Thứ 6, 26/04/2024 02:47:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:37, 25/08/2016 GMT+7

Cần kiên quyết hơn trong thực thi Luật BHXH

Thứ 5, 25/08/2016 | 08:37:00 86 lượt xem

BP - Báo Bình Phước số ra ngày 22 và 23-8-2016 đăng loạt bài “Gian nan đòi nợ bảo hiểm xã hội”, trong đó phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý và quy định của pháp luật để chây ỳ nợ tiền bảo hiểm xã hội lên tới hàng tỷ đồng. Thậm chí có doanh nghiệp còn “ngậm” luôn khoản tiền hằng tháng người lao động trích từ khoản lương ít ỏi để đóng bảo hiểm.

>> Bài 1: Doanh nghiệp nợ đọng, công nhân “lãnh cả”
>> Bài cuối: Cần quyết liệt với doanh nghiệp cố tình chây ỳ

Đây là một trong những câu chuyện điển hình trong mối quan hệ giữa giới chủ với người lao động khu vực ngoài quốc doanh không chỉ ở Bình Phước mà trên phạm vi toàn quốc hiện nay. Trên khắp cả nước đã có rất nhiều câu chuyện người lao động bức xúc vì không được đóng bảo hiểm xã hội, bị “quỵt” tiền đóng bảo hiểm xã hội, bị nợ tiền bảo hiểm xã hội đến khi doanh nghiệp phá sản thì không biết kêu ai... Nhiều trường hợp công nhân vây tổng giám đốc, chủ doanh nghiệp để đòi tiền bảo hiểm xã hội khiến không chỉ công đoàn mà cả công an vào cuộc mới giải tỏa được đám đông...

Người lao động vốn luôn yếu thế trước giới chủ. Công nhân muốn lương cao, trong khi chủ doanh nghiệp muốn trả công cho công nhân càng ít càng tốt, lợi nhuận càng nhiều... càng “thấy ít”. Đó là những điều “xưa như trái đất” trên toàn thế giới chứ không chỉ ở quốc gia nào. Nhưng chuyện chủ doanh nghiệp chây ỳ không chịu nộp tiền bảo hiểm sau đó vẫn cứ bình thản trước pháp luật, trước cơ quan bảo hiểm, trước chính quyền, trước tổ chức công đoàn và trước mặt chính công nhân của họ thì có lẽ chỉ có ở nước ta. Vì sao lại như vậy? Không khó để có ngay câu trả lời là bởi việc thực thi pháp luật ở Việt Nam không nghiêm minh, hệ thống các chế tài còn nhiều kẽ hở, tổ chức công đoàn chưa làm tốt vai trò trung gian điều hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động.

Ở các nước có trình độ quản lý xã hội cao, luật pháp nghiêm minh, doanh nghiệp có thể nợ tiền lương, có thể giảm tiền lương, giảm lao động, thậm chí có thể phá sản, nhưng hiếm khi nợ tiền bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Bởi lẽ, có thể nợ lương nếu thỏa thuận được với người lao động để chia sẻ khó khăn, giảm lương hay cắt giảm lao động để tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có thể được chấp nhận như một giải pháp trong kinh doanh... Nhưng nợ tiền bảo hiểm xã hội lại là chuyện khác và chắc chắn không được chấp nhận. Bởi lẽ bảo hiểm xã hội là số tiền bắt buộc doanh nghiệp phải đóng góp để bảo đảm sự tồn tại tối thiểu cho cộng đồng lao động và không có cộng đồng lao động thì không có doanh nghiệp - đó là tất yếu, là nguyên lý và cũng là đạo lý xã hội. Đặc biệt, nợ tiền bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật và ở những quốc gia đó doanh nghiệp sẽ khốn đốn chứ không nhởn nhơ như ở Việt Nam.

Đất nước ta nói chung và Bình Phước nói riêng đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tăng tốc phát triển. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay, việc kêu gọi nhà đầu tư đến làm ăn, kinh doanh, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp làm giàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là một chiến lược quan trọng của Bình Phước cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, không vì thế có thể bỏ qua những hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là liên quan đến quyền lợi chính đáng của số đông người lao động chân chính và nghèo khó cũng như cơ quan bảo hiểm xã hội. Đây chắc chắn là vấn đề nhà quản lý và tổ chức công đoàn không thể bỏ qua.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu