Thứ 6, 26/04/2024 04:45:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:13, 21/03/2019 GMT+7

Cần phải xem kẻ ngáo đá là tội phạm

Thứ 5, 21/03/2019 | 09:13:00 248 lượt xem
BP - Một kẻ “ngáo đá” vừa dùng rựa, dao chém chết 4 người thân trong gia đình tại huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) gây bàng hoàng dư luận. Mới đây, một kẻ ngáo đá lái xe ôtô gây tai nạn giao thông liên hoàn ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) và nhiều trường hợp khác cho thấy, những đối tượng ngáo đá đang gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn xã hội. Vì vậy, cần phải xem đối tượng ngáo đá là một loại tội phạm nguy hiểm để xử lý theo pháp luật nhằm ngăn chặn những tội ác do ngáo đá gây ra.

Người sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá) sẽ bị hoang tưởng, ảo giác, ảo thị, ảo thanh... gọi là ngáo đá. Ngáo đá luôn ám ảnh mình sẽ bị giết hại, thấy ma quỷ, quái vật... nên có những hành động hung hãn, tàn độc để tự bảo vệ mình trong cơn hoang tưởng. Thời gian qua, các ngành hữu quan ở nước ta đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, chuyên đề về hậu quả, tác hại của ma túy tổng hợp và đề xuất những phương án phòng ngừa. Tuy nhiên, thực trạng mua bán, sử dụng ma túy đá ở nước ta đang có những diễn biến phức tạp, tỷ lệ người bị ngáo đá đang ngày một trẻ hóa và lan rộng. Trước đây, người nghiện ma túy đa phần dùng heroin, rất ít trường hợp sử dụng ma túy đá vì hiếm và đắt. Ngày nay, giá ma túy đá rẻ hơn so với heroin, đặc biệt những tổ chức tội phạm ở các nước láng giềng đã tự điều chế được nên “hàng đá” có sẵn và giá rẻ. Trong khi đó, nhiều gia đình cha mẹ chỉ lo kiếm tiền nên quản lý con cái lỏng lẻo, dẫn đến việc chúng sa vào cạm bẫy của những kẻ xấu. Tại Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định phạt tù đối với người sử dụng chất ma túy trái phép dưới bất kỳ hình thức nào, tức những ai sử dụng chất ma túy trái phép đều là tội phạm và phải chịu án phạt tù tùy theo mức độ. Thế nhưng Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 lại xem người sử dụng ma túy là người bệnh, không phải tội phạm. Chương XX, “Các tội phạm về ma túy” không có điều, khoản nào nói về mức án hay hình phạt đối với trường hợp sử dụng ma túy mà chỉ có những quy định phạt tù đối với người tổ chức sử dụng, tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, mua bán... ma túy. Nghĩa là người sử dụng ma túy không bị xử lý hình sự như luật cũ mà chỉ bị xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe, giáo dục các đối tượng khác.

Trên địa bàn Bình Phước tuy chưa xảy ra trường hợp ngáo đá gây án đặc biệt nghiêm trọng, nhưng trong năm 2018, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện gần 200 vụ với trên 250 đối tượng tội phạm về ma túy. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.582 người nghiện ma túy, tăng 208 người so với năm 2017. Trong đó, số người nghiện ngoài xã hội 1.211, số đang quản lý trong các nhà tạm giữ 30 và số đang ở các cơ sở cai nghiện là 223 trường hợp. Riêng 9 tháng năm 2018, Bình Phước đã lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc 318 trường hợp... Những số liệu nêu trên cho thấy tình hình vi phạm pháp luật về ma túy ở tỉnh ta rất đáng báo động.

Ngoài các hành vi cuồng loạn tức thời, kẻ ngáo đá còn gây mất an toàn xã hội, đe dọa tính mạng những người xung quanh, gây hệ lụy xấu về mặt xã hội cũng như văn hóa, đạo đức. Do đó, các nhà làm luật ở nước cần phải xem việc sử dụng chất ma túy là hành vi phạm tội như đã quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999 để kịp thời cảnh tỉnh, ngăn chặn và hạn chế những tội ác do đối tượng ngáo đá gây ra.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109071

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu