Thứ 6, 29/03/2024 16:25:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:16, 09/04/2016 GMT+7

“Thầy thuốc” của lan

Thứ 7, 09/04/2016 | 13:16:00 165 lượt xem
BP - Từ lòng say mê lao động, nhiều nông dân đã sáng tạo ra máy gặt lúa, sạ lúa, máy phun thuốc trừ sâu, máy tuốt đậu phộng, máy cắt mì... hoạt động rất hiệu quả. Và cũng từ tình yêu dành cho đất và cây, ông Vương Ngọc Chánh Tâm (tên thường gọi là ông Ba Ấn Độ) ở thôn 6, xã Long Tân, huyện Phú Riềng đã trở thành “thầy thuốc” của lan.

Ông Vương Ngọc Chánh Tâm giới thiệu cách chăm sóc lan để cho hoa nở theo ý muốnÔng Vương Ngọc Chánh Tâm giới thiệu cách chăm sóc lan để cho hoa nở theo ý muốn

Sáng sớm một ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm đến vườn lan của ông Ba Ấn Độ. Từ đầu ngõ, chúng tôi đã thấy dưới tán điều điểm những bông lan tím thẫm, trắng muốt. Biết là khách quen, ông Ba dừng tưới nước cho lan, giơ 2 vòi lan và nói: “Lan dạ hạt giống Pháp đấy! Hương thơm sót lại từ đêm, cô chú ạ”.

Làm tiếp công việc, ông giải thích: “Từ tháng 1-3 là thời gian lan “ngủ”, không tưới nước. Hôm nay, tui tưới vì trời nhiều sương”. Giải đáp cho những thắc mắc: Vì sao nhiều người chơi lan không hiểu lý do mua lan về chưng thì có bông mà trồng đến năm sau lại không trổ bông?; nhất điểm hồng không cho bông trắng vào dịp tết; quế lan hương không nở đúng tháng 4 (khi mưa xuống)?, ông nói: “Đó là vì chúng ta tưới nước cho lan quanh năm, không cho chúng thời gian nghỉ”.

Tuy không có nhiều lan nhưng ông lại có những giống lan quý. Hơn 40 năm trồng lan, nhiều tay chơi lan trong tỉnh đều tìm đến ông khi sở hữu giống lan quý hoặc thấy lan có biểu hiện bị bệnh. Mỗi người đến nhờ ông tư vấn chỉ một lần vì sau khi áp dụng, lan phát triển đều và cho bông đúng chu kỳ. Khi chúng tôi hỏi niềm vui từ thú chơi lan, ông Ba cười hiền lành: “Không phải tui vui khi có những dò thủy tiên quý, 1 dò trúc lan duy nhất ở Bình Phước, ngọc điểm, trường kiếm (bông tím lưỡi vàng sặc sỡ, dáng đầu rồng, trổ dài 1,2-3m - PV), mà tui vui vì từ chơi lan biết được trong nhiều giống lan nội quý hiếm có những giống của Bình Phước. Lan thủy tiên chỉ có 2 giống thì Bình Phước đã có 1 với bông trắng, lưỡi vàng”.

Nhiều người nói, ai muốn chơi lan phải kỹ tính. Nhưng theo ông Ba, việc chăm sóc lan cũng không quá khó. Lan có 2 loại nội và ngoại. Lan nội xuất thân từ loại cây rừng nên khi tạo được môi trường tự nhiên, chăm sóc theo nhiệt độ, mùa thì lan sẽ phát triển tốt, ít bệnh, không tốn công chăm sóc. Lan ngoại đa số được nhập từ Thái Lan, Trung Quốc... nên chăm sóc theo nhóm. Ví như Calaya phát triển tốt nhất là dưới 30% nắng; hồ điệp ưa dịu mát, “thích” ở phòng kín, đưa ra nắng sẽ bị đốm lá làm chết cây; Mocara (lan cắt cành) sống tốt ngoài trời với 100% nắng. Chỉ tưới lan để rửa sương trong thời gian lan ngủ nghỉ. Ngoài thời gian này, nếu nhiệt độ dưới 180C thì tưới phun sương. Từ 18-320c, ngày tưới sáng, trưa, chiều, buổi tối cho lan nghỉ.

Từ tình yêu dành cho cây, sự am hiểu về lan, ông Ba còn phát hiện các loại “thuốc” có thể chữa bệnh cho con người từ lan. Điển hình như trúc lan thạch học (thân như thân trúc, 3 tháng trổ bông 1 lần) là cây thuốc có tác dụng chữa viêm rát cổ họng khi ngậm nước được vắt ra từ lá.

Trời sang trưa, ông Ba mở đĩa VCD, giọng nam ca sĩ vang lên trong trẻo. Ông xúc động: “Đó là... bài thơ của tui. Cứ làm vườn vui là trong đầu tui thoang thoáng câu chữ đầy nhịp điệu. Rồi tui viết và gửi đăng báo. Ai dè bài thơ được đăng trên Tạp chí Hương sắc Việt Nam số 230, tháng 11-2012. Và nhạc sĩ Bùi Duy Chinh ở TP. Hồ Chí Minh đã phổ nhạc thành bài hát cùng tên “Tình cây và đá”, dưới sự thể hiện của ca sĩ Xuân Quang”. Nghe ông nói, tôi thấy vui. Không phải ông là “thầy thuốc” của lan hay lão nông có khả năng làm thơ mà bởi ông tìm được niềm vui từ trong lao động.

Hiện nay, ngày càng có nhiều người chơi lan nhưng ít người nắm được kỹ thuật cơ bản trong trồng, chăm sóc loại cây này. Khi trồng phải dùng 3 tép (3 cọng) để lan có sức cho rễ bám vào giá thể. Nếu trồng trong phòng kín không cần phân, đất, chỉ cần dớ (bùi nhùi bằng xơ dừa) để giữ ẩm lâu ngày sau tưới và 1 túi phân gói đặt dưới gốc để phân ngấm dần vào lan.  

Cẩm Thơ - Đức Hùng

  • Từ khóa
54515

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu