Thứ 7, 20/04/2024 06:58:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:12, 22/05/2018 GMT+7

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư để chống “diễn biến hòa bình”

Thứ 3, 22/05/2018 | 08:12:00 2,474 lượt xem

BP - Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước không chỉ là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, mà còn là tình cảm, nguyện vọng và mong mỏi chính đáng của nhân dân. Vì lẽ đó, đây cũng là vấn đề mà các thế lực thù địch tập trung chống phá quyết liệt đất nước ta trong chiến lược “diễn biến hòa bình”.

Thứ nhất, khẳng định như vậy vì chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động lợi dụng biểu hiện tiêu cực nhỏ lẻ của một vài cán bộ, công chức, viên chức để tập trung chống phá vào phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư nhằm dùng vấn đề đó làm “ngòi nổ”, “điểm đột phá” để đạt mục đích sâu xa là bôi nhọ, nói xấu, làm mất uy tín, tiến tới “hạ bệ” hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới.

Thứ hai, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư là tiêu chuẩn của người cán bộ, đảng viên, là nội dung cốt lõi trong xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phương thức chủ yếu để xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt. Do đó, chúng xoáy sâu chống phá vào vấn đề này để nói xấu chế độ, cho rằng chế độ ta đã thối nát cùng cực, đang dung túng cho cán bộ, đảng viên làm giàu bất chính, ăn chơi sa đọa; rằng cán bộ, đảng viên phấn đấu vào Đảng để làm quan phát tài, “vinh thân phì gia”... Cuối cùng, chúng kết luận, đó là một chế độ cần phải bỏ đi, đừng “luyến tiếc”. Mặt khác, đó là âm mưu chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sự bất bình trong nhân dân. Từ đó, chúng hy vọng sẽ có một cuộc “cách mạng sắc màu” ở Việt Nam như chiêu bài lật đổ chế độ đã thực hiện thành công ở các nước Trung Đông và Bắc Phi.

Thứ ba, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư là vấn đề rất dễ nhận được sự đồng cảm và đồng tình của nhân dân. Do đó, chúng sẽ dễ dàng tuyên truyền, kích động, lôi kéo và tập hợp được nhân dân khi công kích về vấn đề này. Bởi vì, đó là những đức tính vốn có, đã trở thành truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc. Chúng nói về biểu hiện tiêu cực trong thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của cán bộ thoạt nghe có vẻ rất “chân thành”, “thấu tình đạt lý”, như là đang “nói tiếng nói của người dân”, đang bảo vệ những “truyền thống tốt đẹp của dân tộc”. Vì vậy, chúng đã khơi dậy trong sâu thẳm tâm hồn người dân Việt Nam những niềm tin và khát vọng, những kỳ vọng vào công lý, lẽ phải mà chúng là “người đại diện”, dám “dũng cảm” lên tiếng phản ánh, tố cáo, đưa ra ánh sáng.

Mặt khác, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề liên quan thiết thân đến lợi ích của nhân dân. Nếu cán bộ, công chức, viên chức thiếu liêm chính, không cần kiệm sẽ là những hình ảnh phản cảm, tác động rất lớn đến tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. “Cái nết đánh chết cái đẹp”, “trăm nghe không bằng một thấy” là cách nghĩ và quan niệm sống ngàn đời của nhân dân ta. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyên cán bộ, đảng viên hãy nêu gương tốt, “một tấm gương sống còn hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Phải thừa nhận rằng, việc xây dựng phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư cho cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua, có lúc có nơi chúng ta làm chưa tốt, chưa triệt để, tạo thời cơ để các thế lực thù địch, phản động chống phá. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Các trường hợp Hồ Thị Kim Thoa, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Sĩ Quý... chính là những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xói mòn tình cảm, niềm tin của nhân dân vào phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nhưng không phải vì vậy mà có thể phủ nhận những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong xây dựng đội ngũ cán bộ về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Ngoài Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đảng ta ban hành các quy định, quy chế về phòng, chống tham nhũng; về kê khai tài sản, minh bạch thu nhập; về luân chuyển cán bộ, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ... Tất cả những hành động quyết liệt, thiết thực đó đã phần nào củng cố, giữ gìn hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức trong lòng nhân dân.

Và sự nỗ lực của Đảng, sự cố gắng miệt mài của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện di ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian qua nếu không nhận được sự ghi nhận của nhân dân thì quả thực, chúng ta chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chính vì vậy, mọi người dân hãy mở lòng để đón nhận những hình ảnh tốt đẹp của cán bộ, công chức, viên chức khi thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. đó là thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cùng Đảng, cùng hệ thống chính trị xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”, đủ sức chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.

Hồng Vân (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa
2766

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu