Thứ 6, 26/04/2024 01:11:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:00, 24/04/2018 GMT+7

Các tỉnh sẽ còn không quá 17 sở

Thứ 3, 24/04/2018 | 07:00:00 730 lượt xem
BP - Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong cả nước. Trong dự thảo nghị định này có nhiều điểm mới so với Nghị định số 37/2014/NĐ-CP. Theo đó, sẽ thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập một số sở, cụ thể:

CÁC SỞ ĐƯỢC TỔ CHỨC THỐNG NHẤT, THỰC HIỆN HỢP NHẤT, SÁP NHẬP

Các sở được tổ chức thống nhất ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Sở tư pháp, sở tài nguyên và môi trường, sở lao động - thương binh và xã hội, sở y tế.

Các sở do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định việc giữ ổn định hoặc hợp nhất, gồm: Sở kế hoạch và đầu tư, sở tài chính, sở giao thông vận tải, sở xây dựng, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở công thương, sở khoa học và công nghệ, sở GD-ĐT; sở thông tin và truyền thông; sở văn hóa - thể thao và du lịch (hoặc sở văn hóa - thể thao). Trường hợp hợp nhất sở kế hoạch và đầu tư với sở tài chính thì tên sở mới là sở tài chính - kế hoạch thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của 2 sở đang thực hiện theo quy định.

Trường hợp hợp nhất sở giao thông vận tải với sở xây dựng thì tên sở mới là sở giao thông vận tải - xây dựng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của 2 sở đang thực hiện theo quy định. Trường hợp hợp nhất sở nông nghiệp và phát triển nông thôn với sở công thương thì tên sở mới là sở công nghiệp, nông nghiệp và thương mại thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của 2 sở đang thực hiện theo quy định. Trường hợp hợp nhất sở thông tin và truyền thông với sở văn hóa - thể thao và du lịch hoặc sở văn hóa - thể thao thì tên sở mới là sở văn hóa - thông tin, thể thao và du lịch hoặc sở văn hóa - thông tin và thể thao thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của 2 sở đang thực hiện theo quy định. Trường hợp hợp nhất sở khoa học và công nghệ với sở GD-ĐT thì tên sở mới là sở giáo dục và khoa học, công nghệ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của 2 sở đang thực hiện theo quy định.

CÁC SỞ ĐẶC THÙ, CHUYÊN NGÀNH ĐƯỢC THÀNH LẬP THEO TIÊU CHÍ

Ban dân tộc được thành lập khi đảm bảo đủ các tiêu chí sau: Có trên 20.000 người dân tộc thiểu số (DTTS) sống tập trung thành cộng đồng làng, bản. Có trên 5.000 người DTTS đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển. Có đồng bào DTTS sinh sống ở địa bàn xung yếu về quốc phòng - an ninh; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào DTTS nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại. Đối với những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đồng bào DTTS sinh sống nhưng không đủ tiêu chí thành lập ban dân tộc thì được thành lập phòng dân tộc (hoặc bố trí công chức) làm công tác dân tộc thuộc văn phòng UBND cấp tỉnh.

Sở ngoại vụ được thành lập khi đáp ứng một trong 2 tiêu chí sau: Có cửa khẩu quốc tế đường bộ hoặc cửa khẩu quốc tế đường hàng không hoặc cảng biển quốc tế. Có đủ các điều kiện sau: Có từ 500 dự án đầu tư nước ngoài hoặc có tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 100.000 tỷ đồng Việt Nam đã và đang hoạt động có hiệu quả tại địa phương; có trên 4.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại địa phương; có kim ngạch xuất nhập khẩu hằng năm đạt từ 100.000 tỷ đồng Việt Nam trở lên; đã ký kết thỏa thuận về hợp tác hữu nghị với 5 địa phương trở lên tại các quốc gia trên thế giới. Những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đủ tiêu chí thành lập sở ngoại vụ thì được thành lập phòng ngoại vụ thuộc văn phòng UBND cấp tỉnh.

Sở du lịch được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau: Có di sản văn hóa vật thể được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO ghi danh là di sản thế giới hoặc có tài nguyên và tiềm năng du lịch nổi trội (có khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia hoặc đô thị du lịch, điểm tham quan, nghỉ dưỡng có quy mô lớn, nổi bật); ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và có giá trị kinh tế từ du lịch đóng góp vào GDP hằng năm của địa phương với tỷ trọng từ 10% trở lên trong 5 năm liên tục.

Căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định việc sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập. Trường hợp sáp nhập hoặc không thành lập ban dân tộc, sở ngoại vụ thì giao văn phòng UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực ngoại vụ và dân tộc. Trường hợp sáp nhập hoặc không thành lập sở du lịch thì giao sở văn hóa - thể thao (hoặc sở văn hóa - thông tin và thể thao) thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch và đổi tên sở này thành sở văn hóa, thể thao và du lịch (hoặc sở văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch).

CÁC SỞ ĐƯỢC THÀNH LẬP HOẶC THÍ ĐIỂM HỢP NHẤT

Sở nội vụ, trường hợp địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất với ban tổ chức tỉnh ủy (thành ủy) theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 thì có tên gọi là sở tổ chức - nội vụ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức nêu trên theo quy định của Đảng và của pháp luật.

Thanh tra tỉnh, trường hợp địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất với ủy ban kiểm tra tỉnh ủy (thành ủy) theo Nghị quyết số 18-NQ/TW thì có tên gọi là kiểm tra - thanh tra tỉnh, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức nêu trên theo quy định của Đảng và của pháp luật.

Văn phòng UBND cấp tỉnh, trường hợp địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất với văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng HĐND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung theo Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội thì có tên gọi là văn phòng địa phương cấp tỉnh, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức nêu trên theo quy định của pháp luật.

KHUNG SỐ LƯỢNG CÁC SỞ

Phương án 1, việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập các sở phải bảo đảm không vượt quá số lượng sở hiện có và phù hợp với khung số lượng sở như sau: Không quá 20 sở đối với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Không quá 19 sở đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I; Không quá 18 sở đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại II; Không quá 17 sở đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại III. Trường hợp hợp nhất, sáp nhập các sở để tinh gọn tổ chức bộ máy, điều chỉnh chức năng giữa các sở khác với quy định tại nghị định này thì UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Phương án 2, việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập các sở phải bảo đảm không vượt quá số lượng sở hiện có và phù hợp với khung số lượng sở như sau: Không quá 20 sở đối với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Không quá 18 sở đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I; Không quá 17 sở đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại II và loại III.

Trường hợp hợp nhất, sáp nhập các sở để tinh gọn tổ chức bộ máy, điều chỉnh chức năng giữa các sở khác với quy định tại nghị định này thì UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Phương án 3, việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập các sở phải bảo đảm tổng số lượng sở sau khi sắp xếp không vượt quá số lượng sở hiện có tại thời điểm tổ chức thực hiện nghị định này.

Trường hợp hợp nhất, sáp nhập các sở để tinh gọn tổ chức bộ máy, điều chỉnh chức năng giữa các sở khác với quy định tại nghị định này thì UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trung Nghĩa

  • Từ khóa
20473

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu