Thứ 6, 26/04/2024 06:37:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:26, 16/12/2014 GMT+7

Cần cái tâm và quyết tâm của người đứng đầu

Thứ 3, 16/12/2014 | 09:26:00 117 lượt xem

BP - Ngày 20-11 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, có hiệu lực thi hành ngày 10-1-2015. Đây là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước được người dân mong đợi. Bởi vì bộ máy của chúng ta hiện nay quá cồng kềnh nhưng chất lượng, hiệu quả làm việc lại không cao. Tinh giản biên chế là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí, sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa qua, vấn đề tinh giản biên chế đã trở thành đề tài nóng khi các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về tình trạng “lạm phát cấp phó”, “bộ máy hành chính cồng kềnh”... Năm 2013, Bộ Nội vụ đã công bố báo cáo cho thấy sau 5 năm thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP, về chính sách tinh giản biên chế, tính đến năm 2012, tổng số biên chế cán bộ, công chức (không bao gồm viên chức và biên chế Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) từ trung ương đến cấp huyện tăng lên 388.480 người (tăng hơn 42.000 biên chế); cán bộ, công chức cấp xã tăng lên 257.675 người (tăng hơn 14.000 biên chế).

Tinh giản một người là việc không hề đơn giản, trừ khi họ mắc khuyết điểm nghiêm trọng phải xử lý kỷ luật. Còn nếu chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, làm việc làng nhàng, thậm chí chẳng làm được việc gì thì cũng không dễ xử lý. Nghị định lần này quy định rõ các đối tượng phải tinh giản biên chế, đồng thời cũng quy định cụ thể chính sách tinh giản biên chế như: Về hưu trước tuổi, chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước, thôi việc...

Một trong những nguyên tắc của tinh giản biên chế là phải bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; tránh tình trạng tình cảm, nể nang, thiên vị “con ông cháu cha”, “con anh cháu chú”. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền. Tinh giản phải đúng người, đúng chỗ, nghĩa là sắp xếp lại nhân sự theo hướng hợp lý hơn, người nào có trình độ mà bị phân công nhiệm vụ chưa phù hợp thì phải bố trí lại công việc. Người không đủ năng lực phải đưa ra khỏi bộ máy. Thông thường, chỉ những người năng lực kém mới cố gắng bám trụ bộ máy bằng mọi cách. Một khi đã tinh lọc được người có năng lực để chọn giữ lại thì phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng để họ chuyên tâm tiếp tục công tác. Nếu giải quyết được bài toán về lợi ích thì người giỏi, người có tâm huyết mới ở lại, còn không sớm muộn họ cũng “đội nón ra đi”.

Lâu nay, khó khăn lớn nhất trong tinh giản biên chế chính là quyết tâm thực hiện của người đứng đầu. Cơ chế, chính sách, thẩm quyền đã được ban hành. Vấn đề là họ có thực hiện hết trách nhiệm và thẩm quyền được giao hay không. Vì vậy, Nghị định 108 chỉ rõ, kết quả tổ chức triển khai thực hiện tinh giản biên chế được gắn với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.                        

 Chính Trực

  • Từ khóa
108434

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu