Thứ 7, 20/04/2024 14:01:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:54, 27/07/2017 GMT+7

Cần một mức phạt đủ mạnh

Thứ 5, 27/07/2017 | 07:54:00 93 lượt xem
BP - Ngày 23-7, Công an huyện Phú Riềng cho biết đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng đối với ông Lê Văn Long, 31 tuổi, hộ khẩu thường trú khu phố 3, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP. Hồ Chí Minh; tạm trú thôn Bình Điền, xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng. Theo đó, ông Long bị phạt 87 triệu đồng về hành vi sản xuất tiêu “bẩn”.

>> Chủ cơ sở trộn tạp chất vào hạt tiêu bị phạt 87 triệu đồng

Trước đó, ngày 25-3-2017, qua kiểm tra điểm thu mua hạt tiêu tại thôn Bình Điền, xã Bình Sơn do Long làm chủ, Công an huyện Phú Riềng bắt quả tang ông Long đang điều hành 2 người làm thuê pha trộn tạp chất nấu trong 2 chiếc nồi lớn để trộn với hạt tiêu lép đem đi phơi khô, biến hạt tiêu lép thành “tiêu xịn”, có trọng lượng nặng hơn và màu đen hơn. Cơ quan công an xác định mỗi ngày ông Long trộn được 200kg hạt tiêu lép thành 250kg “tiêu xịn” rồi đem bán cho thương lái, tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Tại thời điểm ông Long bị bắt quả tang, giá hồ tiêu khoảng 100 ngàn đồng/kg, nhưng trở về trước đó giá càng cao. Với 50kg tạp chất biến từ tiêu lép thành “tiêu xịn”, có thể thấy ông Long thu “bạc triệu” mỗi ngày. Quyết định xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng đối với ông Lê Văn Long được căn cứ trên các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với mức xử phạt như thế, có lẽ ông Long đã “cười thầm trong bụng”, bởi chẳng thấm tháp gì so với lợi nhuận kiếm được trong bao ngày trước đó từ việc làm bất chính của mình.

Với một Lê Văn Long thì không thể phá hoại được uy tín và chất lượng hồ tiêu Bình Phước hay Việt Nam, nhưng có lẽ không ai dám chắc chỉ có một Lê Văn Long trên địa bàn tỉnh Bình Phước và càng không chắc chỉ có một Lê Văn Long trên địa bàn tất cả những tỉnh có trồng, sản xuất, chế biến hồ tiêu ở nước ta, đặc biệt là khi rất nhiều nông dân trồng tiêu lo lắng đặt câu hỏi không biết người ta cứ đi thu mua tiêu lép về làm gì.

Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới, chi phối thị trường toàn cầu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ uy tín, chất lượng là vấn đề sống còn đối với một ngành hằng năm đem ngoại tệ về hàng tỷ đô la cho nước ta. Nếu mất uy tín về chất lượng, chúng ta sẽ đánh mất vị trí chi phối, kéo theo đó là biết bao hệ lụy, không chỉ thất thu ngân sách, ảnh hưởng doanh nghiệp, mà còn trực tiếp tác động tới nông dân trồng tiêu.

Luật pháp quan trọng nhất là phải nghiêm minh, thưởng phạt công bằng. Đó là lý lẽ được đúc kết từ ngàn xưa. Nếu xử phạt quá nhẹ, không những không ngăn chặn được vi phạm pháp luật, thậm chí có tác dụng ngược lại khiến cho không chỉ kẻ vi phạm khinh nhờn, mà còn khiến những kẻ “lăm le” có ý đồ vi phạm không sợ hãi mà bạo dạn hơn. Vì thế, đối với trường hợp gian lận như ở Phú Riềng, phải xử phạt ít nhất bằng số tiền bất chính mà Lê Văn Long thu được, ngoài ra còn áp dụng thêm nhiều hình phạt bổ sung khác, như cấm kinh doanh trong lĩnh vực hồ tiêu, trục xuất khỏi địa bàn tạm trú... Nghiêm minh hơn, có thể áp dụng mức phạt cao hơn, đủ sức răn đe để hạn chế tối đa có một Lê Văn Long thứ hai, đủ sức khiến những kẻ còn đang trong bóng tối chưa bị phát hiện phải rụt tay lại.

Để giữ cuộc sống cho hàng ngàn hộ trồng tiêu, hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp hồ tiêu, đặc biệt uy tín của hồ tiêu Việt Nam, rất cần biện pháp mạnh đối với những gian lận, những con sâu có thể khiến phải đổ cả nồi canh.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu