Thứ 5, 25/04/2024 07:41:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 18:08, 10/06/2019 GMT+7

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Cân nhắc khi giảm phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh

Thứ 2, 10/06/2019 | 18:08:00 667 lượt xem
BPO - Không vì áp lực giảm biên chế mà giảm số lượng, các chức danh của HĐND. Yêu cầu của cử tri với đại biểu và cơ quan dân cử ngày càng cao, đòi hỏi phải giữ số lượng chuyên trách như luật hiện hành để đảm bảo hoạt động chất lượng.

Đó là ý kiến của đại biểu Tôn Ngọc Hạnh và đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước tại phiên thảo luận ngày 10-6 ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Trong các phương án ban soạn thảo trình, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tôn Ngọc Hạnh thống nhất phương án có 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Theo phân tích của đại biểu, việc có 2 phó chủ tịch không làm tăng biên chế vì thực chất trong đó 1 phó chủ tịch được nâng lên từ chức danh Ủy viên thường trực trước đây nhằm thuận tiện cho việc trao đổi, phối hợp công việc. Qua quá trình áp dụng đã phát huy tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh. Do đó, việc giảm đi một chức danh phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh phải được cân nhắc thận trọng.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tôn Ngọc Hạnh phát biểu thảo luận sáng 10-6 tại hội trường

Phương án giảm đồng đều tất cả các địa phương, kể cả TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh là không hợp lý, chưa có tính thuyết phục cao. Dù ban soạn thảo có lý giải là nhằm đảm bảo thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII để có sự đồng bộ về tổ chức bộ máy của HĐND các cấp. Cách lý giải này theo đại biểu Hạnh chưa hợp lý vì phải đảm bảo đạt được 2 mục tiêu song song là bộ máy giảm, không tăng biên chế nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động. Nếu không xét điều kiện thực tiễn của từng địa phương mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả, dẫn đến phải sửa luật thường xuyên.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước đang thực hiện nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu địa phương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, có thể nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy với chủ tịch HĐND. Vì vậy, đối với địa phương đã thực hiện nhất thể hóa, trường hợp chủ tịch HĐND là không chuyên trách, nếu chỉ còn 1 phó chủ tịch thì việc điều hành công việc sẽ rất khó khăn, không thể đảm đương hết nhiệm vụ do luật định.

Về cơ cấu tổ chức HĐND cấp huyện, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Tôn Ngọc Hạnh thống nhất với phương án 1 phó chủ tịch HĐND huyện chuyên trách và 1 phó ban chuyên trách HĐND cho cả cấp tỉnh và cấp huyện.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận sáng 10-6 tại hội trường

Về số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện hay phó chủ tịch UBND cấp xã loại 2, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 18 hay Kế hoạch số 07 cũng là thực hiện Nghị quyết của Trung ương. Do vậy, việc tăng hay không tăng biên chế quan trọng nhất là tính đến hiệu lực, hiệu quả khi sửa đổi luật.

Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh việc tăng hay giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện hoặc trưởng, phó ban của HĐND cần cân nhắc. Đại biểu đồng tình quan điểm giữ nguyên, vì luật này mới thông qua và đi vào thực hiện hơn 3 năm, bây giờ sửa nhiều lại xáo trộn biên chế về tổ chức bộ máy. Tính hiệu lực, hiệu quả của 2 luật này được chứng minh bằng hiệu quả hoạt động và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2018 vừa qua. Vấn đề là cần xem xét việc tăng 1 phó chủ tịch UBND có tương xứng với giảm 1 phó chủ tịch HĐND tỉnh hay không.

Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã giải trình làm rõ thêm một số nội dung, đồng thời ông cũng cho biết sẽ phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 tới đây.

Trần Thể

  • Từ khóa
28283

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu