Thứ 6, 29/03/2024 14:28:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:03, 06/06/2014 GMT+7

HƯỞNG ỨNG THÁNG DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON

Cần sự chung tay trong phòng chống lây truyền

Thứ 6, 06/06/2014 | 08:03:00 193 lượt xem
BP - Mỗi năm Bình Phước có khoảng 20 ngàn phụ nữ mang thai. Với tỷ lệ lây nhiễm HIV 5%o sẽ có gần 100 phụ nữ mang thai nhiễm HIV và cho ra đời từ 20 đến 30 trẻ nhiễm HIV. Nếu không có sự can thiệp của chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con thì đây sẽ là gánh nặng, nỗi bất hạnh không chỉ cho gia đình mà cả xã hội.

THỰC TRẠNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON

Hiện 10/10 huyện, thị trong tỉnh đều có người nhiễm HIV/AIDS. Đến hết tháng 3-2014, Bình Phước có 2.385 người nhiễm HIV, 778 bệnh nhân AIDS và 217 ca đã tử vong. Riêng 3 tháng đầu năm phát hiện mới 32 trường hợp nhiễm HIV, 19 bệnh nhân AIDS và 21 ca tử vong.


Học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn thị xã Đồng Xoài tham gia mít tinh phòng chống HIV/AIDS

Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Bùi Văn Linh cho biết: Đáng ngại nhất là tình trạng người nhiễm HIV từ nơi khác đến hoặc không rõ lai lịch. Những đối tượng này rất khó quản lý vì không có hộ khẩu tại địa phương và thường xuyên di chuyển nên nguy cơ lây truyền sang các đối tượng khác rất cao. Để giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV, hiện công tác tuyên truyền vẫn là yếu tố trọng tâm. Về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong tháng cao điểm năm 2013, đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên, y tế thôn bản và cán bộ làm công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em - kế hoạch hóa gia đình đã tuyên truyền trực tiếp cho 977 người. Trung tâm còn cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai đến khám tại các cơ sở y tế; cấp phát hàng ngàn tờ rơi, sách; phát sóng 200 lần các thông điệp trên sóng phát thanh - truyền hình...

Theo ông Bùi Văn Linh, lây truyền từ mẹ sang con là 1 trong 3 đường lây truyền chính của HIV. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm 35-40% (cứ 100 phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ sinh ra 35-40 trẻ nhiễm HIV). Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Bình Phước đã có hàng trăm trẻ em nhiễm HIV được sinh ra. Nếu 100% phụ nữ mang thai được xét nghiệm phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV thì tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con sẽ giảm còn 2-8% và có thể là 0%. Hiểu được ý nghĩa của chương trình, nhiều bà mẹ chủ động đi khám sàng lọc bệnh. Từ đầu năm 2013 đến hết quý 1/2014, 68 xã, phường, thị trấn có hoạt động xét nghiệm cho phụ nữ mang thai lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã xét nghiệm, sàng lọc HIV cho 114.820 phụ nữ mang thai, qua đó đã phát hiện 16 trường hợp nhiễm HIV. Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã sinh con và 100% số trẻ đều được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

KHÓ KHĂN TRONG THỰC HIỆN MỤC TIÊU

Chủ đề năm nay vẫn là “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015”. Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó thực hiện, bởi ngoài việc đẩy mạnh công tác thông tin - giáo dục truyền thông, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS còn xây dựng đội ngũ đồng đẳng viên trong các nhóm nguy cơ cao và đội ngũ cán bộ chuyên trách; xây dựng các mô hình tuyên truyền, tư vấn xét nghiệm HIV lưu động... Trung tâm còn củng cố và duy trì hệ thống chuyển tuyến và chuyển tiếp cho các bệnh nhân từ các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn về các cơ sở điều trị và chuyển về xã, phường những bệnh nhân đã điều trị ổn định để theo dõi, chăm sóc. Trong khi nguồn kinh phí cung cấp cho chương trình hạn hẹp nên chế độ cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở bị cắt giảm.

Chị Phạm Thị Hồng, cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh) nói: Là xã có đông người từ nơi khác đến làm kinh tế, trong đó không ít đối tượng nghiện hút và gái bán dâm. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều thanh niên địa phương tụ tập hút chích, chơi bời và bị lây nhiễm HIV. Mặt khác, người dân ở đây vẫn còn e ngại khi được cấp phát bao cao su hoặc bơm kim tiêm sạch sử dụng. Để nâng cao ý thức người dân, chúng tôi phải đến từng nhà, nêu rõ tác hại cũng như thực hiện các biện pháp hạn chế lây truyền.

Theo chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ chuyên trách xã Lộc Thái (Lộc Ninh), hiện số người nghiện ma túy trên địa bàn ngày càng đông, chủ yếu thanh niên và đã có không ít trường hợp tử vong trong vài năm qua. Muốn làm tốt công tác này phải vừa tuyên truyền, vừa làm test phát hiện HIV để người dân thấy rõ hiệu quả của chương trình. Tuy nhiên, thời gian qua số test cấp phát rất hạn chế, có thời điểm không có nên hiệu quả giảm đi đáng kể. Gần một năm nay, hai chị không được nhận tiền phụ cấp (200 ngàn đồng/tháng), nhưng các chị vẫn kiên trì và gắn bó với công việc.

“Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, chúng tôi rất cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Nhất là sự phối hợp thống nhất từ tỉnh đến huyện, thị và các xã, phường, thị trấn trong triển khai các chương trình dự phòng lây nhiễm. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân về gói dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Những cán bộ làm công tác này cần có chế độ đãi ngộ hợp lý, giúp họ gắn bó với công việc; đồng thời thường xuyên tập huấn, nâng cao kiến thức phòng, chống AIDS cho cán bộ làm công tác chuyên môn...” - ông Bùi Văn Linh đề nghị.   

L.P

  • Từ khóa
49232

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu