Thứ 6, 29/03/2024 12:56:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:21, 17/11/2017 GMT+7

Cần cân nhắc khi đầu tư trồng dưa lưới

Thứ 6, 17/11/2017 | 06:21:00 4,457 lượt xem
2 năm trở lại đây, dưa lưới rất được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Giá bán loại dưa này cao nên nhiều nông dân trong tỉnh đầu tư trồng. Tuy nhiên một số chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi trồng dưa lưới nhằm tránh thiệt hại về sau.

HIỆU QUẢ TỨC THỜI

Theo các chuyên gia nông nghiệp, một vụ dưa lưới từ lúc trồng đến khi thu hoạch 65-75 ngày, ước tính mỗi năm có thể trồng được 4 vụ. Trong đó, mùa khô trồng từ 2.500-2.700 cây/1.000m2; mùa mưa trồng từ 2.200-2.500 cây/1.000m2. Với mật độ này trọng lượng đạt từ 1,5-2kg/trái, cho năng suất hơn 3 tấn trái/1.000m2.

Với giá bán hiện nay từ 30-35 ngàn đồng/kg nông dân sẽ nhanh lấy lại vốn đầu tư ban đầu. Nắm bắt nhu cầu thực tế đó, nhiều nông dân trong tỉnh đã đầu tư trồng dưa lưới và bắt đầu có lời.

Ông Nguyễn Hữu Thọ ở xã Thanh Phú (Bình Long) chia sẻ cách trồng dưa lưới đạt năng suất cao

Là người thành công trong trồng dưa lưới, ông Nguyễn Hữu Thọ ở xã Thanh Phú (Bình Long) cho biết: “Năm 2016, tôi đầu tư thuê công ty tư vấn, xây dựng 6 sào nhà màng hiện đại để trồng dưa lưới. Sau thời gian chăm sóc, vườn dưa của gia đình cho kết quả tốt, bình quân mỗi vụ thu về 50 triệu đồng/sào sau khi trừ chi phí”. Ông Thọ tính toán, chỉ sau 18 tháng trồng sẽ thu hồi lại vốn và có lời.

Thấy trồng dưa lưới đem lại hiệu quả kinh tế nên đầu năm 2016, anh Lê Anh Đức ở ấp 5, xã Tân Quan (Hớn Quản) mạnh dạn vay vốn đầu tư 600m2 trồng dưa lưới. Sau gần 3 tháng trồng, vườn dưa cho thu hoạch hơn 2 tấn, thu 65 triệu đồng, lợi nhuận gần 40 triệu đồng. Thấy hiệu quả, anh Đức và anh trai tiếp tục mở rộng thêm 3.000m2 để trồng dưa lưới.

...NHƯNG VỐN LỚN, TAY NGHỀ CAO

Để có vườn dưa lưới đạt năng suất cao, cho thu nhập ổn định thì nông dân phải bỏ ra số tiền rất lớn, từ 300-500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng cho 1.000m2. Bên cạnh đó, muốn có sản phẩm dưa lưới đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thì kỹ thuật trồng loại cây này rất tỉ mỉ.

Ông Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ: “Để có 6 sào dưa lưới cho thu nhập cao như hiện nay, gia đình tôi đã đầu tư gần 2 tỷ đồng làm hệ thống nhà màng, tưới nước tự động và giống. Không những tiền đầu tư ban đầu cao mà công chăm sóc cũng quyết định “thành - bại” của việc trồng dưa lưới. Do đó, để vườn dưa phát triển tốt, đạt năng suất cao, trước khi trồng cần xới đất, phơi nắng, bón phân hữu cơ đã ủ hoai mục khoảng 2-3 tuần thì xuống giống. Đất làm thành luống, mỗi luống rộng 1,2m, đường đi 1m. Mỗi luống trồng 2 hàng với mật độ 40x40cm, khoảng 1.500 cây/1.000m2. Mặt luống phủ màng ni-lon để ngăn cỏ dại và giữ ẩm. Khoảng 10 ngày sau khi trồng cần chú ý các bệnh như: nấm, thối rễ, héo lá, nhũn thân. Khi cây đậu trái thì chọn một trái đạt yêu cầu để lại, các trái còn lại cắt bỏ; kết hợp cắt chồi, tỉa lá gốc ở độ cao khoảng 70-80cm so với mặt đất tạo sự thông thoáng cho gốc dưa. Mỗi ngày tưới nước 4 lần bằng hệ thống tưới tự động nhỏ giọt với liều lượng 1 lít/cây”.

Anh Đức cho biết thêm: “Nếu ít vốn thì khó mà đầu tư trồng dưa lưới. Bên cạnh đó, cần chăm sóc vườn dưa tỉ mỉ, nhất là phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Thay vì sử dụng phân bán sẵn trên thị trường, tôi tự ủ vỏ cây cao su làm giá thể. Loại vỏ cây này có rất nhiều ở Bình Phước, có độ ẩm tốt và chứa nhiều chất cần thiết cho cây dưa”.

 

chủ động vốn, kỹ thuật và làm chủ đầu ra

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Phước

Để hiểu rõ hơn, cũng như có cái nhìn khách quan về việc phát triển dưa lưới trên địa bàn tỉnh, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh.

* Bà đánh giá thế nào về thực trạng trồng dưa lưới hiện nay trên địa bàn tỉnh?

Việc trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh mới phát triển trong 2 năm trở lại đây. Ngoài mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã Nguyên Khang Garden ở xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài (khoảng 5 ha) tại Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì người dân cũng rất quan tâm đến việc trồng dưa lưới trong nhà màng với công nghệ cao. Hiện nay, Bình Phước đã phát triển được 8 ha dưa lưới cho thu nhập khá ổn định. Có những hộ trồng dưa trên giá thể, có hộ trồng trên đất, tùy theo quy trình kỹ thuật mà việc canh tác khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung việc sản xuất và tiêu thụ dưa lưới trên địa bàn tỉnh có khởi đầu rất khả quan, mang lại thu nhập tốt và đầu ra ổn định.

* Trung tâm Khuyến nông đã định hướng hỗ trợ gì về kỹ thuật cho người dân trong việc trồng dưa lưới thưa bà?

Trung tâm Khuyến nông được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ xây dựng mô hình trồng dưa lưới tại trại giống cây trồng và vật nuôi để xây dựng quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới chuyển giao cho nông dân, đồng thời kết nối doanh nghiệp để hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hiện Bình Phước đã hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa lưới của một số hộ. Công ty TNHH nông sinh Khang Nguyên (TP. Hồ Chí Minh) cũng đã liên kết để hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Để sản xuất dưa lưới đạt chất lượng, người dân cần chủ động về vốn (đầu tư công nghệ cao, chi phí đầu vào cao), kỹ thuật, nhân công và phải sản xuất theo hợp đồng với các công ty bao tiêu sản phẩm. Người dân có ý định trồng dưa lưới thì liên hệ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để được tư vấn và hỗ trợ trực tiếp.

THẬN TRỌNG KHI ĐẦU TƯ

Anh Phạm Song Quyền, cán bộ phụ trách kỹ thuật và thị trường Công ty TNHH nông sinh Khang Nguyên, TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện thị trường có nhiều thông tin không chính xác về việc xuất khẩu dưa lưới (chủ yếu bày bán ở trong nước - PV), khiến nhiều người đầu tư, dẫn đến nguy cơ trong tương lai cung sẽ vượt cầu. Do đó, nếu chúng ta không kiểm soát tốt việc mở rộng diện tích, một khi sản lượng quá nhiều, đồng thời các nhà đầu cơ bung hàng sẽ làm cho giá dưa lưới trên thị trường giảm và người nông dân gánh chịu thiệt hại trước tiên. Bên cạnh đó, do loại trái cây này mới du nhập vào Việt Nam được gần 2 năm nay nên một số nông dân chưa nắm vững kỹ thuật, đặc tính của cây, nhất là chưa tham khảo những giống dưa lưới chủ yếu nhập hạt ở nước ngoài về. Mặt khác, một số hộ còn làm theo phong trào, chưa quan tâm đầu tư về con người, cơ sở hạ tầng, dẫn đến gây khó khăn cho sản xuất và mua bán.

Anh Quyền cho rằng, để có thị trường dưa lưới ổn định cần sự liên kết của “4 nhà” gồm: nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông. Đồng thời, để tăng hiệu quả trên cùng diện tích đất thì người nông dân nên kết hợp trồng loại cây khác như rau, dưa leo... tránh lãng phí tài nguyên đất.

Trồng dưa lưới là hướng đi mới giúp nông dân có điều kiện tăng thu nhập. Tuy nhiên không vì thế mà chạy theo phong trào, nông dân phải tìm hiểu thật kỹ trước khi trồng để tránh hậu quả về sau. Bài học về cây dó bầu, cây hông (polyme), tiêu và nhiều loại nông sản khác vẫn còn nguyên giá trị.

Trường Giang

  • Từ khóa
42236

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu