Thứ 6, 19/04/2024 02:15:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:38, 12/08/2015 GMT+7

Cải cách giáo dục: Mừng và lo

Thứ 4, 12/08/2015 | 09:38:00 132 lượt xem

BP - Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ Giáo dục - Đào tạo điều chỉnh, hoàn thành và công bố. Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến dư luận từ ngày 5-8-2015 và dự kiến sẽ được triển khai đại trà sau 3 năm nữa (từ năm học 2018-2019). Khi hoàn thiện, chương trình sẽ áp dụng cho toàn bộ 12 năm học phổ thông. Đây là chương trình sẽ ảnh hưởng tới hàng chục triệu học sinh ở cả 3 cấp học, vì vậy đã được sự quan tâm rất đặc biệt của toàn xã hội.

Theo dự thảo chương trình, thay vì phải học tất cả các môn như hiện nay, ở mỗi cấp học, học sinh sẽ học một số môn bắt buộc; một số môn tự quyết định có học hay không; một số môn cho phép các em chọn học một phần nội dung. Theo tinh thần chung của dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, từ tiểu học đến trung học phổ thông, số lượng các môn học bắt buộc sẽ giảm dần và số môn học tự chọn tăng dần lên. Các môn học với những cái tên mới như “Cuộc sống quanh ta, Giáo dục lối sống, Công dân với Tổ quốc...” sẽ có trong chương trình này. Ngoài ra, với chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có sự xuất hiện của các môn tích hợp. Ở bậc THCS sẽ có môn Khoa học tự nhiên với tích hợp các chủ đề của lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất; môn Khoa học xã hội tích hợp kiến thức về Lịch sử, Địa lý, đồng thời lồng ghép ở mức độ đơn giản kiến thức về kinh tế, văn hóa, tôn giáo...

Trong những ngày qua, hầu hết báo chí trong nước đều đề cập đến vấn đề này. Nhiều cuộc phỏng vấn từ lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo đến các nhà khoa học, lãnh đạo các trường học cùng nhiều thầy cô giáo uy tín, lâu năm trong nghề... đã được thực hiện và đăng tải. Bước đầu cho thấy, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Có người còn cho rằng, đây là “một cuộc cách mạng về giáo dục”. Với học sinh các cấp và nhiều phụ huynh hầu hết đều tỏ ra rất vui mừng, bởi sẽ được giảm các môn học bắt buộc. Chưa biết các nội dung học tới đây thế nào, thực tế số lượng môn học giảm cụ thể sẽ ra sao, nhưng ai cũng tỏ ra phấn khởi!.

Tuy vậy, cũng từ diễn đàn của vấn đề này vẫn có khá nhiều người băn khoăn, lo lắng. Điều đầu tiên là giáo viên, vì đây là vấn đề then chốt, quyết định thành bại của chương trình. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Giáo viên là đối tượng trực tiếp thực hiện, nhưng liệu có đáp ứng nổi yêu cầu đổi mới; việc dư thừa giáo viên thì giải quyết thế nào; khi đi vào thực hiện một thời gian liệu có trở về lối cũ không; sách giáo khoa có đổi mới hay không; việc thử nghiệm chương trình giáo dục phổ thông được tiến hành ra sao để vừa không biến học sinh thành “chuột bạch” vừa không gây lãng phí thời gian, tiền bạc?... Những câu hỏi này tuy đã được lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo trả lời, nhưng các bậc phụ huynh vẫn cảm thấy chưa thỏa đáng và trong xã hội vẫn còn rất nhiều băn khoăn, lo lắng.

Nước ta từ năm 1950 đến nay đã trải qua nhiều lần cải cách, đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Vì vậy, ai cũng mong lần này Chương trình giáo dục phổ thông mới thành công để đất nước có nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao và là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững sau này.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu