Thứ 4, 17/04/2024 00:44:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:03, 07/03/2019 GMT+7

Cầm cố, sang nhượng đất, vay nặng lãi ở Bù Gia Mập diễn biến phức tạp

Thứ 5, 07/03/2019 | 07:03:00 571 lượt xem
BP - Năm 2018, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập có 105 hộ cầm cố đất, với diện tích 166,8 ha, số tiền 16,952 tỷ đồng; 9 hộ bán đất, diện tích 10 ha, số tiền 2,775 tỷ đồng; 14 hộ bán điều non, diện tích 24 ha, số tiền 2,13 tỷ đồng; 25 hộ vay nặng lãi, 1,678 tỷ đồng. Theo lãnh đạo xã Bù Gia Mập, số liệu thống kê nêu trên chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Thực tế còn rất nhiều hộ với những cách thức khác nhau và tình trạng cầm cố, sang nhượng đất, vay nặng lãi đang diễn biến phức tạp. “Khi cán bộ xã đến điều tra, thống kê thì họ giấu kín nhưng lúc xảy ra tranh chấp hợp đồng thầu khoán, vay tài sản thì lại nhờ xã đứng ra giải quyết” - Phó chủ tịch UBMTTQVN xã Bù Gia Mập Điểu Chót cho biết.

Nghèo vì cầm cố, bán đất

Trước đây, nguồn thu nhập chủ yếu nuôi sống gia đình bà Thị Pang (1966), ngụ thôn Bù Nga từ 6 sào đất vườn. Do cần tiền mua sắm và trả nợ nên năm 2010 gia đình bà đã bán hết đất. Từ đó đến nay, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo “bền vững” vì không có đất sản xuất và việc làm ổn định. Hiện tài sản gia đình ngoài căn nhà xập xệ lợp tôn, rộng khoảng 50m2 thì không có gì đáng giá. Bà có 8 người con, trong đó 6 người đã lập gia đình ra ở riêng, còn 2 con gái đang ở chung với mẹ. Các con của bà chỉ học hết lớp 5 rồi bỏ học đi làm thuê kiếm sống. Bà Thị Pang cho biết, dù lớn tuổi lại thường xuyên đau ốm, bệnh tật nhưng vẫn phải đi làm thuê để kiếm sống.

Tương tự, bà Thị Hơ (1948), ngụ thôn Bù La, trước đây thuộc hộ khá giả do có 6 ha đất trồng điều cạnh đường trục chính của xã. Năm 1996, bà bán 3 ha đất lấy tiền chữa bệnh cho chồng. Đến năm 2011, cần tiền nên bà bán 3 ha điều non còn lại với số tiền 30 triệu đồng/năm, thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, chưa hết 1 năm thì bà sang nhượng toàn bộ diện tích đất để lấy tiền chữa bệnh cho chồng và trả nợ. Từ đó đến nay, bà Thị Hơ thuộc hộ nghèo và phải ở nhờ nhà con gái.

Lãnh đạo xã Bù Gia Mập và đại diện Ban điều hành thôn Bù La đến tìm hiểu hoàn cảnh gia đình bà Thị Hơ

iệu trưởng Trường THCS Bù Gia Mập Vũ Ngọc Sinh cho biết, việc cầm cố, sang nhượng đất, vay nặng lãi trong đồng bào cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ học, đi học không chuyên cần của học sinh, khiến thầy cô rất vất vả trong vận động các em đến lớp. Đơn cử như em Điểu Tư, lớp 6A3, con ông Điểu B Ló (1967), ngụ thôn Đắk Á, sau đợt nghỉ tết Nguyên đán vừa qua chưa đi học lại. Khi nhà trường vào nhà vận động thì được biết, gia đình có 2,3 ha điều nhưng đã cầm cố lấy 120 triệu đồng trong thời hạn 5 năm. Mất nguồn thu nhập nên gia đình không có tiền mua gạo và sửa xe cho con đi học.

Đến các vụ tranh chấp...

Những năm gần đây, tình trạng tranh chấp hợp đồng thầu khoán vườn điều, vay tài sản trên địa bàn xã Bù Gia Mập diễn ra phức tạp. Mỗi năm có khoảng 15 vụ, riêng từ đầu năm đến nay có 5 vụ tranh chấp nhờ xã đứng ra giải quyết. Khi có đơn, UBND xã thành lập tổ hòa giải theo lĩnh vực. Tổ phối hợp với MTTQ, các đoàn thể xã và cấp ủy, ban điều hành thôn xác minh, tổ chức hòa giải. Kết quả có khoảng 70% số vụ hòa giải thành.

Do mất mùa điều nên không có khả năng trả nợ ngân hàng, năm 2017 hộ ông Điểu Len (thôn Bù Rên) và hộ ông Điểu Truan (thôn Bù Nga) đã sang nhượng vườn điều của gia đình để trả nợ. Trong khi diện tích này đã cho người khác thầu từ năm 2014 (thời hạn 10 năm). Đầu năm 2019, bên nhận chuyển nhượng và bên thầu khoán xảy ra tranh chấp. UBND xã mời các bên liên quan đến hòa giải và vừa qua đã hòa giải thành.

Có 6 ha đất nhưng nay bà Thị Hơ ở thôn Bù La, xã Bù Gia Mập phải đi ở nhờ nhà con gái vì bán hết đất

gày 15-5-2017, ông Điểu Beo vay bà Vũ Thị Nhài (ngụ cùng thôn Bù Nga) 170 triệu đồng, thời gian trả nợ 1 năm với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu/tháng (tổng 850 ngàn đồng lãi vay/tháng). Việc vay tiền hai bên thỏa thuận thế chấp 3 ha điều tại Khoảnh 10, Tiểu khu 36. Trong khi diện tích này ông Beo đã cho người khác thầu từ trước. Đến hạn, ông Beo không có tiền trả nợ nên bà Nhài vào vườn điều 3 ha canh tác và đã xảy ra tranh chấp với người thầu vườn. Để giải quyết vụ việc, ông Điểu Beo làm đơn đề nghị UBND xã can thiệp nhưng không thành nên UBND xã hướng dẫn các bên khởi kiện tại tòa.

Năm 2017, ông Điểu Mách (thôn Bù Nga) thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) diện tích 5,8 ha để vay ngân hàng 700 triệu đồng. Đến hạn trả nợ, ông Mách đã vay nóng 750 triệu đồng. Sau khi trả nợ, ông rút sổ đỏ ra và xin vay lại nhưng không được do chưa đo đạc chính quy. Ông Mách được con gái ruột là chị Thị Nhung (1987) giới thiệu vay 1,5 tỷ đồng của ông Lê Văn Tuấn ở phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài. Trong thời gian này, ông Mách có ký các giấy tờ liên quan đến diện tích 5,8 ha và đã giao sổ đỏ cho ông Tuấn giữ. Sau khi vay, ông Mách cho rằng chỉ nhận được 250 triệu đồng, số tiền còn lại do bà Vũ Thị Vân ở thị xã Phước Long giữ. Qua quá trình làm việc, chị Nhung cho biết, số tiền nói trên bà Vân đã trừ vào số nợ chị Nhung vay bà Vân trước đó. Qua làm việc, ông Tuấn cung cấp: Ông Mách và vợ là Thị Êng đã làm thủ tục chuyển nhượng diện tích 5,8 ha cho ông Tuấn tại Văn phòng công chứng Bình Phước (Đồng Xoài). Đầu năm 2019, ông Tuấn cho người vào vườn điều thu hoạch thì xảy ra tranh chấp với ông Mách.

Không có chế tài xử lý

Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Phạm Sỹ Hoàn cho biết, thời gian qua giá các mặt hàng nông sản bấp bênh, sâu bệnh, mất mùa nên người dân không có tiền để trang trải cuộc sống; một số hộ có thói quen ăn chơi, mua sắm, làm nhà, trả lễ cưới vợ... nên bị một số đối tượng dụ dỗ. Các đối tượng bằng mọi thủ đoạn tinh vi, cho các hộ này vay tiền, thiếu nợ với cách tính lãi cao. Khi đòi nợ không có tiền trả thì xiết đất. Tình trạng này diễn ra nhiều, diễn biến phức tạp là do chính quyền xã không có chế tài xử lý, vì tài sản thuộc quyền sở hữu của các hộ dân. Khi cầm cố, sang nhượng đất, vay nặng lãi, bán điều non không nhờ cán bộ xã tư vấn mà giấu kín vì sợ không thực hiện được, chỉ khi xảy ra tranh chấp các hộ mới nhờ xã giải quyết. Trên thực tế, hầu hết các trường hợp bán điều non, cầm cố đất, vay nặng lãi đều giao dịch miệng hoặc viết tay, không có xác nhận của chính quyền địa phương nên không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Các chủ nợ cho vay lợi dụng đồng bào không biết chữ nên trên giấy tờ vay thường ghi lớn hơn số tiền thực nhận và thỏa thuận số tiền vay - trả giữa hai bên mà không ghi lãi suất nhằm lách luật.

Và những giải pháp

Nhằm hạn chế tình trạng này, UBND xã Bù Gia Mập đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 3-7-2017 của UBND tỉnh về tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, tại các cuộc họp, hội nghị cấp xã và thôn, xã đều lồng ghép mời già làng, người có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng thôn đến để tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc cầm cố, sang nhượng đất, vay nặng lãi; thông qua đó kịp thời thông báo rộng rãi để người dân cảnh giác về phương thức, thủ đoạn của một số đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm trục lợi bất chính. Đồng thời tăng cường quản lý các giao dịch mua bán điều non, vay tiền không thuộc hệ thống ngân hàng thương mại, cầm cố, bán đất có hoặc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Toàn xã Bù Gia Mập hiện có 1.597 hộ/7.030 người, trong đó 73% là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuối năm 2018, xã còn 243 hộ nghèo/997 người, chiếm 15,38%, giảm 0,59%; cận nghèo 205 hộ/905 người, chiếm 12,98%, giảm 2,46% so với năm 2017.

Xã còn xây dựng và triển khai các giải pháp giảm nghèo bền vững, như hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả; chú trọng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn... Năm 2018, UBND xã đã chỉ đạo ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức thăm vườn điều để kịp thời phát hiện và hướng dẫn nông dân cách phòng trừ; phối hợp các ngành chức năng của huyện mở 26 lớp tập huấn, hội thảo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh trên cây điều, hồ tiêu; triển khai mua phân bón trả chậm cho 8/8 thôn được 80 tấn...

“Toàn xã hiện có 2.400 ha điều và đây là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho nông dân. Năm qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên nên năng suất vụ điều 2019 dự kiến đạt từ 1,2-1,5 tấn/ha, tăng gấp đôi so với vụ mùa năm 2018. Nông sản được mùa nên việc thu ngân sách, các khoản đóng góp xây dựng nông thôn mới, chính sách giảm nghèo và đặc biệt là hạn chế tình trạng cầm cố, sang nhượng đất, bán điều non, vay nặng lãi sẽ có nhiều khả quan” - Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Phạm Sỹ Hoàn nói.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
94520

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu