Thứ 5, 25/04/2024 17:01:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:30, 29/07/2016 GMT+7

Cần nhiều hơn những “bánh xe tri thức”

Thứ 6, 29/07/2016 | 09:30:00 118 lượt xem

>> Thú vị, bổ ích từ “Thư viện lưu động”

BP - Báo Bình Phước số 453, ra ngày 26-7 đưa tin, từ 25 đến 28-7, tại 7 xã, thị trấn của huyện Bù Đốp, Huyện đoàn phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức chương trình “Xe thư viện lưu động” phục vụ các em thanh thiếu nhi. Các chuyến xe mang hành trang tri thức gồm hơn 3.000 quyển sách, báo và 10 máy vi tính kết nối internet, tivi... Đây thực sự là những “bánh xe” giúp trẻ em nghèo, dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, xa,biên giới được tiếp cận tri thức trong những tháng hè xa mái trường, thầy cô.

Ở vùng trung tâm, thị xã, thị trấn, việc đến nhà sách, siêu thị, thư viện, cửa hàng đọc sách, báo, truy cập internet đối với thanh thiếu nhi là chuyện quá đỗi bình thường. Nhưng với trẻ em ở vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số, biên giới như các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập...thật khó, thậm chí xa vời. Ngày hè với các em là phụ giúp việc nhà, trông em, bóc vỏ lụa hạt điều, lên lô lấy mủ tạp, chăn trâu, kiếm củi hoặc đi làm thuê kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, thiếu sân chơi cho thanh thiếu nhi ở khu vực nông thôn đang là vấn đề đau đầu của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng không chỉ ở tỉnh Bình Phước. Nhiều vụ đuối nước liên tiếp xảy ra trong thời gian qua mà đối tượng chủ yếu các em nhỏ nông thôn, dân tộc thiểu số là minh chứng thương tâm về những thiệt thòi do thiếu sân chơi an toàn, bổ ích. Những năm gần đây, các cấp bộ đoàn trong, ngoài tỉnh đã tổ chức nhiều sân chơi cho trẻ em vùng sâu, dân tộc thiểu số, biên giới thông qua chiến dịch, mùa hè tình nguyện, vì cuộc sống cộng đồng, vì đàn em thân yêu... Tuy nhiên, không phải trẻ em tất cả thôn, ấp, sóc nào cũng được tiếp cận với những chuyến tình nguyện như vậy. Mới đây, trong chuyến công tác ở cơ sở, người viết chứng kiến em học sinh lớp 6 khi nhìn thấy máy vi tính đã tỏ ra lạ lẫm, tò mò, vì chưa bao giờ được tiếp cận với chiếc máy đã có mặt tại nước ta từ mấy chục năm trước!?

Mỗi chuyến xe của chương trình “Xe thư viện lưu động” lăn bánh lại mở ra nguồn tri thức mới cho nhiều người dân, trong đó có các em thanh thiếu nhi. Hơn hết là góp phần rèn luyện cho các em thói quen và niềm say mê đọc sách. Huyện đoàn Bù Đốp và Thư viện tỉnh đã có cách làm rất năng động: Phục vụ sách trên xe. Khi xe đến nơi khác thì có 300-500 đầu sách để lại trong các thư viện trường để các em học sinh mượn đọc. Ngoài ra, xe còn tổ chức chiếu phim hoạt hình, phim truyện, phim tài liệu... Hiệu quả thật ấn tượng: Từ 7 đến 10 giờ, xe thư viện lưu động tại Trường THCS Tân Thành không lúc nào ngơi học sinh và người dân đến khám phá, tìm hiểu về thế giới tri thức rộng lớn. Điều đó cho thấy, nhu cầu đọc, xem và nghe thông tin ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa, biên giới rất cao. Xin được trích câu nói của em Niêng Thị Hồng Nhung, ở ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp mà cộng tác viên Báo Bình Phước đã ghi lại: “Em rất vui khi xe thư viện về sóc, có nhiều sách, truyện mới cho em và các bạn đọc. Còn có máy tính cho chúng em lên mạng và được xem phim rất hay. Em mong sao hè nào cũng có chương trình như thế”.

Mong rằng không chỉ “Xe thư viện lưu động” hoặc các sự kiện nhân Ngày sách Việt Nam 21-4 hằng năm, mà nhiều chương trình khác tiếp tục được thực hiện thường xuyên, mang niềm vui, tri thức của nhân loại đến với thanh thiếu nhi và các tầng lớp nhân dân ở vùng biên giới, khó khăn của tỉnh.

 Hoàng Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu