Thứ 5, 25/04/2024 18:31:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:36, 08/09/2018 GMT+7

Bù Đăng tập trung phát triển cây điều

Thứ 7, 08/09/2018 | 14:36:00 596 lượt xem

BP - Bù Đăng có 58.907 ha điều, trong đó 58.461 ha đang cho sản phẩm. Từ niên vụ 2016-2017, do thời tiết diễn biến thất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng, phát triển cũng như năng suất cây điều; hầu hết diện tích cây điều trên địa bàn huyện đều nhiễm các bệnh thán thư, cháy lá, khô cành và bọ xít muỗi. Trước tình hình đó, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ nông dân chăm sóc, phòng chống sâu bệnh và đã mang lại kết quả khả quan.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Từ đầu niên vụ 2017-2018, Huyện ủy, UBND huyện đã có các buổi làm việc với ngành nông nghiệp nắm bắt tình hình và chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai những biện pháp cấp bách, quyết liệt trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây điều. Từ nguồn kinh phí hơn 232 triệu đồng của Trung tâm Khuyến nông quốc gia và tỉnh, các ngành chức năng của huyện, tỉnh đã tổ chức 40 lớp tập huấn tại huyện và các xã; 70 mô hình hội thảo đầu bờ nhằm hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc, kỹ thuật phòng trị sâu bệnh hại cây điều với diện tích 70 ha. Các xã, thị trấn đã chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn cho nông dân tại thôn, ấp được 158 lớp với 6.715 lượt người tham gia, tổng diện tích được chăm sóc trên 30 ngàn ha. UBND huyện đã chi hỗ trợ kinh phí cho các hộ trồng điều mất mùa trong niên vụ 2016-2017 (1 triệu đồng/hộ) và kinh phí chăm sóc cây điều niên vụ 2017-2018 (500 ngàn đồng/hộ) với tổng trên 4 tỷ đồng.

Tập huấn phòng, trừ sâu, bệnh hại cây điều cho nông dân huyện Bù Đăng

Theo đánh giá kết quả thực hiện phòng, trị sâu, bệnh hại cây điều của UBND huyện Bù Đăng, so với các vụ mùa trước, mùa điều 2017-2018 đến trễ hơn 1 tháng, nguyên nhân do năm nhuận và thời tiết diễn biến thất thường, sâu hại, dịch bệnh phát sinh nhiều. Sau thời gian được hỗ trợ chăm sóc tích cực, cuối năm 2017 vườn điều cơ bản được phục hồi, phát triển bình thường, sâu hại, dịch bệnh được khống chế. Tuy năng suất không bằng những năm trước nhưng so với niên vụ 2016-2017 thì mùa vụ 2017-2018 cao 2 tạ/ha, tăng từ 5,8 tạ/ha lên 8,2 tạ/ha điều khô sạch. Kết quả này là nhờ sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền huyện Bù Đăng trong việc chăm sóc, phòng chống sâu bệnh hại cây điều.

Hướng đi bền vững cho ngành điều

Để vụ điều 2018-2019 và các năm tiếp theo đạt kết quả cao hơn, cấp ủy, chính quyền huyện đang tập trung thực hiện các giải pháp. Cụ thể đã hỗ trợ 25.000 cây điều giống ghép tái canh vườn điều già tại 13 xã, gắn với hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp về quy trình và chăm sóc cây điều tái canh. Trong năm 2018, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện các mô hình như trồng cây thiên ngân, đinh lăng xen dưới tán điều, trồng keo lai kết hợp nuôi dê. Ngành nông nghiệp huyện đang định hướng thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi liên kết đối với những người trồng điều ở Bù Đăng và từng bước nhân rộng.

Ông Dương Ngọc Sáng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đăng cho biết: Ngoài thực hiện các giải pháp hạn chế tối đa sâu bệnh hại cây điều, thời gian qua đơn vị đã tác động vào thực tế sản phẩm bằng các mô hình trình diễn, như trồng mới cây điều ghép cao sản, thâm canh và cải tạo vườn điều, sử dụng các chế phẩm bảo vệ hoa và trái non trong giai đoạn điều ra hoa đậu trái. Nhằm tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, đơn vị đã thực hiện các mô hình trồng xen, như xen cà phê ghép trong vườn điều, xen cây dược liệu, tiêu, lá nhíp... dưới tán điều. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả cao, điển hình như trồng điều ghép cao sản, năng suất đạt từ 2,5-3 tấn/ha của nông hộ Du Quốc Thái, ngụ thôn 7, xã Đoàn Kết; mô hình trồng cà phê ghép trong vườn điều của hộ ông Nông Văn Đội, ngụ thôn 7, xã Bom Bo, năng suất cà phê từ 3-3,5 tấn/ha và điều bình quân 1,5 tấn/ha; mô hình trồng lá nhíp của hộ nông Điểu Đang, ngụ thôn 5, xã Minh Hưng...

Hiện trên địa bàn huyện Bù Đăng có Chi hội nghề nghiệp trồng điều ở thôn 8, xã Minh Hưng với 29 thành viên; Chi hội nghề nghiệp trồng điều xã Phước Sơn với 35 thành viên. Các chi hội hoạt động tự nguyện, hỗ trợ nhau trong chuyển giao khoa học - kỹ thuật, góp quỹ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng, tư vấn địa chỉ mua bán thuốc bảo vệ thực vật uy tín, kết hợp làm đại lý thu mua sản phẩm hạt điều của hội viên, tránh tình trạng bị ép giá. Ngoài ra, tại thôn 8, xã Bình Minh và thôn 2, xã Thống Nhất những người trồng điều đang liên kết, xúc tiến thành lập hợp tác xã về cây điều, để nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất cả đầu vào lẫn đầu ra cho xã viên. Đây là những tác động tích cực để ngành điều Bù Đăng phát triển bền vững.

Ông Dương Ngọc Sáng cho biết thêm: Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, diện tích và năng suất, Bù Đăng đã, đang và sẽ là “thủ phủ” về ngành điều của Bình Phước. Tuy nhiên, để luôn giữ vị trí dẫn đầu và xứng đáng với vị trí ấy cần thiết phải hỗ trợ nông dân thành lập các chuỗi liên kết thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng đến thành lập hợp tác xã và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Trong thời kỳ cạnh tranh kinh tế thị trường cần có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, nếu sản xuất manh mún truyền thống, không có sự liên kết, hợp tác sẽ khó tồn tại. Vì liên kết là nhằm phân bổ lợi ích, giảm thiểu rủi ro giữa những người tham gia và cùng nhau phát triển. Hiện nay, Bù Đăng đang hình thành kiểu liên kết giữa những hộ trồng điều với nhau, giữa người trồng điều với doanh nghiệp. Đối với mô hình hợp tác xã hay tổ hợp tác về cây điều sẽ hình thành các điều kiện để phát triển, như hợp tác với đại lý, công ty vật tư nông nghiệp cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, giá rẻ, số lượng lớn; hình thành vùng điều tập trung thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
43077

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu