Thứ 6, 29/03/2024 11:56:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:12, 09/07/2013 GMT+7

Con nít "chê" nhạc Việt - Kỳ 3: Đừng bắt trẻ con làm trò cho người lớn!

Thứ 3, 09/07/2013 | 14:12:00 385 lượt xem

 

>> Con nít "chê" nhạc Việt - Kỳ 2: "Các bé chê nhạc Việt sến"
>> Con nít "chê" nhạc Việt - Kỳ 1: Ghét nhạc Việt, chuộng nhạc Anh, nhạc Hàn

Nổi tiếng với những ca khúc thiếu nhi quen thuộc như Chiếc đèn ông sao, Chú voi con ở bản Đôn... nhạc sĩ Phạm Tuyên dở khóc dở cười khi mấy chục năm qua, các ca khúc của ông cứ được mang đi... tái bản vì thiếu ca khúc mới.

Tuyển tập nhạc in... 3 lần

Điểm lại các ca khúc thiếu nhi được ưa chuộng hiện nay, có thể thấy, hầu hết đều là những bài đã có mấy chục năm tuổi. Trong khi đó, các nhạc sĩ sáng tác nhạc thiếu nhi vào những năm 60 đến 90 của thế kỷ trước như Phạm Tuyên, Hoàng Lân, Hoàng Long, Phong Nhã... cũng đã ở tuổi lão làng.

 
 
Thôi chết rồi, mấy chục năm hòa bình vẫn còn thiếu bài hát thiếu nhi!
 
Nhạc sĩ Phạm Tuyên
 

Trong giới nhạc sĩ Việt Nam, trong số những người tâm huyết với nhạc thiếu nhi, phải kể đến nhạc sĩ Phạm Tuyên với những ca khúc được nhiều trẻ em yêu thích như: Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao, Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Cánh én tuổi thơ, Trường của cháu là trường mầm non, Chú voi con ở bản Đôn...

Thế nhưng, khi trò chuyện với chúng tôi, nhạc sĩ Phạm Tuyên, vừa cười vừa mếu kể lại câu chuyện tuyển tập nhạc được in 3 lần của mình.

"Năm 1997, khi đại diện NXB Kim Ðồng ngỏ ý muốn lấy các bài hát thiếu nhi của tôi để in thành tuyển tập 100 bài, tôi rất vui và hãnh diện. Mười năm sau đó, tức năm 2007, đại diện NXB Kim Ðồng cho biết vẫn thiếu bài hát thiếu nhi nên ngỏ ý muốn xin thêm 100 bài để làm thành tuyển tập 200 bài hát thiếu nhi, tôi càng vui và xúc động hơn. Nhưng đầu năm nay, tức năm 2013, khi đại diện của NXB này nói vẫn còn thiếu nên tìm gặp tôi với mong muốn được tái bản tuyển tập năm 2007 thì niềm vui trong tôi đã không còn. Tôi nghĩ thầm "Thôi chết rồi, mấy chục năm hòa bình vẫn còn thiếu bài hát thiếu nhi" - nói đến đây, nhạc sĩ thở dài.


Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, sở dĩ những năm 80, các nhạc sĩ sáng tác nhiều cho thiếu nhi (dù đôi khi không có thù lao) đơn giản là vì họ có điều kiện gần gũi, sinh hoạt cùng thiếu nhi, xuất phát từ tình yêu thương dành cho thế hệ măng non.

"Những nhạc sĩ trẻ bây giờ thì rất ít người quan tâm đến lứa tuổi thiếu nhi. Khi tôi hỏi các anh em nhạc sĩ điều này, họ nói vui rằng sáng tác nhạc thiếu nhi nhuận bút không bao nhiêu trong khi nhu cầu giải trí xã hội nhiều nên các nhạc sĩ thiên về nhu cầu giải trí hơn. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta không thể trách các em thiếu nhi quay lưng với nhạc Việt mà hãy nhìn nhận rằng khi chúng ta không thể đáp ứng tốt nhu cầu của các em. Do vậy việc tiếp cận và chọn lọc những cái phù hợp từ thế giới là điều tất yếu", nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ. 

 
 
"Chúng ta không thể trách các em thiếu nhi quay lưng với nhạc Việt mà hãy nhìn nhận rằng khi chúng ta không thể đáp ứng tốt nhu cầu của các em. Do vậy, việc tiếp cận và chọn lọc những cái phù hợp từ thế giới là điều tất yếu", nhạc sĩPhạm Tuyên.
 

Đừng áp đặt cảm xúc người lớn lên trẻ con

Thực tế, trong những năm qua, vẫn có những ca khúc mới cho thiếu nhi nhưng ít có bài nào trở nên phổ biến như trước. Nhiều nhạc sĩ tiết lộ rằng một bài hát thiếu nhi được đăng trên sách nhạc hoặc được viết cho cuộc vận động sáng tác thì chỉ được trả vài trăm đến vài triệu đồng trong khi phần lớn nguồn thu của các nhạc sĩ đến từ các chương trình, nhạc chuông, nhạc chờ... với thu nhập lớn hơn rất nhiều.

Cũng có những nhạc sĩ sáng tác theo “đơn đặt hàng” nên ca từ sáo rỗng, áp đặt cảm xúc người lớn lên trẻ con khiến ca khúc trở nên gượng gạo, không được trẻ em yêu thích.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết: "Thiếu nhi ngày nay khác với thiếu nhi của mấy chục năm trước nên muốn sáng tác hay thì trước hết nhạc sĩ phải thâm nhập vào cuộc sống của các em chứ đừng ngồi trong phòng rồi răn dạy cái này, cái kia. Âm nhạc có tác dụng giáo dục nhưng đừng để trẻ chỉ biết hát những bài mà cô giáo bắt hát... Trong khi đó, thiếu nhi là tuổi ăn tuổi lớn, chúng thích tiết tấu sôi động, hát để vỗ tay chứ không phải hát như đọc bài. Tôi cũng trông chờ rất nhiều vào thế hệ nhạc sĩ trẻ sẽ có nhiều tác phẩm tốt hơn. Thế hệ chúng tôi già rồi, bài hát cũng không còn phù hợp với hôm nay nữa".


Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết trông ông chờ rất nhiều vào thế hệ nhạc sĩ trẻ sẽ có nhiều tác phẩm tốt hơn cho thiếu nhi

Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, để có nhiều ca khúc thiếu nhi hay, chất lượng thì nhất thiết các bộ ngành như Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các đoàn thể phải kết hợp mà làm. Ngoài ra, các đài phát thanh, truyền hình cũng phải phối hợp, mang những ca khúc thiếu nhi có chọn lọc đến với các em nhiều hơn nữa.

"Các chương trình âm nhạc dành cho các em nhỏ cũng nên xem xét để phù hợp với lứa tuổi các em hơn. Đừng bắt các em làm trò cho người lớn. Cách đây mấy năm, tôi có xem chương trình Đồ Rê Mí, có em mặc áo tứ thân hát bài Thị Màu lên chùa. Con nít 7-8 tuổi thì nào có hiểu gì đâu. Giọng hát Việt nhí tôi xem không đều nhưng năng khiếu của các em cũng rất đáng quan tâm. Các em hát tiếng Việt không giỏi nhưng tiếng Anh thì rất giỏi. Bản thân tôi không phản đối các em hát tiếng Anh nhưng trẻ em Việt hát tiếng Việt vẫn là tốt nhất", vị nhạc sĩ 83 tuổi bày tỏ.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Nhạc thiếu nhi đang rất khập khiễng so với nhạc người lớn

Trong buổi họp 6 tháng đầu năm của Hội âm nhạc TP.HCM, chúng tôi cũng có tổng kết và nêu ra thực trạng nhạc thiếu nhi hiện đang phát triển rất khập khiễng so với nhạc người lớn. Trong khi số lượng ca khúc nhạc dành cho lứa tuổi trưởng thành ngày càng nhiều thì số lượng sáng tác mới dành cho thiếu nhi gần như không có.

Nguyên nhân chính là do không có cuộc vận động hay sự hỗ trợ nào dành cho người viết nhạc thiếu nhi cả. Thử nghĩ mà xem, nhạc thiếu nhi mà phát trên sóng phát thanh - truyền hình lúc 1, 2 giờ khuya hay 5 giờ sáng thì làm sao các em theo dõi?

Bởi thế mới nói không phải nhạc sĩ không viết (nhạc cho thiếu nhi) nhưng họ viết làm gì khi không được phổ biến rộng rãi? Trong khi phim Việt có giờ vàng thì về âm nhạc hình như chưa thấy.

Rõ ràng, chúng ta có cung, có cầu nhưng lại "tắc" ở các đầu mối. Giải pháp thì có nhưng kinh phí, tiền nong lại không đủ. Các nhà thiếu nhi hiện nay vẫn bế tắc khâu kinh phí. Hơn ai hết, Nhà nước phải bỏ tiền ra chứ đừng trông mong vào chuyện xã hội hóa.

Hiện nay, ngoài hệ thống trường công lập còn có trường quốc tế. Các em theo học tiếng Anh từ tiểu học nên việc hát tiếng Anh là bình thường. Tuy nhiên, tôi nghĩ những chương trình như Giọng hát Việt nhí nếu ban tổ chức hướng thí sinh hát tiếng Việt ở các vòng sau sẽ tốt hơn.

Còn nhớ khi chúng tôi làm chương trình Tiếng ca học đường, cũng có bé hát tiếng Anh nhưng ban tổ chức đã hướng dẫn các bé nên hát tiếng Việt. Nếu để mặc các bé lựa chọn, nhiều khi các bé bị ảnh hưởng bởi phụ huynh nữa. Chẳng hạn như ở nhà ba mẹ bé thích nhạc tiền chiến, nhạc sến thì lên sân khấu bé cũng sẽ chọn các ca khúc đó.

(Theo TNO)

  • Từ khóa
46014

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu