Thứ 7, 27/04/2024 08:12:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:19, 05/11/2015 GMT+7

Cần có chiến lược cụ thể

Thứ 5, 05/11/2015 | 14:19:00 142 lượt xem

BP - Theo thống kê mới nhất, khu phố Xuân Bình, phường Tân Bình, TX. Đồng Xoài đã bê tông hóa 80% đường trong khu dân cư - thông tin được đăng trên Báo Bình Phước ra ngày hôm qua 3-11. Khu phố có trên 40% số hộ khá, giàu nên cũng sầm uất nhất thị xã. 80% bê tông hóa đường trong khu dân cư là tỷ lệ cao nhất ở thị xã Đồng Xoài, thậm chí trong toàn tỉnh. Đây không phải là một “sự kiện báo chí” khiến dư luận quan tâm nhưng nó đã nói lên rất nhiều điều đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách và với cả cộng đồng dân cư.

80% đường được bê tông hóa và “điều kiện đi kèm” là trên 40% số hộ khá, giàu chắc chắn là con số mơ ước của tất cả khu dân cư trong toàn tỉnh. Bởi lẽ, ngay tại trung tâm Đồng Xoài cũng như hai thị xã Bình Long, Phước Long, những đoạn đường đất, sỏi đỏ vẫn quen thuộc với người dân. Còn ở 8 huyện khác trong tỉnh, đặc biệt là vùng nông thôn, đường bê tông vẫn còn là điều xa lạ với cộng đồng dân cư.

Tỉnh Thái Bình - nơi Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cùng đoàn công tác của Bình Phước vừa đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới (NTM) - có dân số gấp khoảng 2 lần, diện tích tự nhiên bằng khoảng ¼ Bình Phước. Nhưng những năm qua, thu thuế của Thái Bình tương đương Bình Phước, dao động khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng, song Thái Bình hiện đã có 85 xã và đến cuối năm 2015 có thêm 80 xã với 1 huyện đạt chuẩn NTM, nâng tổng số đạt chuẩn lên 165/267 xã toàn tỉnh và dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng NTM trước năm 2020. Để có kết quả đó, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, 5 năm qua, ở nhiều xã của Thái Bình, nhân dân đã góp hàng vạn ngày công, hàng tỷ đồng, tự nguyện hiến đất nông nghiệp, đất thổ cư để mở rộng đường và xây dựng kênh mương...

Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng không khó nhận thấy câu chuyện ở Thái Bình thật quá đối lập với rất nhiều trường hợp tại Bình Phước. Bình Phước đất đai rộng rãi nhưng nhiều trường hợp lại không sẵn sàng hiến tặng vài chục mét vuông để mở đường. Thậm chí rất nhiều người mỗi tháng “nướng” vào quán nhậu cả triệu đồng và hàng trăm giờ... ngồi nhậu nhưng lại không chịu đóng góp vài triệu đồng, vài ngày công cùng nhân dân trong khu dân cư làm đường, khơi thông dòng suối. Những “nhân tố bí ẩn” này đã làm “ách tắc” không biết bao nhiêu “đoạn đường bê tông” trên địa bàn tỉnh. Cũng vì thế nên dễ hiểu khi ở Bình Phước, đến nay mới có duy nhất Tân Lập (Đồng Phú) - xã điểm của cả nước được công nhận là xã NTM.

Làm thế nào để gạt bỏ tâm lý ỷ lại trông chờ vào nhà nước và thói quen chấp nhận chung sống với những đoạn đường đất đỏ của một bộ phận dân cư? Điều này cần sự chung tay của cả cộng đồng, các cấp chính quyền, đoàn thể nhưng cũng rất cần có một chiến lược cụ thể, được giao cho một bộ phận cụ thể. Đó là trách nhiệm của các nhà quản lý, hoạch định chính sách của tỉnh.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu