Thứ 6, 19/04/2024 16:53:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:45, 15/08/2017 GMT+7

Cải cách tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức

Thứ 3, 15/08/2017 | 07:45:00 129 lượt xem

BP - Sau 3 tháng đi vào hoạt động, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã giải quyết 9.823/10.834 hồ sơ - đó là con số chính thức được đưa ra tại cuộc họp giữa Giám đốc trung tâm Phạm Thị Ánh Hoa với đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan về công tác nhân sự tại trung tâm ngày 9-8 vừa qua. Cho dù chưa có con số so sánh với giai đoạn chưa có trung tâm, nhưng nhìn vào khối lượng hồ sơ công việc đã được giải quyết trong 3 tháng, đủ thấy sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ biên chế tại trung tâm cùng những công chức, viên chức từ các sở, ngành được cử đến trung tâm làm việc. Việc hằng tuần lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều tổ chức đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm qua hoạt động của trung tâm cho thấy quyết tâm, sự kỳ vọng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh vào công cuộc cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh. 

Thời nào cũng thế, CCHC là quá trình khắc phục những lực cản trong hệ thống bộ máy tổ chức, trong cơ chế vận hành và những hạn chế, yếu kém về năng lực quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước. Những lực cản đó bắt nguồn từ cơ chế, chính sách chồng chéo, không phù hợp và đặc biệt là từ chính bản thân những con người trong bộ máy nhà nước. Việc CCHC thường phức tạp hơn nhiều so với cải cách kinh tế, nhất là khi bộ máy hành chính của nước ta đã có một thời gian khá dài theo cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp và di chứng của nó cho đến bây giờ vẫn còn rơi rớt. Lâu nay, khi nói đến CCHC, chúng ta thường hay nói về việc tháo gỡ chủ trương, chính sách để làm thông thoáng hành lang pháp lý cho người sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động kinh tế - xã hội mà quên đi một yếu tố rất quan trọng. Đó là con người. Chỉ cần đặt một câu hỏi nhỏ đã thấy rõ tầm quan trọng của yếu tố con người trong CCHC nhà nước. Tại sao cũng một môi trường, cùng một chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà ngành này, địa phương này làm được, thực hiện tốt, còn ở ngành khác, địa phương khác lại không làm được? Rõ ràng vấn đề là ở quyết tâm của người đứng đầu cũng như thái độ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trước yêu cầu bức thiết của việc CCHC.

Càng ngày, hoạt động quản lý xã hội càng được quan tâm và thực hiện chặt chẽ hơn. Nhờ sự trợ giúp của công nghệ thông tin cộng với xu thế hội nhập, mở cửa, những mô hình hay ở các địa phương trong cả nước, thậm chí ở nước ngoài đã được đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh đi tham quan, học tập kinh nghiệm để về áp dụng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực trạng là ở nhiều nơi, không ít cán bộ, công chức được nhà nước trả lương để thực thi công vụ nhưng họ làm việc cứ như ban ơn. Vòi vĩnh “bôi trơn” không được thì họ tự đẻ ra các thủ tục không cần thiết để hành dân, hành doanh nghiệp. Câu chuyện cán bộ phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội làm khó dân khi cấp chứng tử hay chuyện Phó chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương phê “lý lịch xấu” cho một sinh viên tốt nghiệp đại học khi làm hồ sơ xin việc cho thấy sự lạm quyền của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng đa dạng, phức tạp và khó kiểm soát. Đó cũng là lý do để Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn việc CCHC. Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được xem như giải pháp hay khi tăng cường được khả năng giám sát của nhân dân đối với việc thực thi công vụ theo quy trình nghiêm ngặt. Và như thế, CCHC - về cơ bản là cải cách về tinh thần trách nhiệm, ý thức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu