Thứ 6, 26/04/2024 19:16:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:34, 26/09/2018 GMT+7

Trao đổi

Cần chuẩn mực trong văn hóa tranh luận, phản biện

Thứ 4, 26/09/2018 | 08:34:00 1,440 lượt xem

BP - Một hiện tượng, một sự kiện xã hội hay một công trình khoa học... khi xuất hiện có thể đi ngược lại nếp nghĩ, thói quen của con người hay cả cộng đồng. Sự kiện đó sẽ gây ra những xáo trộn về tâm lý, dẫn đến những phản ứng trái chiều trong dư luận, nhất là sự kiện có tác động sâu rộng trong xã hội. Một người bạn hỏi tôi về sách Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Mặc dù là giáo viên dạy Ngữ văn, có ít nhiều kiến thức chuyên ngành ngữ âm, ngữ nghĩa tiếng Việt nhưng tôi trả lời rằng: Tôi chưa tìm hiểu kỹ nên không thể đưa ra nhận xét gì. Những ngày sau khi xuất hiện các cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng, khoan hãy nói là ủng hộ hay phản đối cuốn sách này, điều tôi quan tâm là cách phản ứng của dư luận đối với một công trình khoa học khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Bày tỏ chính kiến, quan điểm là quyền của mỗi cá nhân nhưng quyền này đang được sử dụng chưa đúng. Chưa rõ vấn đề nhưng có người vẫn bình luận theo “tâm lý đám đông”, hoặc đăng bài phân tích, nhận định không dựa trên quan điểm khoa học. Phản biện xã hội cần nghiêm túc, khách quan vì nguyên lý của sự phát triển là cái mới ra đời thay thế cái cũ. Cái mới hôm nay có thể đúng, phù hợp nhưng đến một thời điểm nào đó trong tương lai lại trở nên lạc hậu, lỗi thời. Đó là điều hết sức bình thường.

Tranh luận, phản biện để tìm ra chân lý, khoa học phải chân thành, trong sáng và tôn trọng lẫn nhau. Một công trình khoa học khi được mang ra mổ xẻ thì cũng cần tôn trọng danh dự, nhân phẩm của các nhà khoa học. Trở lại vấn đề sách Công nghệ giáo dục, đằng sau sự phản đối sách có thể có những kẻ lợi dụng sự việc để kích động, chia rẽ, phân biệt sách giáo khoa miền Bắc, miền Nam, với mục đích bảo vệ lợi ích nhóm về việc in sách giáo khoa như giáo sư Hồ Ngọc Đại đã tâm sự. Rất nhiều hình ảnh, clip được cắt ghép nhằm phản đối mang tính tiêu cực, gây hoang mang dư luận. Sau khi tìm hiểu kỹ về sách Công nghệ giáo dục, tôi thấy các hình vẽ “tròn, vuông, tam giác” chỉ là một phương pháp dạy học về cách phân biệt các âm tiết trong tiếng Việt. Theo tiến trình dạy ngữ âm, ngữ nghĩa, rồi đến văn phạm và cuối cùng tạo lập văn bản là xác lập một tư duy đúng đắn cho học sinh. Có nhiều người chỉ nhìn thấy bài đầu tiên của sách đã vội quy chụp là dạy học vẹt, dẫn đến tranh luận theo kiểu “thấy cây không thấy rừng”, thừa cảm xúc, thiếu lý lẽ. Chưa kể đến chiều sâu triết lý của toàn bộ chương trình giáo dục thực nghiệm này là “Giáo dục để trở thành chính mình, học tập là hạnh phúc”. Đây là tư duy rất tiến bộ. Bằng chứng là chương trình thực nghiệm này đã tồn tại suốt 40 năm với 800 ngàn lượt học sinh đã học nhưng nó không “chết”. Đa số những người học “chương trình thực nghiệm” rất hài lòng với phương pháp của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Còn vì sao nó vẫn chỉ là “chương trình thực nghiệm”, không trở thành đại trà thì có nhiều lý do ngoài yếu tố khoa học.

Vậy nên, định hướng dư luận trên không gian mạng luôn rất cần những người có chuyên môn hiểu biết sâu và có tâm trong sáng, không vụ lợi mới giúp cộng đồng có cái nhìn vấn đề đúng đắn, toàn diện. Với những vấn đề chưa rõ ràng, rất cần những chuẩn mực văn hóa trong tranh luận, tránh quy chụp, cực đoan thái độ gay gắt, lời lẽ khiếm nhã, phản cảm.

Ths. Vũ Văn Tuấn
Trường THPT Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập

  • Từ khóa
93740

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu