Thứ 4, 24/04/2024 10:27:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:36, 06/12/2018 GMT+7

Cách làm hay trong thực hiện tiêu chí giao thông

Thứ 5, 06/12/2018 | 07:36:00 262 lượt xem
BP - Xã Minh Lập (Chơn Thành) có 4km tuyến quốc lộ 14 chạy qua, 10,8km đường liên huyện từ Minh Lập đi các huyện, thị xã: Bình Long, Hớn Quản, Lộc Ninh và 51,149km đường giao thông nông thôn. Giai đoạn 2016-2020, theo đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) của Minh Lập, năm 2018 và 2019 tập trung triển khai thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn để cuối năm 2019 xã về đích NTM. Để đảm bảo tiến độ đề ra, Minh Lập đã có nhiều cách làm hay, phát huy được nội lực trong nhân dân chung tay bê tông hóa những tuyến đường, làm thay đổi lớn diện mạo của xã.

XUẤT PHÁT TỪ NHU CẦU THỰC TẾ

Ông Nguyễn Minh Phúc, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Minh Lập có nhiều đường thôn, ấp, tổ, liên thôn, ấp (còn gọi là đường xương cá) nhất so với các xã, thị trấn trong huyện, với 30 đường và 28 đường trục chính. Nếu đợi đến năm 2018 mới triển khai thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy, ngay từ năm 2016, cùng với thực hiện các tiêu chí khác, Đảng ủy và UBND xã đã lãnh đạo, chỉ đạo huy động sức dân, bê tông hóa các tuyến đường xương cá theo cơ chế đặc thù (nhân dân đóng góp 70%, Nhà nước hỗ trợ 30%). Nguyên nhân chọn đường xương cá làm trước bởi dễ làm hơn, vì liên quan trực tiếp đến phần đường vào nhà dân, bề rộng từ 2-3m nên người dân đóng góp và làm ngay, không phải đợi. Trong quá trình tuyên truyền vận động, có một số ý kiến đề nghị đợi đến năm 2018 mới làm, vì lúc đó nhân dân chỉ đóng góp 30%. Tổ tuyên truyền đã lắng nghe, giải thích vì lợi ích thiết thực mang lại nên người dân đã nghe và làm theo.

Mỗi tuyến đường tổ có ban tự quản do chi hội đoàn thể đảm nhiệm

Trong quá trình thực hiện bê tông hóa đường xương cá ở ấp 2 gặp nhiều khó khăn, bởi ấp có nhiều đường xương cá nhất. Ấp có 500 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 200 hộ. Việc tuyên truyền cũng có nhiều hạn chế, có hộ dân thấy đoàn công tác đến thì đóng cổng, không nghe vận động nên việc làm đường gặp nhiều trở ngại.

Ông Đào Văn Hộ, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết, năm 2016, ông làm Trưởng ấp 4, để bê tông hóa đường tổ 3, phải họp đến 5 lần, vận động đóng góp gặp không ít khó khăn vì khi họp có hộ không đi, hoặc xin báo vắng. Khi ban điều hành ấp đến thu tiền thì nại ra nhiều lý do để không đóng. Đến khi bê tông hóa xong, đường khang trang thì số hộ này mới tìm đến ban điều hành ấp đóng góp kinh phí.

ĐƯỜNG TỚI ĐÂU, THẮP SÁNG TỚI ĐÓ

Với sự chung tay làm đường của nhân dân, sự hỗ trợ của hệ thống chính quyền xã, các tuyến đường bê tông hóa trên địa bàn xã Minh Lập cứ thế được nối dài. Để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, cũng như tăng cường quản lý, giám sát, UBND xã đã ra quyết định thành lập các ban tự quản từng tuyến đường trên cơ sở nhân rộng mô hình tự quản của công an. Ban tự quản do các đoàn thể phụ trách, như hội cựu chiến binh phụ trách 2 tuyến đường lô tổ 3, ấp 4 và tổ 4, ấp 1. Ban tự quản tham gia ngay từ khi vận động người dân trong tổ làm đường, khi làm đường xong thì có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững tuyến đường. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, ban tự quản có nội quy do nhân dân trực tiếp đóng góp ý kiến, bàn bạc thông qua. Từ năm 2017, xã trang bị 60 thùng rác cho các ấp, người dân tham gia mô hình gom rác thải và mỗi hộ đóng 15.000 đồng/tháng phí thu gom.

Từ mô hình “Thắp sáng đường lô” ở ấp 6 vào năm 2006, xã đã nhân rộng cách làm này trong xây dựng NTM, cứ đường bê tông làm tới đâu thì lắp đặt hệ thống đèn điện và cột treo cờ tới đó. Cứ 3 hộ dân mắc chung 1 bóng đèn điện, nếu bóng bị hỏng thì 3 hộ này tự bỏ kinh phí mua để thay thế. Và như vậy, trên địa bàn xã ánh sáng được “nối dài”.

Trong xây dựng NTM, giao thông là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất. Nhưng với cách làm nêu trên, cho thấy khi người dân đồng lòng thì khó khăn đến mấy cũng vượt qua. Hiện nay, toàn xã đã bê tông hóa xong 27 đường xương cá, rộng từ 2-3m theo cơ chế đặc thù (nhân dân đóng góp 70%, Nhà nước hỗ trợ 30%). Đối với 28 trục đường tổ chính đều rộng 4m, đã bê tông hóa xong 8 tuyến đường, 2 tuyến đang làm. Tổng kinh phí do người dân đóng góp gần 1,4 tỷ đồng. Tất cả tuyến đường đều xây cổng chào khang trang, có bố trí cột cắm cờ dọc 2 bên đường và lắp đèn chiếu sáng. Thậm chí đường tổ 1, ấp 4 còn lắp cả hệ thống đèn cao áp. Nhờ có ánh sáng và đường khang trang, tỷ lệ người dân đi bộ tập thể dục buổi sáng và chiều cũng tăng lên, đặc biệt tình trạng trộm cắp trên địa bàn giảm hẳn. Không chỉ vậy, tuyến ĐT756 do tỉnh quản lý bị hư hỏng nặng, xã đã vận động người dân làm đường. Chỉ trong thời gian ngắn (3 tháng), tuyến đường này đã được sửa chữa khang trang, nhân dân và các doanh nghiệp đóng góp 285 triệu đồng.

Ông Đào Văn Hộ, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết, lợi ích thiết thực đem lại từ các tuyến đường bê tông hóa nên hiện nay làm đường đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi ở địa bàn. Nhờ sự lan tỏa mạnh mẽ nên các tuyến đường tổ chưa làm người dân nóng lòng muốn thực hiện ngay. Điển hình như ấp 4, hiện có 2 tổ nhân dân đã đóng góp xong tiền nhưng đến năm 2019 mới thực hiện do chờ huyện phân bổ vốn.

Nhật Hạ

  • Từ khóa
54433

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu