 người tham gia; tổ chức 2 cuộc hội thảo mô hình cà phê ghép xen điều. Xã Đức Liễu đã đầu tư xây dựng 10 mô hình nuôi gà thả vườn, 80 mô hình phân bón vi lượng và nhân rộng 380 mô hình phân bón vi lượng cho các hộ nông dân, 10 mô hình trồng cà phê ghép xen điều, tập huấn kỹ thuật nông nghiệp 20 lớp; thành lập 1 tổ hợp tác nuôi cá lồng, thực hiện 5 mô hình (5 ha) ghép cải tạo vườn cà phê, 9 mô hình (7 ha) cải tạo vườn điều, 16 mô hình nuôi cá lồng bè...

Thực hiện chương trình nông thôn mới, nhân dân thôn Bù Ghe, xã Đắk Nhau đã góp tiền làm đường điện thắp sáng - Ảnh: H.C

Sự nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở các xã đã có chuyển biến mạnh mẽ, kết quả hộ nghèo giảm đáng kể, thu nhập bình quân của huyện đạt 24 triệu đồng/người/năm (năm 2015), tăng 10,4 triệu đồng/người/năm so với năm 2011. Đặc biệt xã Minh Hưng thu nhập bình quân vượt 8,43 triệu đồng/người/năm so với tiêu chí số 10 đề ra. Tuy nhiên, 2 năm gần đây do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, sản xuất không bền vững, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo.

NỖ LỰC XÂY DỰNG HẠ TẦNG

Trước khi triển khai chương trình nông thôn mới, Bù Đăng là một trong những huyện có hạ tầng thiết yếu rất thấp nếu so với mặt bằng chung của cả tỉnh cũng như trong cả nước nói chung. 5 năm qua, khoảng cách đó đã được rút ngắn nhanh chóng và đem đến sự hứng khởi, nhiệt tình chung tay xây dựng quê hương của người dân trên địa bàn huyện.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bù Đăng, xã Minh Hưng đạt 16 tiêu chí, Đức Liễu đạt 14 tiêu chí; Thọ Sơn, Đoàn Kết, Phú Sơn đạt 11 tiêu chí; Nghĩa Bình, Phước Sơn, Đắk Nhau đạt 10 tiêu chí; Thống Nhất, Nghĩa Trung, Bình Minh đạt 9 tiêu chí; Bom Bo, Đồng Nai đạt 8 tiêu chí; Đăng Hà, Đường 10 đạt 6 tiêu chí.

Từ số vốn 12,869 tỷ đồng của chương trình nông thôn mới, xã Minh Hưng đã xây dựng trường mẫu giáo với kinh phí 5,598 tỷ đồng, đường hầm đá 3,295 tỷ đồng, đường Thác Đứng ở thôn 1 với 2.725 tỷ đồng, đường thôn 5 với 4,66 tỷ đồng... Xã Đức Liễu được đầu tư 13,353 tỷ đồng, xây dựng trường mẫu giáo 3,452 tỷ đồng, đường giao thông từ thôn 1 đến thôn 8 kinh phí 10,323 tỷ đồng... Xã Đường 10 được đầu tư 3,06 tỷ đồng, xây dựng công trình láng nhựa đường thôn 5 với tổng vốn 2,995 tỷ đồng, láng nhựa đường thôn 2 với kinh phí 1,06 tỷ đồng... Xã Đắk Nhau được đầu tư 3,06 tỷ đồng, xây dựng 3 công trình đường giao thông...

Một số cán bộ quản lý còn nhận thức mờ nhạt về chương trình nông thôn mới

Theo đánh giá của UBND huyện Bù Đăng, qua 5 năm thực hiện tuyên truyền, tập huấn, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã cơ bản nắm được mục tiêu, nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó đã tích cực và chủ động thực hiện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, ngành chung tay thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Tuy nhiên quá trình thực hiện chương trình chưa xuyên suốt do một số cán bộ thay đổi nhiệm vụ và một số cán bộ quản lý còn nhận thức mờ nhạt về chương trình. Công tác chỉ đạo chưa được toàn diện do nguồn huy động thấp, toàn hệ thống chính trị và nhân dân chưa thực sự đầu tư hết khả năng, chưa nhân rộng mạnh mẽ các điển hình đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các tiêu chí cần đầu tư nhiều vốn như trường học, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở...

Bên cạnh vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn lồng ghép và huy động trong nhân dân đã tạo động lực mạnh mẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện. Riêng vốn lồng ghép đầu tư phát triển của huyện, vốn sự nghiệp năm 2015, vốn các chương trình 135, 33... đã lên tới 122,084 tỷ đồng. Qua đó xây dựng 197 công trình về đường giao thông nông thôn, trong đó xâm nhập nhựa 12 tuyến đường, cứng hóa 21 tuyến; nâng cấp, xây dựng 16 đường và sửa chữa 1 cống sạt lở thuộc đường liên thôn, đường nội bộ khu dân cư; xây dựng, sửa chữa mương kè thoát nước tại xã Nghĩa Bình. Xây dựng đường dây trung hạ áp TBA và xây dựng 2 đường điện khu trung tâm hành chính xã, đường điện tái định cư, sửa chữa trạm xá các xã; xây dựng 48 phòng học, 4 trường học và 1 khối hiệu bộ; nâng cấp, cải tạo sân bê tông nhà văn hóa cộng đồng thôn Sơn Tân; xây dựng 79 nhà tình nghĩa; xây dựng Trạm Y tế xã Đường 10; hỗ trợ đền bù khai hoang dự án định canh định cư tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số các xã Đồng Nai, Thống Nhất; di dời ổn định dân di cư tự do trong lâm phần; nâng cấp công trình cấp thoát nước tập trung...

Nhân dân các thôn, ấp đã góp tiền mặt, ngày công, hiến đất quy thành tiền trị giá 40,09 tỷ đồng để đối ứng đầu tư các tuyến đường giao thông bê tông xi măng do tỉnh bảo lãnh. Từ đó đã xây dựng được 92 tuyến đường giao thông nông thôn dài 21.552m với 3.683 tấn xi măng (năm 2014 là 688 tấn, năm 2015 là 2.995 tấn). Ngoài ra còn xây dựng được nhiều tuyến đường giao thông do nhân dân tự làm, nâng cấp trường học, nhà văn hóa thôn...

Có thể thấy, mặc dù các tiêu chí về xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện chưa đạt kế hoạch đề ra trong 5 năm qua, trong khi điều kiện còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư ít, dân cư không tập trung nhưng những con số nêu trên là một sự động viên, khích lệ lớn cho nhân dân huyện Bù Đăng trong chung tay xây dựng nông thôn mới thời gian tới.  

Hải An

  • Từ khóa
53926

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu