Thứ 3, 23/04/2024 14:48:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:14, 16/09/2014 GMT+7

Bức tử Sầm Nghi Đống

Thứ 3, 16/09/2014 | 10:14:00 1,095 lượt xem

BP - Đại đô đốc Đặng Văn Long là người huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Lúc nhỏ học võ tinh thông về môn ngạnh quyền (võ cứng), sau lên An Thái thụ giáo thầy Trương Văn Hiến học chuyên về môn miên quyền (quyền mềm dẻo). Có sức khỏe hơn người và chăm chỉ tập luyện, được thầy đem hết những bí truyền dạy cho, Đặng Văn Long trở thành một cao thủ. Ông giỏi cả hai môn ngạnh công và miên quyền. Trong giới võ lâm thời ấy không ai địch nổi Đặng Văn Long nên tôn xưng ông là Đặng Vô Địch.

Sau khi học thành tài, Đặng Văn Long rời quê nhà rong chơi khắp xứ ở vùng Bắc Hà. Khi về đến Nghệ An thì gặp lúc hoàng đế Quang Trung đi tuyển thêm quân để kéo ra Bắc đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh, Đặng Văn Long liền tham gia nghĩa binh. Biết rõ tài năng của bạn học cũ, Quang Trung liền phong cho ông chức Đại đô đốc.

Sáng 30 tháng Chạp năm Mậu Thân - 1788, vua Quang Trung truyền lệnh xuất quân. Đại đô đốc Long cùng Đại đô đốc Bảo thống lãnh hữu quân gồm mã binh và tượng binh. Cánh quân của Đại đô đốc Long được 2 vị tướng quân tài ba trợ giúp là Đô đốc Lý Văn Bưu, vị tướng có tài điều khiển đoàn kỵ binh chiến đấu một cách thuần thục và Đặng Tiến Đông (quê ở Lương Xá, gần Thăng Long) trí dũng hơn người, thông thuộc địa hình khắp Thăng Long.

Sách Võ nhân Bình Định có đoạn kể lại rằng: Cánh quân của Đại đô đốc Long chiếm 2 đồn Yên Quyết, Nhân Mục nằm ở phía Tây Bắc đồn Khương Thượng từ tay quân Mãn Thanh một cách mau lẹ và im lắng. Từ lúc chưa tinh sương, đồn Khương Thượng đã bị vây kín mà lính trong đồn còn đang ngủ say không hề hay biết. Khi quân của Đại đô đốc Long ào ạt xông vào đồn, quân Thanh bị giết quá nửa. Số còn lại bỏ chạy nhưng đến Đầm Mực thì bị đàn voi của Đại đô đốc Bảo chà xé tan tành. Viên tướng chỉ huy đồn lúc đó là Đề đốc Sầm Nghi Đống, khi trận đánh mới bắt đầu đã khiếp sợ rồi trốn ra gò Đống Đa thắt cổ tự tử. Như vậy, người đã bức tử Sầm Nghi Đống chính là Đại đô đốc Đặng Văn Long.

Vua Cảnh Thịnh đã có lần khen ông rằng: “Phía Bắc phạt quân Thanh, trong nước đánh bọn phản động nhà Lê, định Bắc, bình Nam, làm cho mọi nơi đều tuân theo thanh giáo của vua”. Khi chết, ông được vua ban tên thụy là Trung Tráng. Sau khi hoàng đế Quang Trung mất, nội bộ nhà Tây Sơn rối loạn, Đặng Văn Long bèn xin từ chức về nhà ẩn cư. Một hôm, Võ Văn Dũng tìm đến viếng thăm. Gặp lại cố tri, Đặng vui mừng khôn xiết, nhưng khi nghe Võ bàn đến chuyện phục hưng nhà Tây Sơn thì Đặng lắc đầu nói:

- Tôi ra giúp nhà Tây Sơn vì đâu phải nhà Tây Sơn mà chính vì Tổ quốc. Nếu giặc Thanh không đem quân sang mong chiếm nước ta thì tôi mãi làm con hạc nội, máu đâu phải dính tay. Còn về nhà Tây Sơn thì chính Cảnh Thịnh đã làm mất. Song nếu Vũ hoàng không bỏ đích lập thứ thì đâu đến nỗi như thế này. Nay đất đã mất mà lòng người cũng mất, hỏi còn mong làm được việc gì nữa? Mà dù có làm được nữa thì làm để làm gì, nếu không phải để tranh chiếm ngôi báu. Mà ta tranh ngôi báu để cho ai? Cho nhà Tây Sơn hay cho chính mình? Thôi, đã trên 30 năm trời đánh nhau liên miên, nhân dân đã phải chịu quá nhiều điêu đứng rồi, không nên gieo rắc thêm tang tóc nữa.

Sau đó, Võ Văn Dũng ra về, còn Đặng Văn Long lên ở luôn trên núi và không ai biết ông ở chỗ nào trong dãy Nam Sơn.

Lời bàn:

Tài năng và đức độ của Nguyễn Huệ trong việc vời đón và trọng dụng nhân tài đã thực sự để lại những ấn tượng không dễ phai mờ trong dân chúng, gây được ảnh hưởng nhất định đối với tầng lớp quan lại của triều Lê thời bấy giờ. Bởi Nguyễn Huệ rất mẫn cảm, xét đoán tinh và sâu, nhưng lại không hề mặc cảm về hoàn cảnh xuất thân cũng như quãng đời hôm qua của các quan lại triều cũ. Hơn nữa, Nguyễn Huệ đã vì nghĩa cả mà vời gọi tha thiết, tin giao trọng trách, ban cho họ quyền hành rộng rãi đủ để họ tùy tài khu xử, ứng tác. Vậy nên, dưới cờ đào của người anh hùng áo vải, trí tuệ, tâm lực của các nhân tài, tướng soái đã phát huy đầy đủ, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.

Xuất phát từ tư tưởng trọng dân của Nguyễn Huệ nên sau khi nhà Tây Sơn bại vong, nhiều anh hùng hào kiệt vì không muốn gieo thêm tang tóc cho dân đã tìm chốn hoang sơn quy ẩn, từ bỏ chuyện phục hưng triều đại cũ. Trong số đó có Đại đô đốc Long cùng nhiều danh tướng khác của nhà Tây Sơn như Thái phó Đặng Xuân Phong, Đại đô đốc Nguyễn Văn Lộc, Đô đốc Lý Văn Bưu, tướng Nguyễn Quang Huy, tướng Phạm Cần Chính... cũng tìm nơi quy ẩn, không bo bo giữ lòng trung với cố chủ, tìm cách khôi phục nhà Tây Sơn để gây thêm nạn binh đao làm khổ dân hại nước. Đấy chính là tư tưởng “nhân nghĩa” của những người anh hùng áo vải thời Tây Sơn, vì lợi ích của muôn dân mà tụ nghĩa, vì bình yên của trăm họ mà thôi mộng báo thù. Chính điều này đã làm cho cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Huệ cũng như phong trào Tây Sơn sống mãi trong lòng mỗi người dân đất Việt.

N.V

 

  • Từ khóa
109580

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu