Thứ 5, 18/04/2024 09:16:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:25, 16/08/2018 GMT+7

Cảm hóa bằng thơ

Thứ 5, 16/08/2018 | 14:25:00 204 lượt xem

BP - Vua Tự Đức trị vì đất nước từ năm 1847-1883. Trong quãng thời gian đó, có không ít biến cố lịch sử đã xảy ra. Triều đại của ông đánh dấu nhiều biến đổi vận mệnh của đất nước. Trong tài liệu chính sử về thời kỳ triều đại vua Tự Đức có đoạn chép lại dòng tâm sự của vua Tự Đức rằng: Bao nhiêu trận chiến, bao nhiêu kế sách, bao buổi thiết triều đều có thể nhẹ nhàng qua đi nhưng nỗi niềm làm ta phải trằn trọc nhiều đêm không yên giấc đó là vụ án Hồng Bảo. Đường đường là vua một nước mà có lúc cũng phải yếu mềm trước một tội đồ, khi không muốn sự bất an để lại trong lòng muôn dân.

 Nguyễn Hồng Bảo (còn có sách chép là Nguyễn Phước Hồng Bảo) là con trai trưởng của vua Thiệu Trị và quý phi Đinh Thị Hạnh. Nguyễn Phúc Hồng Nhậm - tức vua Tự Đức là con thứ hai. Theo lệ thường thì Hồng Bảo sẽ được lập ngôi thái tử và nối dõi ngai vàng. Nhưng từ nhỏ, Hồng Bảo chỉ ham chơi, không tu rèn kinh sử. Trong khi đó, người em trai Hồng Nhậm lại cần mẫn và có trí mưu cầu việc lớn. Thế nên trước khi băng hà, vua Thiệu Trị âm thầm lập di chúc truyền ngôi báu cho Hồng Nhậm. Quá bất mãn trước bản di chúc của vua cha, Hồng Bảo đã lập mưu đồ lật đổ em trai mình là vua Tự Đức. Sau khi lôi kéo nhiều bè phái, Hồng Bảo âm mưu sang phương Tây để cầu cứu thêm sự trợ giúp.

Minh họa: S.H

Điều tra chính xác việc này, vua Tự Đức đã “xử” Hồng Bảo bằng cách dùng 106 câu thơ nói về tính nhân nghĩa của đạo vua - tôi, của tình máu mủ để cảm hóa. 3 tên phản nghịch theo Hồng Bảo khi ấy là Trần Phúc, Lê Trùng, Nguyễn Lực cũng được vua Tự Đức cảm hóa bằng lòng nhân từ. Suốt buổi xử tội, ông đều dùng ngôn ngữ để khuyên răn. Không những thế, vua Tự Đức còn ban cho những người mắc sai lầm này không ít vàng bạc châu báu để cuộc sống ổn định và quay lại phục vụ triều đình.

Tuy đã được ân chuẩn, tha tội phản nghịch và ban cho bổng lộc nhưng vài năm sau đó, Hồng Bảo lại tiếp tục cùng các bè phái của mình mưu đồ lật đổ ngôi vua. Tự Đức lại tiếp tục dùng thơ để cảm hóa. Nhưng xét thấy, khó có thể cải tà quy chính được những phần tử này nên vua Tự Đức đã quyết định tru di tam tộc đối với các đại thần phản nghịch lần thứ hai. Riêng với Hồng Bảo thì không cho mang họ Nguyễn nữa, xem như không còn dòng dõi. Sau đó, ông cho xây riêng một ngục thất để nhốt Hồng Bảo suốt đời.

Về cách xử vụ án này, trong sách “Đại Nam thập lục” có đoạn ghi: Các quan trong triều đều muốn xử chém ngay nhưng vua Tự Đức vẫn dùng thơ để cảm hóa trước, không được mới quyết định xử sau. Đó là vào năm Giáp Dần (1854), Hồng Bảo không sửa chữa lỗi lầm mà còn lập mưu phản nghịch lần hai. Khi bị giam vào ngục đã thắt cổ tự vẫn. Con trai, con gái của Hồng Bảo đều bị tước hết bổng lộc, chức tước. Những kẻ dự mưu cùng Hồng Bảo như Tôn Thất Bật, Đào Trí Phú... không hối cải, vua đã cho ngồi đối thoại để nhận ra lỗi lầm nhưng vẫn lao vào bụi tối nên bị lăng trì xử tử, tịch thu mọi gia sản, nô tì...

  Và trong các vụ án sau đó, vua Tự Đức cũng dùng tình để cảm hóa phạm nhân. Khi ấy, Tôn Hải là một võ tướng cũng phạm tội phản nghịch. Nhưng không như các ông vua khác mang ra chém ngay mà vua Tự Đức gọi Tôn Hải đến dùng cơm cùng, sau đó bắt Tôn Hải phân tích rõ lý do phạm tội rồi mới xử. Tuy nhiên, trong các vụ xử này, có lẽ với Hồng Bảo là vua Tự Đức nhói buốt tâm can nhất, vì đó chính là anh ruột của mình.

Tự Đức còn để lại dấu ấn trong việc xử án nữa đó là tuyệt đối không phân biệt sang - hèn khi luận tội. Một trong những vụ án nổi tiếng là “Dân phá cửa quan”. Cậy là quan to trong triều, Nguyễn Lương Thành ra sức ức hiếp dân và còn phá nhiều hoa viên của các thương gia ven kinh thành. Kiện mãi không được, những người dân này bèn dùng đến kế phá lại nhà quan. Khi Nguyễn Lương Thành tính cấp tốc mang quân đến để trừng trị các vị dân sơ, vua Tự Đức biết chuyện đã hạ chỉ bộ Hình xử lý cho hai bên hòa nhau và ra cáo thị không được quấy nhiễu lẫn nhau nữa.

Lời bàn:

Trong các vua nhà Nguyễn, Tự Đức làm vua lâu nhất. Và trong quá trình trị vì đất nước, ông thường khuyên dạy bách quan trong triều rằng: “Ta nghĩ, chọn người phục vụ chính quyền, hãy tra sổ sách chép công cán. Cân nhắc tài năng để đặt vào địa vị, nên xét cái năng lực xử việc”. Điều đặc biệt nữa ở vua Tự Đức là trong nhiều vụ xử án, những bản tấu can gián kịp thời và chí lý của các viên quan được vua Tự Đức xem đó là một tiêu chí để đánh giá nhân tài. Và đây là bài học có giá trị cho hậu thế hôm nay. Bởi chỉ những người có bản lĩnh, hiểu lẽ phải mới dám đứng ra can gián nhà vua.

Thế nhưng xét về phương diện lịch sử, chúng ta thấy rõ vua Tự Đức là người thiếu tính quyết đoán nên đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Một người học rộng, hiểu sâu như vua Tự Đức mà không biết rằng các bậc anh hùng nước ta thành công trong việc chống xâm lăng đều dựa vào nhân dân. Xét về cục diện chiến tranh chống Pháp, Tự Đức chưa hề sử dụng lực lượng bất tận quý giá đó, lại quá vội vàng chấp nhận những điều kiện trái với nguyện vọng của dân, khiến đất nước rơi vào tay ngoại bang. Thật đáng trách thay!

ND

  • Từ khóa
110078

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu