Thứ 5, 28/03/2024 23:11:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:29, 25/08/2015 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN BÙ GIA MẬP LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2015-2020

Bù Gia Mập thực hiện giải pháp giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số

Thứ 3, 25/08/2015 | 10:29:00 2,317 lượt xem

>> Đổi thay ở một xã biên giới
>> Chặng đường vượt khó của Dảng bộ huyện Bù Gia Mập

BP - Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp Đảng bộ huyện Bù Gia Mập đã góp phần ổn định đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), tạo điều kiện thúc đẩy công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Là huyện biên giới, có hơn 19% số dân là ĐBDTTS, những năm qua, huyện luôn ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân. Huyện tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc như: Tình trạng đói giáp hạt, thiếu nước sinh hoạt, nhà ở tạm bợ, thiếu đất ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn.

GIÚP ĐỒNG BÀO AN CƯ
ĐỂ LẠC NGHIỆP

Thời gian qua, huyện Bù Gia Mập đã cấp 59 ha đất sản xuất cho 51 hộ ĐBDTTS thuộc dự án ổn định dân di cư tự do theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg, ngày 24-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Quyết định số 33/QĐ-TTg về việc hỗ trợ di dân, định canh, định cư cho ĐBDTTS, huyện đã giao 92 ha đất sản xuất cho 92 hộ dân, giúp ĐBDTTS có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Bà Điểu Thị Sớ, ngụ thôn 2 Bù Bưng, xã Đắk Ơ cho biết: “Ngày trước, sống du canh, du cư tôi chỉ mơ ước được ăn no, mặc ấm. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ đất và vốn sản xuất, gia đình tôi tích lũy đến nay đã có thêm 5 ha điều, 1 ha cao su. Lượm điều xong, tôi rửa sạch, phơi khô, chờ giá cao mới bán. Có đất, có nhà ở khang trang, có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng dùng cho những việc lớn của gia đình, nay tôi và nhiều hộ trong thôn được ăn ngon, mặc đẹp”.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã giải cơn khát cho người dân xã Bù Gia Mập

Từ năm 2010-2014, huyện đã hỗ trợ trực tiếp 6,5 tỷ đồng vốn sản xuất, 399.560 cây ca cao và cao su giống cho 770 hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; giúp 70 hộ ĐBDTTS đặc biệt khó khăn của 3 xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập, Phú Nghĩa vay 350 triệu đồng phát triển sản xuất. Từ vốn Chương trình 135, năm 2010, huyện đã hỗ trợ trên 5 tỷ đồng vốn sản xuất cho bà con vùng khó khăn. UBND các xã trong huyện thường xuyên tuyên truyền để hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích, mua vật nuôi, giống cây trồng, máy móc thiết bị, phân bón... đầu tư phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều hộ còn mạnh dạn vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. 

ĐẦU TƯ ĐỒNG BỘ
VÙNG ĐBDTTS

Mùa khô năm 2014, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Bù Gia Mập với tổng đầu tư trên 10 tỷ đồng từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường và vốn khắc phục hạn hán do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đã hoàn thành trước thời hạn. Công trình có công suất thiết kế 200m3/ngày đêm, sử dụng nước từ hồ chứa Bù Rên với diện tích 1,2 ha đất; trong đó, khu trạm bơm sử dụng 0,3 ha và 9.718 tuyến đường ống nước (0,9 ha). Tại khu vực công trình, không cần phải giải phóng mặt bằng, bồi thường thiệt hại về cây trồng, cổng, hàng rào, cơ sở vật chất mà người dân tự dỡ bỏ, chặt cây, bàn giao mặt bằng để thi công trong thời gian sớm nhất. 390 hộ dân thụ hưởng công trình chủ yếu là đồng bào Xêtiêng, Mơnông ở các thôn Bù Rên, Bù Dốt, Bù La. Họ rất vui mừng vì không còn phải lo tiền mua nước ngọt giá đắt như những năm trước. Anh Điểu Lợi ở xã Bù Gia Mập hồ hởi nói: “Để trồng 3.000 phôi nấm bào ngư, tôi cần 30 lít nước mỗi ngày. Trước đây, mùa khô tôi phải xếp phôi nấm trên giàn chờ mùa mưa đến. Nay không còn phải trông chờ vào nước trời, tôi trồng nấm quanh năm, tăng thu nhập”.

5 năm qua, huyện Bù Gia Mập đã tiếp nhận và đầu tư 129 công trình về cơ sở hạ tầng với 26,755 tỷ đồng ở các xã đặc biệt khó khăn. Đến nay, đường giao thông chính từ huyện đến trung tâm các xã đã được nhựa hóa, 90% thôn, ấp có điện lưới quốc gia sử dụng. Các công trình đưa vào khai thác phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ĐBDTTS. Bên cạnh phát triển kinh tế, huyện luôn quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội, xóa nhà tạm, đầu tư xây dựng thủy lợi, giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống nhằm giúp đồng bào nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, toàn huyện (khi chưa chia tách huyện Phú Riềng) chỉ còn 2.907 hộ nghèo, chiếm 7,64%; trong đó có 1.500 hộ nghèo ĐBDTTS, chiếm 51,6% hộ nghèo toàn huyện.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho ĐBDTTS nghèo, khó khăn trên địa bàn huyện đã giúp người dân có điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Nhờ lồng ghép các chương trình đầu tư cơ sở vật chất, làm đường, kéo điện, hỗ trợ khuyến nông, cây giống, phân bón... giúp các hộ dân nhận đất đủ điều kiện phát triển sản xuất đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng khó khăn ở huyện Bù Gia Mập.

Tuyết Ly

  • Từ khóa
13802

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu