Thứ 6, 29/03/2024 09:09:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:25, 06/12/2015 GMT+7

Cần nhìn từ hai phía

Chủ nhật, 06/12/2015 | 07:25:00 122 lượt xem

BP - Ngày cuối cùng của tháng 11 - tháng mà cả xã hội dành sự quan tâm đối với thầy cô giáo, những người được ví làm nhiệm vụ “chèo đò” để đưa các thế hệ học trò qua dòng sông tri thức thì một sự việc đau lòng đã xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đó là hai học viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đồng Phú gây sự rồi dùng gạch đập vào đầu một thầy giáo ở Trường THPT Đồng Phú, gây chấn thương cho thầy. Dẫu vết thương trên đầu thầy giáo có sâu, rộng đến cỡ nào, khi được chữa trị rồi cũng sẽ lành nhưng hành vi đánh thầy của hai học viên nói trên đã để lại vết sẹo trong lòng nhiều người bởi tình thầy trò đã bị xuống cấp quá mức. Đáng nói đây không phải lần đầu trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng trò đánh thầy. Cách đây vài năm, tại một trường THPT trên địa bàn thị xã Đồng Xoài cũng từng xảy ra chuyện học trò cầm dao rượt thầy giáo dạy Toán chạy lòng vòng trong lớp, chỉ vì thầy đã nhiều lần cảnh cáo thái độ học tập không nghiêm túc của em này.

Thấy tôi tỏ ra bức xúc khi đọc được tin này trên báo, có người nói: Bình Phước mình xem chừng còn “ổn” đấy. Cứ vào mạng gõ mấy từ “trò đánh thầy” sẽ thấy nhan nhản các vụ còn tồi tệ hơn gấp nhiều lần. Tôi đã thử làm và chỉ sau 0,45 giây đã cho 854.000 kết quả. Có vụ kinh hoàng đến mức giữa giảng đường đại học, một cựu sinh viên mang theo dao và 5 lít axít tạt thẳng vào thầy giáo đang giảng bài chỉ vì nhiều lần thi bị đánh rớt. Hậu quả là không chỉ gây thương tích nặng cho thầy mà nhiều sinh viên khác cũng bị vạ lây. Rồi tại một trường đại học khác, một sinh viên đã nấp trong nhà vệ sinh và dùng tuýp sắt đánh thầy giáo của mình đến trọng thương rất nặng để “trả thù”. Gần đây là vụ sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam (Hà Nội) chặn xe đánh gãy mũi thầy giáo ở ngay cổng trường...

Nhưng không chỉ có chuyện ngược đời là trò đánh thầy, thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các clip bạo lực học đường, không chỉ giữa học sinh với nhau mà còn có cả cảnh giáo viên đánh học sinh, học sinh đánh thầy cô giáo gây bức xúc dư luận. Bức xúc nhất là vụ thầy trò đánh nhau trên bục giảng tại một trường THPT ở tỉnh Bình Định hồi trước tết năm ngoái. Sau vụ việc đáng xấu hổ này, những học trò liên quan bị khiển trách, còn thầy giáo bị sa thải.

Dẫu ít nhiều còn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng phong kiến trong giáo dục con trẻ, rằng “thương cho roi cho vọt”, tôi vẫn không thể chấp nhận cách hành xử của thầy giáo trẻ ở Bình Định. Thế nhưng sau khi thầy giáo bị sa thải, tôi lại có cảm giác hình như nhà trường muốn đưa ra án kỷ luật thật nhanh, thật nặng, bảo vệ học sinh thật nhiều để trấn an dư luận, để khỏi bị báo chí, phụ huynh lên án. Tại sao chúng ta không phán xét việc trò đánh thầy mà chỉ làm ngược lại? Thử hỏi nếu cha mẹ đánh con (không phải vì ghét mà đánh) mà bị con gọi bạn bè đánh lại thì ta sẽ hành xử thế nào? Thầy đánh trò là sai, là đi quá giới hạn. Nhưng dù với bất cứ lý do gì, trò đánh thầy là trái với đạo lý. Thế nên tôi cho rằng, chính những bài báo tập trung phanh phui mổ xẻ đạo đức của người thầy và quy kết “thầy không ra thầy” nên trò mới hư đã vô tình “nối giáo” cho những học sinh cá biệt. Có một điều chắc chắn, hôm nay chúng tự cho mình quyền được đánh thầy thì ngày mai chúng sẽ không ngại ngần khi đánh cha mẹ mình!

 Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu