Thứ 6, 29/03/2024 00:10:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:56, 20/12/2017 GMT+7

Cần có bước đi phù hợp

Thứ 4, 20/12/2017 | 08:56:00 126 lượt xem

BP - Cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công có đủ điều kiện là một trong những chủ trương, chính sách lớn được đặt ra trong các nghị quyết, chương trình của Đảng và Nhà nước ta. Ngày 17-7-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Trong danh mục, lĩnh vực ngành có việc chuyển đổi các đơn vị đang thực hiện thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động... Việc chuyển hay không chuyển các trung tâm dịch vụ việc làm đang nhận nhiều ý kiến của dư luận, nhất là các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc sở lao động - thương binh và xã hội (LĐTB&XH) tỉnh, thành phố.

Việc cổ phần hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công sẽ làm giảm áp lực công việc, tập trung nguồn lực cho quản lý hành chính, làm cơ sở để tinh gọn bộ máy và biên chế hành chính. Đồng thời, phân định rõ chức năng phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước với chức năng cung ứng dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập, phát huy vai trò giám sát của người dân và xã hội. Đây cũng là một trong những nội dung chính của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, việc cổ phần hóa các trung tâm dịch vụ việc làm là thật sự cần thiết, cần sớm được thực hiện trong cả nước. 

Với trung tâm dịch vụ việc làm do UBND các tỉnh, thành phố thành lập, giao sở LĐ-TB&XH quản lý lại có những đặc thù riêng, trong đó có việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động - vấn đề đang “nóng” hiện nay. Khoản 3, Điều 38 Luật Việc làm và Điểm b, Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính phủ cũng quy định mỗi tỉnh cần phải duy trì 1 trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan nhà nước quản lý để thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn. Không chỉ thực hiện các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cùng với cả nước, hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước đang thực hiện các dịch vụ công về việc làm, điều tiết thị trường lao động trong tỉnh, trong đó có hỗ trợ việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, di cư... góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Công văn số 4823/LĐTBXH-VL của Bộ LĐ-TB&XH ngày 17-11-2017 cho biết, trong Điều 1 Công ước số 88 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng yêu cầu các nước thành viên phải duy trì hoặc bảo đảm việc duy trì dịch vụ việc làm công miễn phí, hợp tác với các cơ quan liên quan của nhà nước, tư nhân để tổ chức tốt nhất về thị trường lao động, đảm bảo duy trì việc làm đầy đủ cũng như phát triển, sử dụng nguồn lực có hiệu quả. Hiện hầu hết các nước trên thế giới đều duy trì, phát triển tổ chức việc làm công do nhà nước quản lý. Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất vẫn duy trì mô hình trung tâm dịch vụ việc làm thuộc sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố là đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc sắp xếp, cổ phần hóa các trung tâm dịch vụ việc làm là cần thiết, đúng chủ trương và định hướng mà các nghị quyết của Đảng đã ban hành, nhất là chúng ta đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Tuy nhiên, cũng cần tính đến những yếu tố đặc thù, có liên quan đến các chính sách an sinh xã hội, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và thông lệ quốc tế để có bước đi phù hợp, hiệu quả.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa
108780

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu