Thứ 6, 19/04/2024 20:09:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:17, 20/02/2020 GMT+7

Sáng tạo trong duy trì sĩ số học sinh ở Phú Riềng

Vũ Nam
Thứ 5, 20/02/2020 | 15:17:00 552 lượt xem
BPO - Bằng những cách làm linh hoạt, sáng tạo của Ban giám hiệu trường cùng sự nỗ lực không ngừng của các thầy, cô giáo nơi đây, những năm qua, Trường tiểu học Long Hà C, xã Long Hà là một trong những đơn vị top đầu, là điểm sáng trong phong trào thi đua duy trì sĩ số học sinh ở huyện Phú Riềng.

Năm học này, thầy Trương Đình Nghị được phân công giảng dạy tại điểm lẻ thôn Bù Ka 2, Trường tiểu học Long Hà C. Điểm trường có 8 lớp với 150 học sinh người S’tiêng. Lớp thầy Nghị chủ nhiệm có 16 học sinh. Nhà ở cách điểm lẻ hơn 20km, không kể nắng mưa, hằng ngày thầy luôn tranh thủ đến lớp sớm kiểm tra sĩ số học sinh. Nếu thấy học sinh vắng, thầy trực tiếp đến nhà vận động các em đi học. Những học sinh nào nghỉ học dài ngày, thầy cùng Ban giám hiệu trường và ban thôn tới tận nhà tìm hiểu, vận động các em trở lại lớp. Vì thế từ đầu năm học đến nay, lớp học của thầy luôn duy trì đầy đủ sĩ số. Thầy Nghị chia sẻ: “Tôi luôn coi học trò như người thân trong gia đình. Mỗi khi học sinh bị ốm hay vắng học không có lý do, tôi sắp xếp cùng lớp đến nhà thăm nom kịp thời và động viên các em quay lại trường”.

Một tiết dạy của thầy Trương Đình Nghị tại điểm lẻ thôn Bù Ka 2, Trường tiểu học Long Hà C

Năm học 2019-2020, Trường tiểu học Long Hà C có 511 học sinh, trong đó 256 em dân tộc S’tiêng, tập trung chủ yếu ở 5 điểm lẻ. Trước đây, tỷ lệ đầu vào học sinh của trường còn thấp, khó huy động đạt tỷ lệ trẻ 6 tuổi đến lớp bởi học sinh đủ tuổi đến trường nhưng do chưa có giấy khai sinh. Thêm vào đó, hạn chế trong giao tiếp giữa giáo viên và học sinh dân tộc thiểu số chưa rành tiếng phổ thông cũng là rào cản khiến các em chán và bỏ học. Đặc biệt, vào mùa thu hoạch điều, các em thường nghỉ học ở nhà phụ hoặc theo cha mẹ đi lượm điều thuê; nhiều em hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bị bệnh cũng nghỉ học phụ chăn bò thuê... dẫn đến tình trạng bỏ học.

Để duy trì sĩ số lớp học, không bỏ học giữa chừng, trường đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, Ban giám hiệu trường chủ động phối hợp chính quyền địa phương, đoàn thể, đặc biệt ban thôn, các chức sắc, chức việc tôn giáo và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh. Trước khi vào năm học mới khoảng 3 tháng, trường thường tổ chức cho giáo viên về các điểm lẻ vận động học sinh đến lớp để tập nói, dạy chữ, giao tiếp và sử dụng đồ dùng học tập. Vì thế, khi vào năm học mới, tình trạng bất đồng ngôn ngữ không còn. Ngoài ra, giáo viên được phân công giảng dạy tại các điểm lẻ luôn tận tâm, thường đến lớp sớm để điểm danh và đến tận nhà các em nắm hoàn cảnh để vận động nếu học sinh nghỉ học không có lý do.

Bên cạnh đó, Ban giám hiệu trường cũng chủ động liên hệ UBND xã hỗ trợ phụ huynh làm giấy khai sinh cho con em. Hằng năm, trường thường xuyên vận động tổ chức tặng quà, sách vở, đồ dùng học tập, xe đạp cho các em dịp đầu năm học hoặc lễ, tết. Trường cũng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn, gạo cho các em hoàn cảnh khó khăn.

Cô Phan Thị Thu Trúc, Phó hiệu trưởng trường cho biết: Giáo viên chủ nhiệm phải luôn quan tâm sâu sát, hiểu hoàn cảnh từng em để kịp thời động viên, giúp đỡ. Nhiều năm qua, công tác chủ nhiệm tại trường đã phát huy tối đa hiệu quả. Đầu mỗi năm học, sau khi phân lớp chủ nhiệm, tất cả giáo viên phân loại học sinh theo từng nhóm đối tượng để có sự quan tâm đúng mức, công bằng. Sự quan tâm, gần gũi của thầy cô chính là niềm an ủi lớn giúp các em có động lực đến trường học tập. Từ năm 2013 đến nay, Trường tiểu học Long Hà C không có học sinh bỏ học. Tỷ lệ lên lớp hằng năm tăng; học sinh 6 tuổi trên địa bàn đi học lớp 1 đạt 100%. Với những cách làm thiết thực, ý nghĩa, chất lượng giáo dục của trường đang từng bước được nâng lên chính là món quà ý nghĩa đối với những người “gieo chữ” nơi đây.

  • Từ khóa
2381

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu