Thứ 5, 25/04/2024 02:39:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:44, 12/05/2018 GMT+7

Cải thiện thu nhập từ trồng cây có múi

Thứ 7, 12/05/2018 | 09:44:00 409 lượt xem
BP - Mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây công nghiệp kém hiệu quả để trồng cây có múi, nhiều đoàn viên thanh niên ở ấp Bàu Cây Me, xã Thuận Phú (Đồng Phú) đã bước đầu thu lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện đời sống gia đình.

MẠNH DẠN CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG CHỦ LỰC

Dẫn chúng tôi tham quan vườn quýt đường 5 năm, anh Nguyễn Văn Sạn, đoàn viên Chi đoàn ấp Bàu Cây Me cho biết, cách đây hơn 5 năm, anh mua lại 2,5 ha điều. Do đất xấu, vườn điều già cỗi nên mỗi năm chỉ thu khoảng 1 tấn hạt, không đủ tiền công chăm sóc. Mùa mưa năm 2013, anh Sạn thay thế vườn điều bằng cây quýt đường. Đến nay, vườn quýt đường cho thu hoạch bình quân hơn 25 tấn/năm. Với giá bán trung bình 15 ngàn đồng/kg, gia đình anh Sạn thu về khoảng 350 triệu đồng mỗi năm.

Đoàn viên, thanh niên ấp Bàu Cây Me tham quan vườn cam sành của gia đình anh Hoàng Thanh Chiến (bìa trái)

Nói về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quýt đường, anh Sạn cho biết: “Để cây quýt phát triển tốt thì việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật rất quan trọng. Từ khâu phun thuốc, tưới nước cho cây quýt tôi đều đầu tư hệ thống tự động. Quýt đường thường bị nhiều loại sâu bệnh gây hại như nhện đỏ, bọ trĩ, bọ xít, sâu ăn lá, sâu đục thân, sâu vẽ bùa, sâu đục gốc, ruồi, sâu hại hoa, các loại bệnh nấm trên lá, thân, cành... Nếu muốn tránh rủi ro, nhà vườn cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh kịp thời và có biện pháp phòng tránh phù hợp”. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh hại thì sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Khi bón phân cho cây, cần kết hợp sử dụng thêm những loại phân chứa vi sinh vật có lợi nhằm cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết giúp cây sinh trưởng phát triển tốt. “Khi cây đang nuôi trái phải tưới đủ nước hằng ngày. Nếu cây cho nhiều trái nên tỉa bớt để tập trung dinh dưỡng nuôi trái to và đều. Muốn cây tiếp tục cho năng suất cao ở các vụ sau, thu hoạch xong người trồng phải vệ sinh vườn, bón phân và cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng, giúp cây phục hồi” - anh Sạn cho biết thêm.

Cũng như anh Sạn, năm 2013, anh Hoàng Thanh Chiến (1989) lập gia đình và được cha mẹ giao cho 8 sào đất trồng điều xen cà phê. Do vườn điều già cỗi, lại thiếu biện pháp chăm sóc khoa học nên năng suất thấp, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, anh Chiến cắt bỏ vườn điều để trồng cam sành. Sau 3 năm, hiện vườn cam của gia đình đã bắt đầu cho thu. Với năng suất gần 7 tấn, giá bán khoảng 16 ngàn đồng/kg, gia đình anh thu về gần 120 triệu đồng. Anh Chiến cho biết, cây cam thích nghi với mọi loại đất, dễ trồng và chăm sóc, từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch là 3 năm. “Muốn cam phát triển tốt, cho năng suất cao phải lựa chọn cây giống tốt, sạch bệnh từ các trại ươm cây giống uy tín, không nên mua giống cây trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Khi trồng cần kiểm tra bộ rễ của cây, theo dõi sự phát triển màu lá. Cây cam chủ yếu bị bệnh vàng lá nên phải theo dõi để xử lý kịp thời, đặc biệt phải phun thuốc định kỳ chủ động phòng ngừa các loại sâu bệnh” - anh Chiến nói.

Chị Trần Thị Thùy Trang, Bí thư Đoàn xã Thuận Phú cho biết: “Chi đoàn ấp Bàu Cây Me có 11 đoàn viên. Hiện tất cả đoàn viên trong ấp đều chuyển đổi vườn cây truyền thống kém năng suất qua trồng cây có múi. Bình quân mỗi đoàn viên có từ 0,8-2,5 ha đất. Thời gian qua, giá một số trái cây như cam, bưởi, quýt tuy có dao động nhưng so với cây điều, cao su, cà phê thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của đoàn viên ấp Bàu Cây Me bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực”.

VÀ NHỮNG TRĂN TRỞ

Qua tìm hiểu của phóng viên, phần lớn đoàn viên thanh niên ở ấp Bàu Cây Me đều cho rằng, việc trồng cây có múi đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, trong khi nhiều bạn trẻ phụ thuộc gia đình, một số bạn tự lập nhưng kinh tế còn khó khăn. “Để mở rộng và phát triển cây ăn trái có múi an toàn, bền vững, nhiều bạn trẻ mong được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các cấp, ngành” - anh Nguyễn Văn Sạn trăn trở.

Hiện nay, thanh niên trong ấp mong được tham gia các hình thức hợp tác liên kết như câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã... để được tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh bị thương lái ép giá, hướng tới xây dựng thương hiệu trái cây ấp Bàu Cây Me nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm, cạnh tranh lành mạnh với trái cây tại các vùng chuyên canh khác. “Đoàn xã sẽ phối hợp Hội Nông dân xã hướng dẫn đoàn viên thanh niên cách trồng và chăm sóc cây có múi để đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, Đoàn xã sẽ tranh thủ mọi nguồn vốn vay ưu đãi của các cấp, ngành để hỗ trợ tối đa cho đoàn viên thanh niên trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống” - chị Trần Thị Thùy Trang nói về sự trợ giúp của tổ chức đoàn trong thời gian tới đối với thanh niên làm kinh tế. 

X.Túc

  • Từ khóa
42703

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu