Thứ 6, 29/03/2024 20:18:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:41, 05/12/2019 GMT+7

Cần chính sách, quy hoạch để bảo vệ tài nguyên đất

Thứ 5, 05/12/2019 | 06:41:00 2,540 lượt xem
BP - “Đất là cơ thể sống, nó cũng có hô hấp nhưng đang bị khai thác quá mức và ngày càng thoái hóa nghiêm trọng. Bình Phước không nằm ngoại lệ đó. Tuy nhiên, Bình Phước là địa phương sở hữu nhiều nhất cả nước về diện tích đất đỏ bazan, chỉ nhìn màu đất thôi đã thấy đẹp. Nhờ khí hậu và gió mùa mà ngay cả đất xám vàng của Bình Phước cũng không thua kém gì đất đỏ bazan ở các tỉnh Tây Nguyên” - tiến sĩ Phạm Quang Khánh, Phó chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam nhận định.

“CHẨN ĐOÁN” TÀI NGUYÊN ĐẤT

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Quang Khánh, 70% tài nguyên đất của Bình Phước được sử dụng sản xuất nông nghiệp. Vì chạy theo năng suất cây trồng mà con người dùng phân bón hóa học cùng với hóa chất bảo vệ thực vật khiến đất trơ trọi, thoái hóa ngày càng nghiêm trọng. Lúc mới tách tỉnh, Bình Phước có 154 ngàn héc ta đất chưa sử dụng. Đến năm 2018, Bình Phước đã không còn đất chưa sử dụng. Quỹ đất sử dụng chính cho sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng 64% trong cơ cấu chung với tổng diện tích 439.556 ha. Đất lâm nghiệp hiện còn 171.783 ha, chiếm 25%. 3% rừng giàu xuống còn 2% rừng trung bình. Trong quỹ đất sản xuất nông nghiệp, cây công nghiệp lâu năm như cao su, điều và hồ tiêu chiếm ưu thế gần như tuyệt đối (97,1%), với tổng diện tích 426.644 ha. Đồng hành với quá trình phát triển kinh tế, xã hội là sự phát triển dân số, nông nghiệp và công nghiệp đã tạo nên áp lực tác động gây ô nhiễm và suy thoái tài nguyên đất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện chỉ có 27,66% diện tích tài nguyên đất ở mức không xói mòn, suy thoái. Trong khi đó có tới 51,81% suy thoái nhẹ, 18,54% suy thoái trung bình và 1,99% suy thoái nặng.

Ứng dụng nông nghiệp hữu cơ và đa dạng hóa cây trồng trên cùng đơn vị diện tích canh tác là giải pháp hiệu quả cải tạo đất, đảm bảo môi sinh

Giáo sư, tiến sĩ Mai Văn Quyền, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật Công ty CP Bình Điền, cho biết. Những năm cây cà phê, hồ tiêu có giá cao, người dân Tây Nguyên và Bình Phước bất chấp mọi khuyến cáo của các nhà khoa học cứ ào ào đổ phân bón cùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để chạy theo năng suất, nhất là phân bón có sử dụng lưu huỳnh (S) cao không chỉ làm giảm chất hữu cơ trong đất mà còn khiến đất trở nên chua và “có vấn đề”.

Đất tỉnh Bình Phước chia thành 6 nhóm với 11 loại đất. Trong đó, nhóm đất đỏ vàng có diện tích lớn nhất với 551.157 ha (80,21%); kế đến là nhóm đất xám 90.742 ha (13,21%); nhóm đất dốc tụ 20.580 ha (3%); nhóm đất đen 1.766 ha (0,26%); nhóm đất phù sa 832 ha (0,12%) và nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá 273 ha (0,04%).

Trước đây chỉ có các nhà khoa học nói với nhau, còn bây giờ đã được luật hóa cho việc điều tra, đánh giá chất lượng tài nguyên đất, hay nói cách khác là phải chẩn đoán bệnh cho đất. Hiện tượng hồ tiêu của Bình Phước chết hàng loạt trong những năm gần đây chưa hẳn là do bệnh mà có thể do “sức khỏe” của đất đã cạn kiệt. Bình Phước cần phải có lời giải cho bài toán dinh dưỡng của từng đối tượng cây trồng trên từng loại đất cụ thể. Loại cây nào, đất nào dùng cho sản xuất hữu cơ hoặc hữu cơ kết hợp vô cơ một cách rõ ràng. Mỗi năm, cả nước có tới hàng trăm ngàn héc ta đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp. Dĩ nhiên Bình Phước cũng không ngoài quy luật chung đó” - tiến sĩ Phạm Quang Khánh nhận định.

“PHẪU THUẬT” TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN

“Vùng đất đỏ bazan trẻ ngay tại khu trung tâm tỉnh, bao gồm cả thành phố Đồng Xoài và một phần của huyện Đồng Phú cũng đã bị “cao su hóa” gần hết. Do vậy, việc bảo vệ tài nguyên đất phải được ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Trước mắt, Bình Phước cần tổ chức quan trắc, đánh giá thường xuyên tài nguyên đất, nguồn nước, nhất là đất nông nghiệp để đưa ra giải pháp kịp thời. Các nhóm giải pháp bảo vệ tài nguyên đất nông nghiệp phải được thực hiện đồng bộ, không thể tách rời với các nhóm giải pháp khác. Trong đó, giải pháp về chính sách, quy hoạch là then chốt, cơ bản cần được ưu tiên thực hiện ngay để tạo tiền đề cho các nhóm giải pháp khác phát huy hiệu quả” - tiến sĩ Phạm Quang Khánh đề xuất.

“Trồng cây ăn trái trong vườn cà phê, tiêu là giải pháp tốt nhất không chỉ giúp cải tạo đất mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế. Bón phân thích hợp, sử dụng chế phẩm cải tạo đất, diệt vi sinh gây bệnh, phân nhả chậm có kiểm soát và phân hữu cơ, xác bã thực vật. Mỗi héc ta cà phê, tiêu chỉ cần trồng xen 80 cây sầu riêng là giúp nhà nông tăng thu cả tỷ đồng/năm. Nếu không có phân hữu cơ thì sử dụng phân chuồng thay thế là hợp lý nhất. GDP trong nông nghiệp chủ yếu là vấn đề này, sau này con cháu không trách móc chúng ta” - giáo sư, tiến sĩ Mai Văn Quyền đưa ra giải pháp cải tạo đất.

Tiến sĩ Phạm Quang Khánh báo cáo thực trạng tài nguyên đất tỉnh Bình Phước tại Hội thảo khoa học “Định hướng nghiên cứu sử dụng bền vững tài nguyên đất” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trong một thời gian dài, chúng ta đã trả giá đắt cho việc chạy theo năng suất cây trồng mà ai cũng thấy rõ. Cái mừng của Bình Phước là diện tích cây công nghiệp nhiều nên chưa bị ô nhiễm hoặc mức độ ô nhiễm chưa đáng kể. Trong điều kiện phát triển kinh tế đi kèm với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa đã đến lúc Bình Phước phải xây dựng hồ đập để tích lũy nguồn nước phục vụ môi sinh trước khi quá muộn. Sớm triển khai chương trình “hữu cơ hóa” trong canh tác nông nghiệp để giảm dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Đây là giải pháp mang tính lợi thế của Bình Phước, vì môi trường chưa bị ô nhiễm nặng. Việc ứng dụng phân bón nano, chế phẩm sinh học thế hệ mới vào sản xuất nông nghiệp đã được các nước tiên tiến sử dụng trong nhiều thập niên qua và mang lại hiệu quả kinh tế lẫn môi sinh khá lý tưởng. Tiếc thay là nền nông nghiệp của chúng ta đang mới manh nha hình thành. Thạc sĩ Thân Quốc An Hạ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu đã và đang làm cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo của chúng ta đang bị lung lay. Xu thế mưa đá, lũ lụt, nắng nóng cục bộ xuất hiện ngày càng nhiều đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp lẫn việc phát triển kinh tế, xã hội. Trong khi đó, đặc thù của Bình Phước là tỉnh nông nghiệp nên sớm có giải pháp cải tạo và phục hồi quỹ đất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, cần ưu tiên các phương pháp canh tác hữu cơ, sinh học trong nông nghiệp để không chỉ hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững mà còn đạt hiệu quả kinh tế cao và an toàn với môi trường. Do vậy, nông nghiệp hữu cơ là giải pháp cấp thiết, đòi hỏi Bình Phước phải làm ngay.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
94654

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu