Thứ 5, 18/04/2024 17:20:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:59, 19/09/2014 GMT+7

Cần gỡ khó cho chiến dịch tăng cường

Thứ 6, 19/09/2014 | 15:59:00 117 lượt xem
BP - Năm 2014, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thị xã Phước Long đề ra mục tiêu có khoảng 80-90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của từng xã, phường được cung cấp thông tin về chăm sóc SKSS-KHHGĐ và 30-40% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ.

Theo đó, địa bàn triển khai chiến dịch được chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư gồm 2 xã Long Giang và Phước Tín; 5 phường còn lại là Long Thủy, Thác Mơ, Sơn Giang, Long Phước, Phước Bình, sử dụng kinh phí kết hợp và kinh phí thị xã hỗ trợ.

Tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình tại Trạm Y tế xã Phước Tín

Để thực hiện tốt chiến dịch, trung tâm xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị triển khai; phối hợp các đơn vị thành viên tổ chức tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên đài phát thanh, đồng thời tổ chức đội dịch vụ lưu động cung cấp 2 gói dịch vụ phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Với 2 xã trọng điểm (Long Giang và Phước Tín) mỗi xã tổ chức 3 ngày; mỗi phường còn lại tổ chức 2 ngày để tuyên truyền và cung cấp các gói dịch vụ.

 Chị Trần Thị Lý, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Phước Tín cho biết: Để chị em nắm rõ các thông tin về chiến dịch, ngoài việc gửi thư mời, cộng tác viên dùng loa tay tuyên truyền tại khu dân cư, Ban chỉ đạo chiến dịch xã còn phối hợp các hội, đoàn thể, ban điều hành khu phố đến từng nhà đối tượng để vận động. Trong ngày đầu tiên thực hiện chiến dịch, đội lưu động tại trạm đã thực hiện được 20 ca đặt vòng tránh thai, 20 ca tiêm thuốc tránh thai, 31 ca dùng thuốc uống tránh thai và 40 ca khám phụ khoa, 21 ca làm các xét nghiệm...

Chị Võ Thanh Thúy, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Tín cũng có mặt tại Trạm y tế xã trong những ngày diễn ra chiến dịch. Chị Thúy chia sẻ: Trong quá trình vận động phụ nữ tham gia chiến dịch vẫn có một số chị em chưa nhận thức đầy đủ về chăm sóc SKSS và KHHGĐ, từ đó ngại tham gia. Mặt khác, một số gia đình khá giả muốn sinh thêm con và khi có điều kiện, họ thường chọn những cơ sở y tế tuyến trên để thăm khám nên ảnh hưởng đến chiến dịch.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai ở thôn Phước Thiện, xã Phước Tín tham gia chiến dịch khi đã có 3 con. Chị Mai tâm sự: Khi đã đủ nếp, tẻ vợ chồng tôi lại muốn có thêm đứa con trai nữa nên tiếp tục sinh. Sau khi được tư vấn, chị Mai muốn thực hiện KHHGĐ. Còn chị Lê Thị Kim Phượng (cùng xã Phước Tín) sinh con thứ 3 là do vỡ kế hoạch. Chị cho biết: Do chủ quan không áp dụng biện pháp tránh thai nên chị mới sinh con thứ 3. Sức khỏe yếu nên có lúc chị Phượng không đảm đương hết trách nhiệm với gia đình và các con. Chị Phượng được tư vấn chọn biện pháp tránh thai lâu dài, vừa phù hợp, vừa đảm bảo sức khỏe nên chị đồng ý.

Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Phước Tín Trần Thị Lý cho biết thêm: Xã có gần 40% đồng bào theo đạo nên công tác vận động bà con thực hiện KHHGĐ gặp nhiều khó khăn. Phần lớn chị em không dám công khai việc bản thân thực hiện KHHGĐ. Một số chị em thực hiện các biện pháp không bền vững nên thường xảy ra chuyện “vỡ kế hoạch”. Cộng tác viên tuy nhiệt tình nhưng phụ cấp quá ít khiến công tác tuyên truyền không thường xuyên, liên tục. Một số chị em còn cho rằng các hoạt động của chiến dịch kém chất lượng do... miễn phí nên ngại tham gia.

Ông Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho rằng những khó khăn ở thị xã Phước Long cũng là trở ngại của ngành dân số nói chung và các đợt chiến dịch tăng cường nói riêng. Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ nhận thức không đồng đều nên những hạn chế trên là điều dễ hiểu. Để tháo gỡ vấn đề này, ông Long cho biết sẽ tăng cường và đa dạng hóa công tác tuyên truyền vận động trong thời gian tới, đồng thời phối hợp các thành viên Ban chỉ đạo để công tác này không chỉ dành riêng cho ngành dân số.

Thùy Dung

 

  • Từ khóa
49861

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu