Thứ 6, 29/03/2024 01:28:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:14, 11/07/2016 GMT+7

Cá chết trắng sông Sài Gòn: Nguyên nhân do đâu?

Thứ 2, 11/07/2016 | 08:14:00 417 lượt xem

>> [Video] Cá chết trắng sông Sài Gòn: Nguyên nhân do đâu?

>> Cá chết nổi trắng sông Sài Gòn

Xác cá trương phình trôi dạt vào bờ, nổi lềnh bềnh trên sông hoặc lẫn vào các đám lục bình và bốc mùi hôi thối nồng nặc… Âm thanh phát ra từ những đàn ruồi, nhặng và các loại côn trùng bay loạn xạ quanh xác cá càng làm môi trường ở đây ngột ngạt và khó chịu. Đó là cảnh tượng chúng tôi chứng kiến khi chèo thuyền dọc bờ sông Sài Gòn, đoạn từ suối Bà Quen, xã Minh Tâm đến ấp 9, xã Tân Hiệp (Hớn Quản) ngày 8-7.

Những ngư dân có kinh nghiệm hàng chục năm sinh sống trên sông Sài Gòn am hiểu tường tận đặc điểm sinh sống của từng loại cá cũng như diễn biến môi trường nước theo mùa cho rằng, cá chết là một hiện tượng bất thường và chắc chắn có tác động của con người.

KHÔNG THỂ DO SỐC PHÈN...

Như Báo Bình Phước số ra ngày 8-7 có bài “Cá chết nổi trắng sông Sài Gòn” phản ánh, sáng 6-7, trên thượng nguồn sông Sài Gòn, đoạn thuộc địa phận huyện Hớn Quản đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, nổi trắng 12km sông. Hàng trăm hộ dân sống hai bên bờ sông Sài Gòn đã đổ xô đi vớt cá. Con cá nào còn tươi thì mang ra chợ bán; cá chết thối, người dân làm phân bón cho cây. Nhiều ngư dân tham gia vớt cá cho biết, họ ngửi thấy mùi nước sông rất thối và cho rằng đó là mùi nước xả thải của Nhà máy chế biến khoai mì Viet Sing. Tuy nhiên, đó mới là phỏng đoán của người dân sống trong khu vực, còn thực hư thế nào phải chờ cơ quan chức năng khẳng định mới có thể kết luận. Trong khi đó, những ngư dân có thâm niên hàng chục năm làm nghề cá khẳng định, đây là hiện tượng bất thường chưa từng xảy ra từ trước tới nay.

Cá chết phơi trắng trên mặt đất khi nước rút đi và ống xả thải của một trại heo đổ ra sông cách chân cầu Sài Gòn 500m (ảnh nhỏ). Đời sống của ngư dân dọc tuyến sông đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn (ảnh lớn)Cá chết phơi trắng trên mặt đất khi nước rút đi và ống xả thải ngầm của một trại heo đổ ra sông cách chân cầu Sài Gòn 500m (ảnh nhỏ có dấu X). Đời sống của ngư dân dọc tuyến sông đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn (ảnh lớn)

Đặt giả thiết do cá sốc phèn sau những trận mưa lớn đầu mùa nên chết hàng loạt, anh Nguyễn Văn Hải ở tổ 5A, ấp 9, xã Tân Hiệp nói: Tôi làm nghề cất vó trên sông hơn 10 năm nay nhưng chưa bao giờ chứng kiến hiện tượng cá chết trắng sông như vài ngày gần đây. Theo quy luật tự nhiên, thường vào đỉnh điểm mùa khô, nước sông rút cạn nên dòng chảy khá lặng. Khi những cơn mưa lớn đầu mùa ập xuống, nước từ các nơi đổ dồn về làm lưu lượng dòng chảy sông tăng đột ngột. Đây là nguyên nhân khiến một số loại cá bị sốc phèn, chủ yếu cá nhỏ nổi lên mặt nước ngáp khí ôxy nhưng số cá chết rất ít. Tuy nhiên hiện tượng này thi thoảng mới gặp chứ không phải năm nào cũng có.

Anh Hải cho biết thêm: Vài ngày trước thời điểm xảy ra cá chết có mưa liên tục. Những cơn mưa này làm dòng chảy mạnh lên, tạo nhiều ôxy nên cá khỏe hơn và bắt đầu mùa sinh sản. Hơn nữa, đã vào mùa mưa gần một tháng nên môi trường nước ổn định. Từ những lập luận này, anh Hải khẳng định cá chết không phải do sốc phèn.

...CŨNG KHÔNG THỂ DO TỰ NHIÊN

Cùng quan điểm với anh Hải, ngư dân Nguyễn Thanh Tâm ở tổ 5, ấp Bàu Lùng, xã Tân Hiệp khẳng định: Cá chết lần này là bất thường. Ngay trong buổi chiều ngày xảy ra cá chết (6-7) và cả hôm sau, tôi đã hai lần bơi ghe ngược sông từ ấp Bàu Lùng đến suối Bà Quen, xã Minh Tâm khoảng 10km để tìm hiểu. Hỏi ngư dân ven sông cùng với kinh nghiệm 20 năm làm nghề, nắm đặc điểm sinh sống của từng loại cá, tôi khẳng định hiện tượng cá chết hàng loạt không thể đổ thừa do tự nhiên. Nước càng nhiều thì cá càng khỏe. Nói cá chết do có người đánh thuốc cũng không phải bởi có bỏ xuống sông một lượng lớn thuốc cũng không thể khiến hàng chục tấn cá chết kéo dài nhiều cây số và nhiều ngày như vậy. Người dân làm nghề cá trên sông rất có ý thức bảo vệ nguồn lợi lâu dài, không chỉ vì bắt vài con cá mà tận diệt cả khúc sông như vậy.

Cá chết từ khu vực suối Bà Quen xuôi dòng chảy đến ấp Bàu Lùng - đây là thông tin được nhiều ngư dân đi vớt cá sáng 6-7 cho biết. Sau hai chuyến ngược sông để “điều tra”, ngư dân Nguyễn Thanh Tâm cũng đã khẳng định điều này. Khúc sông từ suối Bà Quen đến ấp Bàu Lùng dài khoảng 12km. Thời điểm người dân ấp Bàu Lùng phát hiện cá nổi lờ đờ và một số đã chết hẳn là khoảng 9 giờ sáng 6-7. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hiếu ở tổ 7, ấp Bàu Lùng lại cho biết, khoảng 7 giờ sáng cùng ngày, con trai anh khi đi làm ngang qua cầu Sài Gòn (cách suối Bà Quen khoảng 2km về phía hạ lưu) đã thấy nhiều người đi vớt cá trên sông nên gọi điện về báo. Một số ngư dân khác gần khu vực thượng nguồn ở  ngã ba sông Chàm, cách cầu Sài Gòn 12km cũng phát hiện cá chết trong ngày 6-7.

Theo ghi nhận của phóng viên, đến ngày 9-7, số cá chết đã giảm. Tờ mờ sáng cha con anh Phúc (nhà ở gần cầu Sài Gòn) đi dọc khúc sông vớt cá, 8 giờ quay về chỉ vớt được vài ký cá các loại. Cá vớt lên được thương lái tới tận nơi thu mua với giá 15 ngàn đồng/kg và chở đi nơi khác tiêu thụ.

“AI CŨNG HIỂU, CHỈ...”?

Cá chết trắng sông Sài Gòn từ ngày 6-7 nhưng hai ngày sau khi phóng viên về tìm hiểu, Chủ tịch UBND xã Minh Tâm Nguyễn Thị Quý vẫn chưa nắm biết với lý do “người dân chưa báo lên”. Chỉ khi phóng viên đặt tờ Báo Bình Phước có bài viết phản ánh lên bàn, bà Quý mới điện thoại cho trưởng ấp để xác minh và cử cán bộ môi trường xã về nắm tình hình.

Số cá vớt được sáng 8-7, bà Nguyễn Thị Phượng, tổ 4, ấp Bàu Lùng cho biết để làm mắm bò hócSố cá vớt được sáng 8-7, bà Nguyễn Thị Phượng, tổ 4, ấp Bàu Lùng cho biết để làm mắm bò hóc

Được biết, người dân sống bằng nghề đánh bắt cá chủ yếu tập trung ở 2 tổ 8, 9 thuộc ấp 4, xã Minh Tâm và khu Việt kiều Campuchia có khoảng 10 hộ. Khu vực xảy ra cá chết rất ít đồng bào DTTS làm nghề đánh bắt thủy sản và ở đây cũng không trồng loại cây thuốc cá. Men theo khúc sông Sài Gòn, đoạn từ suối Bà Quen đến ấp Bàu Lùng, chúng tôi chứng kiến các đường ống đang ngày đêm trực tiếp xả thải xuống lòng sông. Thời gian qua, báo chí đã nhiều lần phản ánh việc xả thải của một số trang trại, nhà máy gây ô nhiễm nặng nước sông Sài Gòn nhưng Chủ tịch UBND xã Minh Tâm khẳng định: “Khúc sông Sài Gòn đoạn qua xã Minh Tâm hiện “chỉ” có 3 trại heo và nhà máy chế biến khoai mì Viet Sing. Hằng năm, đoàn của Phòng, Sở Tài nguyên - Môi trường, lãnh đạo huyện Hớn Quản, xã Minh Tâm tổ chức nhiều đợt kiểm tra nhưng không phát hiện các công ty này xả thải ra sông Sài Gòn gây ô nhiễm”. Khi chúng tôi đề nghị được cung cấp biên bản sau những đợt kiểm tra này, bà Quý cho biết: “Sau mỗi đợt kiểm tra, lãnh đạo xã chỉ ký vào biên bản. Ký xong, các biên bản kiểm tra do Phòng, Sở Tài nguyên - Môi trường giữ, xã không giữ nên không có để cung cấp”.

Chủ tịch UBND xã Minh Tâm Nguyễn Thị Quý nhận định:

Cá chết có thể do một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đánh bắt bằng cây thuốc cá (một loại cây mọc hoang, rễ cây này khi giã nhuyễn đổ xuống nước khiến cá bị say), dùng lượng nhiều cá sẽ nổ mắt mà chết. Do bị đổ cây thuốc từ đầu nguồn nên nước chảy đến đâu, cá chết đến đó. Khi được hỏi cần lượng cây thuốc cá bao nhiêu để cá trên sông Sài Gòn chết trắng như vậy và ngay cả các loại cá lớn 3-5kg/con sống ở tầng đáy cũng chết... thì bà Quý không nắm rõ.

“Không ai đi đánh thuốc cá vào lúc có mấy ngày mưa liên tục, nước sông đục ngầu và chảy mạnh như thế. Thường người ta chỉ đánh thuốc ở những nơi nước trong và dòng chảy lặng, như vậy thuốc không bị phân tán mà chỉ phát tán trong một phạm vi nhất định, cá mới có thể chết được”.

Ông NGUYỄN VĂN LONG, tổ 5, ấp Bàu Lùng hơn 20 năm làm nghề cá trên sông Sài Gòn lập luận

Ông Nguyễn Văn Phúc, tổ 8, ấp 4, xã Minh Tâm than thở: Cá chết, nước sông bốc mùi hôi thối, sông Sài Gòn đã ô nhiễm nay lại càng ô nhiễm nghiêm trọng. Chúng tôi sống bằng nghề chài lưới, quanh năm lênh đênh sông nước, mọi sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ đều từ  nguồn nước này. Mấy ngày nay, nước sông bị ô nhiễm nặng hơn nhưng gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác đang mưu sinh trên dòng sông không còn cách nào khác, phải chấp nhận “sống chung với ô nhiễm”. Nước sông bị ô nhiễm, nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt khiến cuộc sống của ngư dân dọc sông Sài Gòn đang khó khăn hơn bao giờ.

Từ thực trạng trên, hướng xử lý trước mắt của UBND xã Minh Tâm là gì? Cuộc sống của những người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản vốn đã khó khăn thì tới đây chắc chắn sẽ càng khó khăn hơn. Chính quyền xã sẽ có giải pháp gì để người dân vượt qua khó khăn? “Chúng tôi sẽ làm báo cáo về tình hình cá chết gửi về Phòng Tài nguyên - Môi trường và UBND huyện Hớn Quản để kiểm tra, chỉ đạo xử lý. Việc xác định nguyên nhân cá chết vẫn phải chờ kết luận từ cơ quan chức năng, xã không đủ thẩm quyền xử lý. Còn giải pháp giúp người dân vượt qua khó khăn thì UBND xã... chưa tính tới, vì người dân địa bàn sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông Sài Gòn không nhiều” - bà Nguyễn Thị Quý, Chủ tịch UBND xã Minh Tâm trả lời. 

Đông đảo người dân sống ở hai xã Minh Tâm, Tân Hiệp rất mong cơ quan chức năng của tỉnh, huyện và cả Trung ương sớm vào cuộc, lấy mẫu nước để xác định nguyên nhân cá chết, có giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường và ổn định đời sống của người dân, tránh gây hoang mang trong dư luận.

Ngày 6-7, hàng trăm hộ dân đã đổ xô đi vớt những con cá lờ đờ nổi trên mặt nước hoặc mới chết, trong đó có những con cá lớn nặng 3-5kg. Người vớt được ít cũng vài chục ký, người vớt được nhiều thì hàng trăm ký. Sông Sài Gòn mùa mưa nước chảy cuồn cuộn. Cá chết dù nổi hay chìm cũng chỉ trong vài giờ sẽ bị cuốn về hạ lưu. Thế nhưng, hai ngày sau khi cá chết, chúng tôi đi thuyền dọc sông Sài Gòn đoạn từ suối Bà Quen đến ấp Bàu Lùng, đã chứng kiến một cảnh tượng chưa từng xảy ra, khiến ai cũng ngỡ ngàng, giật mình và xót xa: Cá chết phơi trắng đất nhiều khu vực nước mới rút đi ở hai bên ven sông. Nhiều khu vực cá chết bốc mùi hôi thối mắc dày trên bụi cây, cành cây...

Ngân Hà - Hồng Quang

  • Từ khóa
92992

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu