Thứ 6, 29/03/2024 17:18:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:45, 08/01/2015 GMT+7

Giải quyết nợ bảo hiểm xã hội: Cần có chế tài đủ mạnh

Thứ 5, 08/01/2015 | 09:45:00 125 lượt xem
BP - Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của các doanh nghiệp hiện khá phổ biến và đã trở thành “căn bệnh” khó chữa. Điều này không những ảnh hưởng đến quỹ thu BHXH mà quyền lợi trực tiếp của người lao động cũng bị hạn chế. Do chế tài chưa đủ mạnh nên khó xử lý nghiêm hiện tượng này.

Căn nguyên “từ đâu”

Năm 2014, tình hình suy giảm kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, kéo theo thu nhập người lao động không ổn định. Mặt khác, các doanh nghiệp còn lợi dụng tình hình này làm cớ trì hoãn việc nộp BHXH. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số nợ toàn tỉnh còn cao.

Khách hàng giao dịch tại BHXH tỉnh

Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 11-2014, tổng số nợ BHXH trên địa bàn tỉnh là 75.943 triệu đồng, giảm 9,24% so với cùng kỳ năm trước (5,37% so với kế hoạch thu). Trong đó, nợ BHXH 43.528 triệu đồng, nợ BHYT 32.415 triệu đồng. Điển hình, một số doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn và kéo dài như: Công ty TNHH KJ GLOVE nợ 36 tháng với số tiền trên 1,124 tỷ đồng, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Bình Phước nợ 34 tháng với số tiền trên 776 triệu đồng...

Ông Nguyễn Công Sơn,  Phó phòng Quản lý thu BHXH cho biết: “Nguyên nhân do kinh tế khó khăn chỉ là một phần, vấn đề then chốt của việc nợ đọng BHXH, BHYT ở một số doanh nghiệp chủ yếu là do họ cố tình kéo dài, lợi dụng vốn để phục vụ mục đích khác, bởi lãi suất chậm nộp BHXH thấp hơn so với lãi suất của ngân hàng mà không phải làm thủ tục vay”.

Trước thực tế như vậy, BHXH tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, nâng cao hơn nữa nhận thức của người lao động; tăng cường quản lý thu, xử lý thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT; đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp trích nộp đầy đủ, kịp thời theo quy định. BHXH tỉnh cũng đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh về việc lập đoàn thanh tra xử lý nghiêm các doanh nghiệp chây ỳ; đồng thời thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Cần có chế tài đủ mạnh

Theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì hành vi chậm đóng BHXH bị phạt 75 triệu đồng. Mặc dù mức phạt này đã tăng lên rất nhiều so với mức cũ tại Nghị định số 86/2010/NĐ-CP nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có số nợ BHXH lên đến hàng tỷ đồng.

Theo ông Sơn, với doanh nghiệp nợ hàng tỷ đồng tiền BHXH thì phạt mức 75 triệu đồng là không đáng kể, tính chất răn đe vẫn chưa thật sự đủ mạnh. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng mức phạt thấp để kéo dài, thậm chí chấp nhận bị phạt để chiếm dụng quỹ BHXH. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất nợ đọng BHXH, trong thời gian tới cần phải có chế tài mạnh hơn, tránh tình trạng một số doanh nghiệp tìm cách lách luật, không chấp hành.

So với những năm trước, năm 2014, tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH có giảm nhưng để chấm dứt nợ đọng BHXH là một “bài toán” nan giải. “Khó khăn lớn hiện nay đối với ngành BHXH là tình trạng các doanh nghiệp bị khởi kiện không tuân thủ đúng quy định. Theo thủ tục pháp lý, ngành BHXH khi khởi kiện một doanh nghiệp thì tất cả các giấy tờ, văn bản phải được chủ doanh nghiệp ký. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cố tình trì hoãn, gây khó khăn trong công tác khởi tố những hành vi vi phạm luật BHXH” - ông Sơn chia sẻ.           

Hà My

  • Từ khóa
50632

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu