Thứ 4, 24/04/2024 13:16:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:48, 25/11/2015 GMT+7

Cần ngăn chặn sự biến tướng của bán hàng đa cấp

Thứ 4, 25/11/2015 | 08:48:00 249 lượt xem

BP - Thời gian gần đây, khá nhiều chiêu trò mị dân, lừa đảo đã tràn về nông thôn và vùng sâu, vùng xa; lo ngại nhất là bán hàng đa cấp, núp dưới vỏ bọc “công ty”. Họ lợi dụng kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia, gây bất bình dư luận và tác động xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự ở nhiều địa phương. Phương tiện truyền thông ghi nhận ngày càng nhiều bức xúc, phản ánh tình trạng lợi dụng hoạt động kinh doanh này để lừa đảo người dân. Hiện tượng này cũng đặt ra vấn đề cho các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương trong quản lý bán hàng đa cấp. 

Trong tuần qua, Báo Bình Phước đã có loạt bài của phóng viên khi thâm nhập vào từng góc cạnh của vấn đề và phân tích khá sâu về những con người cụ thể tham gia hệ thống đa cấp trên địa bàn tỉnh. Thực tế thì Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy cũng đã bị cơ quan chức năng ở nhiều tỉnh phạt do vi phạm pháp luật. Ngày 9-11-2015, ở tỉnh Vĩnh Long, các cơ sở của công ty này bị phạt mỗi cơ sở 140 triệu đồng. Còn ở Bình Phước, Sở Công thương chỉ mới tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp thì e rằng khó có thể ngăn chặn được tiêu cực. Dư luận mong rằng cần khẩn trương vào cuộc của cơ quan chức năng mới mong có thể chấn chỉnh kịp thời những hoạt động biến tướng của bán hàng đa cấp.

Bán hàng đa cấp (tên gọi thông dụng tại Việt Nam) hay kinh doanh đa cấp (multi-level marketing) hoặc kinh doanh theo mạng (network marketing) là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm. Đây là hoạt động kinh doanh bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể mua hàng tại công ty mà không phải qua đại lý hay cửa hàng bán lẻ. Nhờ vậy, hình thức này tiết kiệm rất nhiều chi phí từ quảng cáo, khuyến mãi, tiền sân bãi, kho chứa, vận chuyển hàng hóa.

Tuy vậy, người ta đã lợi dụng cái hay, cái tốt của bán hàng đa cấp và biến tướng để dụ dỗ, lôi kéo nhiều người nhẹ dạ. “Virus” bán hàng đa cấp đang có tốc độ lây lan chóng mặt, với nhiều biểu hiện không lành mạnh. Không chỉ đưa ra mức lợi nhuận mập mờ, khó hiểu, nhiều sản phẩm của công ty kinh doanh hàng đa cấp còn có giá rất cao mà hiệu quả sử dụng thì khó lường. Mặc dù vậy, nó vẫn đang lan rộng trong xã hội, bủa vây nhiều gia đình. Bán hàng đa cấp có đất sống có lẽ xuất phát từ sự quyến rũ của ma lực đồng tiền.

Ngày 19-5-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2014/NĐ-CP nhằm quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Nghị định có rất nhiều điều cấm mà hiện tại không ít cơ sở bán hàng đa cấp đã vi phạm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời gian qua, các cơ quan quản lý chỉ dừng lại ở việc rút giấy phép kinh doanh đa cấp của một vài công ty có hành vi bất chính. Điều này thật sự chưa đủ mạnh để buộc họ phải dừng hoạt động. Để ngăn chặn tình trạng nêu trên, ngày 19-11-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2015/NĐ-CP. Theo đó, hành vi vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp sẽ bị xử phạt đến 50 triệu đồng đối với thương nhân bán hàng đa cấp có một trong các hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ mua lại hàng hóa đã bán cho người tham gia bán hàng đa cấp khi người tham gia bán hàng đa cấp có yêu cầu theo quy định của pháp luật; trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trong 1 năm vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp...

Với quy định mới trên đây và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, giám sát, chắc chắn tiêu cực trong hoạt động bán hàng đa cấp sẽ được dẹp bỏ.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu